VNU-USSH thu hút đông đảo giáo sư, chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới đến giảng dạy và nghiên cứu

Thứ năm - 05/10/2023 03:28
Ngày 4/10/2023, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, VNU-USSH) đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với gần 40 giáo sư thỉnh giảng, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Trường nhân dịp khai giảng năm học mới
IMG 0002
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn gửi lời chào đón nồng nhiệt và cảm ơn sâu sắc đến tất cả các giáo sư thỉnh giảng, nhà khoa học đã cùng cộng tác và hỗ trợ Nhà trường trong suốt thời gian vừa qua. Đồng thời khẳng định, Nhà trường vô cùng vui mừng khi được đón tiếp 40 giáo sư và nhà nghiên cứu từ các trường đại học lớn trên thế giới đến thỉnh giảng, trao đổi học thuật và nghiên cứu khoa học, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy uy tín khoa học của Nhà trường ngày càng được nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục cũng như các học giả trong khu vực và trên thế giới biết đến.
IMG 0004

Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ những thành tựu đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường những năm gần đây. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: Trường ĐHKHXH&NV tự hào là đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, với đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao: 75% cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên, trong đó gần 25% có chức danh GS, PGS; nhiều nhà khoa học là các chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, có uy tín khoa học trong nước và quốc tế.
Hiện nay Nhà trường có 28 CTĐT bậc cử nhân, 30 thạc sĩ và 36 tiến sĩ. Trong đợt tuyển sinh hàng năm, các ngành học của trường thu hút sự quan tâm đông đảo của thí sinh trên cả nước, nên ngưỡng điểm đầu vào thường cao nhất cả nước, đặc biệt với một số ngành “hot”: Báo chí, Quan hệ công chúng, Đông phương học, Quốc tế học, Tâm lí học,… Điều đó đảm bảo cho chúng tôi có thể tuyển được những sinh viên chất lượng tốt nhất.
Trong chương trình đào tạo, ngoài việc mở rộng một số ngành đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, theo xu thế mới, định hướng ứng dụng, chúng tôi vẫn duy trì, phát triển những ngành khoa học cơ bản là thế mạnh, thương hiệu của Trường: Lịch sử, Ngôn ngữ, Triết học và Văn học.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức lớn Nhà trường gặp phải trong thời gian tới. Trong đó, bao gồm các vấn đề về đổi mới, tái cấu trúc các chương trình đào tạo, vừa nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa bắt kịp với những thay đổi liên tục của thị trường lao động. Đồng thời, vẫn giữ được những ngành học là bản sắc và thế mạnh, truyền thống hàn lâm, học thuật của mình.
Để thực hiện được sứ mệnh trở thành một đại học nghiên cứu chất lượng cao, trình độ cao, hội nhập quốc tế, có vị thế trong khu vực và trên thế giới, chúng tôi huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực trong nước, đồng thời luôn trân trọng sự tham gia, đóng góp của đông đảo giáo sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu đến từ các quốc gia trên thế giới.
Trong nhiều năm qua, Nhà trường đã ban hành nhiều chính sách để thu hút và tạo điều kiện cho các giáo sư, nghiên cứu sinh từ nhiều quốc gia: Mĩ, Đức, Pháp, Hà Lan, Australia, Nhật Bản, Hà Quốc, Thái Lan,… đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tham gia các hội thảo khoa học quốc tế; đồng thời hỗ trợ các đơn vị trong hướng dẫn sinh viên, học viên nghiên cứu, công bố quốc tế, xuất bản các công trình khoa học. Các giáo sư, các nhà khoa học tham dự buổi gặp mặt hôm nay đã thực sự trở thành những người thầy, người bạn thân thiết, gần gũi của các giảng viên, học viên, sinh viên tại các khoa: Đông phương học, Du lịch học, Lịch sử, Ngôn ngữ học, Quốc tế học, Nhân học,…
Trân trọng những chia sẻ của Giáo sư Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn, các giáo sư thỉnh giảng, các nhà khoa học quốc tế tham dự buổi gặp mặt đều đánh giá cao sự tiếp đón trọng thị, chu đáo, sự cộng tác rất chuyên nghiệp dành cho các nhà khoa học khi đến làm việc tại Trường ĐHKHXH&NV, đồng thời khẳng định mong muốn trong thời gian tới sẽ được tiếp tục làm việc với khoa, với trường.
GS Detlef Briesen (đến từ Đại học Justus Liebig Giessen (CHLB Đức)) chia sẻ: “Tôi đã có thời gian cộng tác lâu dài với các giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam tại trường ĐHKHXH&NV và đã triển khai nhiều dự án, xuất bản công trình khoa học có giá trị, tiêu biểu là Báo cáo quốc gia Việt Nam về rất nhiều vấn đề: văn hoá, lịch sử, kinh tế, xã hội,… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu xuất bản và công bố quốc tế về tương lai nghề nghiệp, chuyển dịch của thị trường lao động Việt Nam, về nữ quyền,… Tôi hi vọng rằng những nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp ích cho sinh viên, nghiên cứu sinh,  giảng viên của nhà trường trong việc nâng cao trình độ, tiếp cận được các phương pháp nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực KHXH&NV”.
IMG 0009

GS Inagaki Tsutomu (Nhật Bản) bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ các nghiên cứu sinh tham gia các đề tài nghiên cứu và cùng đứng tên trong các công bố quốc tế với danh nghĩa là cán bộ của Nhà trường. Đồng thời, GS Inagaki Tsutomu sẽ hỗ trợ tăng cường kết nối Nhà Trường với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản để cùng tiến hành các hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu tại Việt Nam và Nhật Bản.  
IMG 0029
GS Inagaki Tsutomu (Giáo sư thỉnh giảng, người bạn rất thân thiết của Khoa Du lịch học từ năm 2017 đến nay, Nguyên Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Rikkyo, Nhật Bản) phát biểu tại buổi gặp mặt 
Bà Maeda Ayumi chia sẻ: dù mới đến Việt Nam được vài tháng nhưng tôi đã rất yêu thích đất nước của các bạn. Đặc biệt khi đến Trường ĐHKHXH&NV, tôi được đón tiếp rất nồng nhiệt. Tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ hợp tác hiệu quả trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
IMG 0033
Bà Maeda Ayumi (Giảng viên tình nguyện của Tổ chức JICA (Nhật Bản)) bày tỏ niềm vui và mong muốn tham gia vào các hoạt động khoa học, hỗ trợ cho đông đảo sinh viên, học viên của Nhà trường
 Thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn một lần nữa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các giáo sư, nhà khoa học nước ngoài đang làm việc, cộng tác tại trường. Đồng thời, khẳng định quan điểm nhất quán: luôn nồng nhiệt chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các giáo sư và chuyên gia nghiên cứu quốc tế đến giảng dạy và làm việc tại Nhà trường. Trường ĐHKHXH&NV hi vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác và đồng hành của các giáo sư, các nhà khoa học quốc tế trong một số hoạt động cụ thể:
- Tham gia giảng dạy một số chuyên đề theo đúng chuyên môn trong CTĐT của một số ngành, chuyên ngành; Tổ chức một số buổi thuyết trình khoa học. Những sinh viên, học viên tham gia sẽ được quy đổi thành tín chỉ tương đương và được công nhận kết quả học tập.
- Tham gia giảng dạy ngôn ngữ (tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh,…) cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
- Đồng hướng dẫn các nghiên cứu sinh cùng với cán bộ của trường và hỗ trợ công bố quốc tế, giúp đỡ nâng cao trình độ quốc tế cho giảng viên.
- Tham gia trong các đề tài nghiên cứu, hội thảo khoa học quốc tế, hoạt động xuất bản các công trình khoa học.
Nhà trường cam kết sẽ hỗ trợ tối đa trong vấn đề thị thực, thủ tục hành chính để các giáo sư có thể đến giảng dạy một cách thuận lợi nhất.
Bên cạnh đó, với các nhà nghiên cứu, Nhà trường cũng sẵn sàng hỗ trợ, bảo lãnh về khoa học, giới thiệu đến các cơ quan, viện nghiên cứu, các địa phương ở Việt Nam để tiến hành nghiên cứu, khảo sát một cách thuận lợi và thành công. 
Một số hình ảnh từ buổi tiếp đón và gặp mặt các giáo sư thỉnh giảng, nhà nghiên cứu đang làm việc tại trường ĐHKHXH&NV nhân dịp năm học mới  
IMG 0011
 
IMG 0017
 
IMG 0014
 
IMG 0018
 
IMG 0022
 
IMG 0024
 
IMG 0026
 
IMG 0042
 
IMG 0037
 
IMG 0046
 
IMG 0050

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây