Giá trị thực tiễn của Báo cáo trong bối cảnh “tinh gọn bộ máy” của Việt Nam
Báo cáo Quốc gia được xuất bản thường niên trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (USSH), Trường Đại học Justus Liebig Giessen (JLU), và Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam, nhằm tạo diễn đàn cho nghiên cứu học thuật và đối thoại chính sách về những vấn đề xã hội cấp thiết.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
Theo các chuyên gia, hành chính công là thành phần không thể thiếu của một nhà nước hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự tồn tại trong hiện tại cũng như tương lai của quốc gia. Đặc biệt, để bảo đảm một xã hội phát triển thịnh vượng, hành chính công phải không ngừng được điều chỉnh để thích ứng với những thách thức mới. Chính vì vậy, các cải cách hành chính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cuộc cải cách hành chính hiện nay đang được Chính phủ Việt Nam triển khai với quyết tâm mạnh mẽ tạo ra một thay đổi lớn trong cấu trúc hành chính quốc gia. Những cải cách đang diễn ra có thể được coi là cuộc tái cấu trúc đầy tham vọng nhất đối với bộ máy hành chính, nếu không muốn nói là cả đất nước, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới.
Trong bối cảnh này, Báo cáo Quốc gia về Việt Nam số này tập trung vào chủ đề cải cách hành chính, một công cuộc cải cách sâu rộng và với nhịp độ nhanh, đang diễn ra ở Việt Nam. Đứng trước một sự thay đổi mạnh mẽ, nhiều chiều như vậy, các nghiên cứu trong báo cáo nỗ lực để diễn giải, sắp xếp và thử áp dụng các khung lý thuyết, các kinh nghiệm trước đó để đưa đến một cái nhìn rõ ràng, logic và có tính hệ thống các tiến triển đang diễn ra. Mặt khác, mục tiêu chính của nghiên cứu về chủ đề này là xác định động lực, những tác động trước mắt và lâu dài, cũng như triển vọng của công cuộc “tinh gọn bộ máy” hiện nay. Ngoài ra, các đề xuất có cơ sở khoa học về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình cải cách hành chính cũng được đưa ra.
GS.TS. Detlef Briesen - Đồng Chủ biên của Báo cáo Quốc gia về Cải cách Hành chính ở Việt Nam
Theo ông Michael Siegner (Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam), cải cách hành chính ở Việt Nam là một trong những sáng kiến quản trị đầy tham vọng và mang tính chuyển đổi sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đổi mới. Quá trình tái cơ cấu các bộ, tinh giản bộ máy nhà nước, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đều hướng tới mục tiêu hình thành mộtnền hành chính tinh gọn hơn, minh bạch hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Những thay đổi này có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế và đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam.
Tuy nhiên, một chương trình cải cách toàn diện như vậy cũng đặt ra không ít thách thức, từ việc hài hòa hệ thống pháp luật, tái cấu trúc nguồn nhân lực khu vực công, cho đến bảo đảm rằng hiệu quả tăng lên không đánh đổi bằng tính bao trùm hay chất lượng dịch vụ công.
Ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam bày tỏ kỳ vọng về những đóng góp của Báo cáo
Giá trị khoa học và hàm ý chính sách
“Báo cáo Quốc gia: Cải cách Hành chính ở Việt Nam” năm 2025 tập trung vào cải cách hành chính và những tác động đa chiều của nó đối với quản trị quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội. Các bài viết trong ấn phẩm bao quát một phạm vi rộng: tiến trình hình thành và phát triển của hệ thống hành chính Việt Nam; các ưu tiên cải cách hiện nay; phân cấp phân quyền cho địa phương và chính phủ điện tử; cũng như những góc nhìn so sánh từ châu Âu.
TS. Nguyễn Thị Thùy Trang - Giảng viên khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ biên Báo cáo Quốc gia về Cải cách Hành chính ở Việt Nam trình bày bố cục của Báo cáo
Theo đó, Báo cáo được chia thành bốn phần, trong đó phần thứ nhất cung cấp cái nhìn tổng quan về vấn đề cải cách hành chính hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trường hợp Việt Nam (tác giả Detlef Briesen).
Phần thứ hai của báo cáo quốc gia tập trung vào việc đánh giá tổng thể hiệu quả của nền hành chính công tại Việt Nam dưới góc nhìn của công chúng, chính phủ và giới học thuật. Cụ thể đó là nghiên cứu về sự phát triển mang tính lịch sử của nền hành chính (tác giả Nguyễn Mạnh Dũng), nghiên cứu tổng thể về các chương trình cải cách đã được hoạch định và mức độ sâu rộng của chúng (tác giả Đỗ Hương Lan và Trịnh Ngọc Thạch); nghiên cứu về cách tiếp cận trong cải cách hành chính của Việt Nam (tác giả Nguyễn Hồng Hải); và nghiên cứu bổ sung về sự cần thiết và tính cấp bách của cải cách dưới góc độ quan điểm công chúng (tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng).
Phần thứ ba của báo cáo minh họa các chiến lược cải cách hành chính kinh điển thông qua các ví dụ về những đổi mới gần đây, cụ thể: nghiên cứu tập trung vào việc đổi mới quy trình và nguồn nhân lực trong hệ thống hành chính, qua nghiên cứu hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam (tác giả Đỗ Phú Hải); nghiên cứu xem xét các điều chỉnh về cấu trúc hệ thống chính trị Việt Nam (tác giả Vũ Thị Anh Thư); nghiên cứu phân tích việc thành lập các đơn vị hành chính theo vùng, cùng với việc xác định lại ranh giới và trách nhiệm của các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (tác giả Nguyễn Văn Chiều và Hoàng Thanh Lịch); và nghiên cứu thảo luận về khả năng áp dụng mô hình hành chính đa cấp dựa trên nền tảng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (tác giả Michael Siegner và Trịnh Ngọc Mai). Bên cạnh đó, hai nghiên cứu mang tính chất so sánh các kinh nghiệm của các nước Châu Âu về cải cách hành chính liên quan đến chuyển đổi số (tác giả Sabine Kuhlmann) và vấn đề phân cấp phân quyền (tác giả Soeren Keil). Cuối cùng, báo cáo có một nghiên cứu mang tính tổng hợp về những thay đổi và các yếu tố liên quan đến cấu trúc hệ thống hành chính và quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam (tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang).



Các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về các kết quả của Báo cáo
Thông qua “Báo cáo Quốc gia: Cải cách Hành chính ở Việt Nam”, các nhà khoa học, các chuyên gia kỳ vọng mang đến những phân tích hữu ích và thúc đẩy đối thoại giữa giới học thuật, nhà hoạch định chính sách, cán bộ thực thi, sinh viên và các đối tác phát triển về chủ đề quan trọng này. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, những bài học rút ra trong giai đoạn cải cách hiện nay sẽ góp phần định hình kiến trúc quản trị quốc gia trong nhiều thập kỷ tới.
Từ năm 2020, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học Justus-Liebig Universität Gießen (CHLB Đức), với sự hỗ trợ của Tổ chức Hanns Seidel (CHLB Đức), đã biên soạn và xuất bản chuỗi Báo cáo Quốc gia thường niên về Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cập nhật đến cộng đồng nghiên cứu và hoạch định chính sách về các vấn đề xã hội quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
Kể từ ấn phẩm đầu tiên “Việt Nam với tư cách là một xã hội già hóa” ra mắt tháng 01/2021, chuỗi Báo cáo đã xuất bản 07 số với các chủ đề thiết thực như: Chính sách môi trường ở Việt Nam, Việt Nam – Một Xã hội số, Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, Phụ nữ trong xã hội Việt Nam, Thị trường lao động ở Việt Nam và Thực hiện chính sách ở Việt Nam. Các báo cáo đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới nghiên cứu và thực hành chính sách.
Tin bài liên quan:
VNU-USSH tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia “Thực hiện Chính sách ở Việt Nam” năm 2024