Tin tức

Học Du lịch để trở thành nhà quản trị, không chỉ là người dẫn đường!

Thứ năm - 24/07/2025 00:29
Theo TS. Vũ Hương Lan (Phó trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành không chỉ là làm công việc của hướng dẫn viên, mà rất đa dạng các công việc khác nhau, đòi hỏi kỹ năng, nghiệp vụ và cả sự đam mê, nhiệt huyết.
Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là một trong những ngành đào tạo đầu tiên và có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên không ít người vẫn hình dung đơn giản rằng: Học Du lịch là để làm hướng dẫn viên. Điều đó khiến nhiều bạn trẻ bỏ lỡ cơ hội theo đuổi ngành học giàu tiềm năng phát triển và đặc biệt phù hợp với thế hệ năng động, sáng tạo ngày nay.
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành có gì đặc biệt?
Sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không chỉ học cách xây dựng các chương trình du lịch hay thuyết minh tại điểm đến, mà còn được học đa dạng các nhóm kiến thức như:
- Kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý;
- Kiến thức về hướng dẫn và điều hành du lịch;
- Kiến thức về quản trị kinh doanh lữ hành;
- Kiến thức về tổ chức sự kiện, truyền thông và marketing trong lĩnh vực du lịch;
- Kiến thức về quản lý điểm đến, quản trị dịch vụ tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các cơ sở lưu trú.
Bên cạnh đó, chương trình học cũng chú trọng đến các học phần đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, khởi nghiệp như Kinh doanh lữ hành số... Đây là những yếu tố mang tính đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển của du lịch hiện đại.
Chương trình đào tạo cũng có các học phần để giúp sinh viên rèn luyện những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian… Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ cũng được chú trọng với việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành du lịch, định hướng cho sinh viên học thêm ngoại ngữ thứ hai như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật… giúp sinh viên có thể tự tin làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, trong môi trường quốc tế.
Điểm trúng tuyển vào ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành là bao nhiêu?
Thông tin về điểm chuẩn trúng tuyển những năm qua, TS. Vũ Hương Lan cho biết, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn có điểm đầu vào cao so với mặt bằng chung bởi uy tín, chất lượng của chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm.
Năm 2024, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành xét tuyển ở mức điểm chuẩn lần lượt là 25.61 điểm với tổ hợp A01; 25.99 điểm với tổ hợp D01; 26.74 điểm với tổ hợp D78; 28.58 điểm với tổ hợp C00.
Sinh viên Du lịch học chạm tay vào thực tế, rèn kỹ năng, vững chuyên môn
Sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành không chỉ học trên giảng đường mà còn được học  thực tế qua những chuyến đi trong và ngoài nước, được đào tạo nghề tại những doanh nghiệp lữ hành, sự kiện uy tín trong ngành.
Có thể nói, hoạt động thực tập, thực tế của sinh viên Khoa Du lịch học luôn nằm trong top đầu tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các chuyến Kiến tập - Thực tập tổng hợp - Thực tập chuyên ngành được tổ chức định kỳ, giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm văn hóa, lịch sử, đời sống, sản phẩm, dịch vụ tại các điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước như: con đường di sản Miền Trung, Miền Tây sông nước, Trung Quốc, Thái Lan… Trong mỗi chuyến đi, các bạn sinh viên được hướng dẫn thực hành quy trình xây dựng chương trình du lịch, kết nối các dịch vụ, tổ chức các sự kiện… để rèn luyện nghiệp vụ, quan sát, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp.
Sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành trong chuyến đi thực tế Kiến tập tổng hợp tại Đại Nội Huế
Mạng lưới hợp tác đa dạng
Khoa Du lịch học đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới như Đại học Toulouse Le Mirail (Pháp), Đại học Rikkyo (Nhật Bản), Đại học Khoa học Ứng dụng Munich (Đức), Đại học Quảng Tây, Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc)... Thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, hội thảo quốc tế và hàng loạt dự án nghiên cứu, sinh viên Khoa Du lịch học có cơ hội đi ra thế giới, rèn luyện khả năng ngoại ngữ và nâng cao năng lực hội nhập khi bước vào thị trường lao động.
Sinh viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trao đổi và học tập cùng sinh viên trường Đại học Rikkyo, Nhật Bản
Bên cạnh đó, Khoa Du lịch học cũng hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, sự kiện, khách sạn uy tín. Nhiều cựu sinh viên của Khoa đang làm việc tại các vị trí điều hành các doanh nghiệp lớn, tiêu biểu như chị Nhữ Thị Ngần – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hanoi Tourism, anh Nguyễn Đức Hạnh – Đồng sáng lập All Asia Vacation, đơn vị từng tổ chức tour Việt Nam cho tỷ phú Bill Gates… Mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ với các đối tác và cựu sinh viên trở thành một trong những mạng lưới kết nối quan trọng và nổi bật của Khoa Du lịch học góp phần hỗ trợ về các hoạt động thực tế nghề nghiệp.
Cựu sinh viên đồng hành, cố vấn cho cuộc thi “Bản lĩnh Du lịch học 2024”
Cơ hội việc làm rộng mở dành cho sinh viên
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành có thể làm việc ở khu vực nhà nước (Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, Ban quản lý di tích…), đảm nhiệm các vị trí khác nhau và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Còn đối với khu vực tư nhân như các doanh nghiệp du lịch, cơ hội việc làm của sinh viên cũng rất đa dạng, với các vị trí như:
- Chuyên viên điều hành tour, thiết kế sản phẩm du lịch;
- Chuyên viên truyền thông, PR, tổ chức sự kiện;
- Chuyên viên sales, marketing du lịch;
- Quản lý dịch vụ khách hàng;
Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp còn có thể nghiên cứu, giảng dạy hoặc tham gia các dự án trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, NGO…
Đặc biệt, điểm mới của chương trình đào tạo năm nay là sự ra đời của chuyên ngành mới Kinh tế Du lịch, sinh viên sau tốt nghiệp có thể đảm nhiệm vai trò chuyên viên phân tích dữ liệu, hoạch định chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch trong và ngoài nước.
Nhà tuyển dụng hiện nay không chỉ cần người giỏi lý thuyết mà còn cần người giỏi ngoại ngữ, có tư duy dịch vụ, khả năng quản lý, sáng tạo trong thiết kế trải nghiệm, và hiểu biết về văn hóa – công nghệ – kinh tế du lịch. Đó là lý do sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được đào tạo toàn diện, hiện đại với 03 chuyên ngành đào tạo: Quản trị Lữ hành, Quản trị Sự kiện và Kinh tế Du lịch. Ngành học này sẽ cung cấp cho các bạn sinh viên hành trang vững chắc để vững tin trên con đường nghề nghiệp rộng mở trong tương lai.
------------------------------------------------------
Thông tin tuyển sinh ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành
Mã xét tuyển: QHX17
Tổ hợp xét tuyển: D01, D14, D15, D66, C00, C03, C04
Chỉ tiêu: 200 sinh viên
Đơn vị đào tạo: Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 4, Tòa A, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Website: www.fts.ussh.vnu.edu.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/dulichhoc
Email: khoadulichhoc@gmail.com
Thông tin về Chương trình đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành
 

Tác giả: Hồng Nguyên - Khoa Du lịch học

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây