Nghiên cứu mới của IPAM về khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội

Thứ tư - 29/11/2023 22:45
Kết quả nghiên cứu mới được các nhà khoa học của Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố tại tọa đàm quốc tế về “Khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội: Nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam” được tổ chức sáng 29/11/2023.
Nghiên cứu mới của IPAM về khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội
Nghiên cứu mới của IPAM về khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội
Tọa đàm được IPAM phối hợp tổ chức với Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á - Văn phòng đại diện tại Hà Nội (RLS SEA), thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu như Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN; Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN; Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), ĐHQG-HCM; chuyên gia quốc tế đến từ Viện Nghiên cứu Bền vững Châu Âu (SERI), đại diện Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á, Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Hội thảo thu hút các nhà khoa học đến từ các khoa/viện của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. 
Thông qua các hoạt động trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã cùng luận bàn về những vấn đề chuyển đổi sinh thái - xã hội gắn với phát triển cộng đồng tại Việt Nam. Đây cũng là những gợi ý cho hoạt động hợp tác của IPAM và RLS SEA trong thời gian tới.
PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu khai mạc tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết, những tác động trái chiều từ tăng trưởng và phát triển kinh tế không gắn với bảo vệ môi trường sinh thái - xã hội đã tạo ra những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai phát triển của cộng đồng. Sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường hay bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững là cơ sở đầu tiên để bảo đảm sự phát triển bền vững nói chung, phát triển kinh tế nói riêng. Và khi sự hài hòa trong phát triển của yếu tố môi trường, xã hội song hành cùng với các định hướng phát triển về kinh tế và tăng trưởng, thì con người không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể điều chỉnh tính cân bằng của tất cả những yếu tố trên. Sự chung tay của mỗi thành viên trong xã hội, sự thay đổi nhận thức của từng cá nhân đến cộng đồng chính là yếu tố quan trọng nhất để các mục tiêu phát triển bền vững đi vào cuộc sống.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Cùng với đó là những hành động thiết thực như việc ban hành Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, và các chính sách liên quan để tiếp tục thực hiện các mục tiêu Tăng trưởng Xanh, mục tiêu Phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi sinh thái - xã hội không phải là vấn đề quá mới, nhưng nổi lên là một vấn đề cấp thiết trong quá trình đánh giá các mục tiêu tăng trưởng và phát triển thực tiễn, liệu đã đáp ứng được với những kỳ vọng, những kiến tạo xã hội Xanh đã và đang đặt ra hiện nay? Theo đó, vấn đề phát triển cộng đồng bền vững liệu đã được đảm bảo khi mà Việt Nam vẫn được coi là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng nghiêm trọng. 
Theo PGS.TS. Đào Thanh Trường, nắm bắt được sự cần thiết của vấn đề này, từ năm 2018 đến nay, IPAM và Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á, Văn phòng đại diện tại Hà Nội đã triển khai hàng loạt các dự án trong hợp phần chuyển đổi sinh thái - xã hội, bao gồm các hoạt động như tổ chức hội thảo quốc tế, xuất bản sách, tài liệu nghiên cứu và tổ chức trại hè khoa học SETY cho các học viên trẻ đam mê khoa học môi trường và phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2022-2025, IPAM tiếp tục phát huy các kết quả dự án hiện có và tiếp thực triển khai các nghiên cứu mang tính ứng dụng vào các hoạt động phát triển cộng đồng, hoạch định chính sách tại địa phương. 
Trong khuôn khổ dự án hợp tác năm 2023, nghiên cứu về Khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội: Nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam đã được thực hiện. 
Tọa đàm là diễn đàn nhằm công bố và đánh giá tài liệu nghiên cứu này, giúp tăng cường trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trong việc thực hiện bộ chỉ báo về SET tại cộng đồng. 
 
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh chia sẻ các các kết quả nghiên cứu mới về khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội
Trình bày các kết quả nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - thành viên đề tài, Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN chia sẻ các nội dung mà nhóm nghiên cứu đã triển khai về khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội với các nghiên cứu điển hình ở Việt Nam. 
Với các chỉ số phân tích ở các khía cạnh khác nhau (xã hội, kinh tế, môi trường), khung chỉ số này được các nhà khoa học tham gia tọa đàm đánh giá là bộ chỉ số toàn diện ở các cấp bậc khác nhau, có tính hiệu quả ở cả kinh tế vi mô và vĩ mô.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi về việc xây dựng khuôn khổ cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái xã hội ở Việt Nam dựa trên việc kết hợp các khía cạnh của cộng đồng có khả năng chống chịu bền vững (SRC) với mức độ quan tâm của SET. 
Các chuyên gia quốc tế cũng tham góp ý kiến về việc nghiên cứu nên sử dụng thêm kỹ thuật Expert Delphi để xác định bộ chỉ số tích hợp trong khung chỉ báo. Giai đoạn tiếp theo, nghiên cứu trên cần thực hiện nghiên cứu trường hợp (case studies), kết hợp với các phương pháp chuyên gia khác, tổ chức các tọa đàm khoa học,... để hiệu chỉnh và xác định việc phân bố hợp lý các chỉ số trong khung chỉ báo.
Đánh giá cao những ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. PGS.TS. Đào Thanh Trường nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phát triển các hướng nghiên cứu mới của đề tài. Với các ý kiến tham góp của các nhà khoa học tại tọa đàm, hướng nghiên cứu về phát triển bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN sẽ đạt được những kết quả tốt trong thời gian tiếp theo.
GS.TS. Trương Quang Học - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN
Tiến sĩ Joachim Spangenberg - Chủ tịch danh dự Viện Nghiên cứu Bền vững Châu Âu (SERI) CHLB Đức
PGS.TS. Trần Ngọc Ca - Chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội phản biện các kết quả của nhóm nghiên cứu
PGS.TS. Nguyễn Thu Hương - Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN 
TS. Bạch Tân Sinh - Cố vấn cấp cao của Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED), ĐHQG-HCM
TS. Vũ Đình Tuấn - khoa Khoa học Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN
 
 
 
Tọa đàm thu hút nhiều nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu
Viện Chính sách và Quản lý (The Institute of Policy and Management - IPAM) được thành lập theo Quyết định 876 QĐ/XHNV-TC ban hành ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Viện được nâng cấp trên cơ sở những thành tựu phát triển của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách (CEPSTA) – một trong những trung tâm được xếp hạng thuộc phân nhóm trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ đào tạo hoạt động hiệu quả với bề dày nghiên cứu và đào tạo về chính sách ở Việt Nam từ năm 1991. Sứ mệnh của Viện là đào tạo, phát triển và cung cấp nguồn nhân lực quản lý và chuyên gia về nghiên cứu và phân tích chính sách, quản lý phát triển ngành khoa học chính sách và quản lý. Từ năm 2018 đến nay, Viện được công nhận là Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.
Website: http://ipam.edu.vn/
ĐT: 04235587547
Email: ipam@ipam.edu.vn

Tin bài liên quan:
Biến đổi xã hội và những vấn đề quản lý khoa học, công nghệ & đổi mới tại VN: Toạ đàm thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế
Kỷ niệm 20 năm hợp tác giữa IPAM và RLS: Mối quan hệ đặc biệt, lâu dài, bền vững
Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) tiếp tục được công nhận là Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN\

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây