Thầy Nguyễn Lộc của tôi

Thứ tư - 02/12/2015 04:08
Trong chương trình đào tạo của Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp ngày ấy, đến năm thứ hai, tức là vào năm 1971, tôi mới được học thầy Nguyễn Lộc. Ấn tượng mạnh của tôi về thầy trước hết là ở một giọng nói sôi nổi, ấm áp, nhân hậu; một khuôn mặt tươi tắn, với nụ cười rạng rỡ; một cặp mắt thông minh. Giọng Quảng Ngãi của thầy, sau nhiều năm đi đây đi đó, dễ nghe hơn giọng Quảng Nam của thầy Lê Đình Kỵ. Những bài giảng của thầy có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh mẽ. Phải nói ngay là các bài nói, bài giảng văn của thầy Lộc rất thuyết phục, hấp dẫn. Sau này, có dịp thường xuyên đến nhà thầy, tôi mới hay thầy thường được các cơ quan, địa phương mời đi nói chuyện văn học, khi thì công đoàn thành phố Hà Nội, khi thì Ty Văn hóa Hà Nam Ninh, Ty Văn hóa Thái Bình. Đôi khi, còn có chút quà địa phương, thậm chí có cặp gà đem về Hà Nội. Nghĩ lại, thấy mọi việc hồi đó thật giản dị và thật đẹp.
Thầy Nguyễn Lộc của tôi
Thầy Nguyễn Lộc của tôi

 Giáo trình do thầy Nguyễn Lộc phụ trách là Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, khoảng 60 tiết. Khi chúng tôi học, giáo trình này vẫn đang được thầy viết. Năm 1973-1974, tôi làm khóa luận (kỳ hai, năm thứ ba) và luận văn tốt nghiệp (hồi đó gọi là luận văn, gần đây đổi tên là khóa luận tốt nghiệp) dưới sự hướng dẫn của thầy. Đôi khi thầy hẹn tôi ra Viện Thông tin khoa học xã hội (26 phố Lý Thường Kiệt) để góp ý chỉnh sửa cho các phần viết còn rất non nớt của tôi. Tôi thấy thầy đang miệt mài xử lý các tài liệu, các sách báo cũ, kể cả sách Hán Nôm hồi đó còn được lưu trữ ở Thư viện (tôi cũng thường xuyên gặp thầy Đinh Gia Khánh đọc sách ở địa chỉ này). Cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX của Nguyễn Lộc được công bố trước, từ năm 1974, còn tập I của bộ Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX ra mắt bạn đọc năm 1976, tập II xuất bản vào năm 1978 tại NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, do ông Lương Văn Đang biên tập. Hàng ngàn trang sách viết công phu của thầy cùng các thầy khác trong bộ môn là thành tựu tiêu biểu của quá trình hơn chục năm nghiên cứu văn học cổ trước năm 1975. 

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Lộc

Phải nói việc viết lịch sử văn học Việt Nam đến hồi những năm 1970 không hoàn toàn là việc mới mẻ nữa. Những cuốn Lược thảo hay Sơ thảo do các nhà nghiên cứu lớp trước đã biên soạn từ đầu những năm 1960. Nhưng do nhiều nguyên nhân, trước hết là do tình hình biên dịch thơ văn thời trung đại hồi những năm 1960 còn đang bắt đầu nên khả năng bao quát tư liệu văn học trong các bộ sách nói trên còn hạn chế. Lại nữa, nền tảng lý luận và phương pháp nghiên cứu văn học sử cũng không phải là cái gì sẵn có. Có thể nói từ giữa thập kỷ 60, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có chiến lược đầu tư rất đúng đắn cho việc biên dịch, chú thích thơ văn trung đại cũng như các sách lý luận và phương pháp nghiên cứu văn học của nước ngoài. Những bản dịch như Nguồn gốc của tiểu thuyết (Kojinov), Trung Quốc tiểu thuyết sử lược (Lỗ Tấn), Trung Quốc văn học phê bình sử (Quách Thiệu Ngu), Văn tâm điêu long (Lưu Hiệp), Nghệ thuật thi ca (Aristote), Thi pháp văn học Nga cổ (Likhachiov) v.v…và v.v… đã hỗ trợ không nhỏ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy của các thầy cô. Thầy Lộc cùng các thầy trong bộ môn văn học Cổ-Cận-Dân (và nói chung các thầy cô thuộc các bộ môn khác), do tận dụng được những thành tựu biên dịch văn học Hán Nôm, mà tiếp nhận được những thành tựu lý luận và phương pháp nghiên cứu văn học sử của thế giới; nhất là do công sức lao động miệt mài và tài năng, đã hoàn thành bộ giáo trình lịch sử văn học Việt Nam cho đến nay vẫn giữ  nguyên giá trị khoa học, có tầm vóc quốc tế. 

Nhìn vào số công trình đã xuất bản của thầy Nguyễn Lộc, dễ thấy thầy ít viết các bài báo hay tạp chí, mặc dù từ rất sớm, năm 1957, 1958, trên Tập san Văn Sử Địa đã có một số bài của thầy. Khi đó thầy mới ở độ tuổi đôi mươi, chưa học đại học, đang làm phiên dịch tiếng Trung tại Ban chỉ đạo hoạt động quốc tế của Trung ương Đảng. Bẵng đi chín năm sau, thầy mới lại có bài viết Về ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều  trên Tạp chí Văn học. Mãi gần 20 năm sau, thầy mới có bài đăng tiếp trên Tạp chí Văn học  bàn về phân kỳ văn học sử. Tôi nhớ từ khi được giữ lại giảng dạy cùng bộ môn với thầy, trong một lần tình cờ, tôi được biết sở dĩ thầy ít công bố bài trên tạp chí chuyên ngành này vì một lý do riêng trong quan hệ với một vị có chức sắc nào đó phụ trách tạp chí.

Nhưng trong cái rủi có cái may. Ngày nay thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ chúng tôi quanh năm phân tán sức lực và thời gian cho nhiều loại hội nghị, hội thảo nên rất ít có được công trình lớn về tầm vóc học thuật và quy mô như thế hệ thầy Lộc. Vì ít bị phân tán thời gian, sức lực cho các hoạt động lặt vặt, do chuyên tâm vào công việc nghiên cứu nên thầy Lộc đã để lại vài ngàn trang viết có giá trị. Trong hàng chục cuốn sách mà Nguyễn Lộc đã xuất bản, phải ghi nhận năm công trình lớn, có giá trị học thuật cao là Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1971, tái bản 1976); Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX (2 tập, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976, 1978); Văn học Tây Sơn (Sở Văn hoá Thông tin Nghĩa Bình, 1986 và Nhà xuất bản Khoa học Xã hội tái bản) (tổng tập Văn học Việt Nam tập 9A, 9B, 1993); Nghệ thuật Hát bội Việt Nam (NXB Văn hoá – Thông tin, 1994) và Từ điển nghệ thuật Hát bội (chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, 1997). Với thầy, viết về văn học Tây Sơn và Tuồng hát bội không chỉ là chuyện học thuật mà còn là công việc trả nghĩa thiêng liêng của người con mảnh đầt miền Trung Trung Bộ sống trên đất Bắc.

Đọc lại các công trình của Nguyễn Lộc, dễ thấy một năng lực thẩm bình thơ văn rất tinh tế cùng với sự nhạy bén với lý thuyết và phương pháp nghiên cứu mới mẻ, hiện đại. Bất cứ một tác giả hay tác phẩm nào trong phạm vi đối tượng khảo sát của ông cũng đều được ông soi rọi những tia sáng mới. Nguyễn Lộc không chấp nhận lối viết đơn giản, dễ dãi, xã hội học có phần dung tục mà đây đó trong những trang viết của một số học giả cùng thời mắc phải. Ông có tâm sự với tôi về chủ trương tìm kiếm, nêu bật cái thần thái của một tác giả, tác phẩm với cảm hứng của một nhà phê bình kết hợp năng lực của nhà nghiên cứu thiên về khái quát. Lối viết này thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng không dễ học theo. Thầy Lộc hay dùng hình ảnh một người sàng gạo để so sánh với công việc nghiên cứu của mình. Người sàng gạo hai tay nâng chiếc sàng đầy gạo và trấu, hơi nghiêng về một bên (tay thuận nâng cao hơn tay còn lại), xoay xoay đều  một số vòng để lớp trấu, một số hạt thóc chưa tách vỏ và tạp chất dồn vào giữa sàng rồi bốc gạt bỏ chúng, chỉ còn lại những hạt gạo. Sau đó đưa gạo vào cối giã cho trắng, cuối cùng đổ gạo lẫn cám vào chiếc dần rồi thao tác như lúc sàng để cám rơi xuống nia và lấy được gạo sạch. Nhà nghiên cứu cũng phải làm công việc sàng lọc những thứ cám bã lẫn vào gạo để lọc lấy những hạt gạo tinh túy. Năng lực phân biệt cái gì là thứ yếu, là cám bã, cái gì là tinh chất, cốt tủy từ một khối lượng tác phẩm lớn chính là tiêu chí đánh giá tài năng của nhà nghiên cứu. Thầy Lộc còn hay nói với tôi về hình ảnh cuộn len: người đan len giỏi có thể từ cuộn len 5 lạng đan dệt thành chiếc áo len tuyệt đẹp, nhưng người vụng thì cuộn len cứ rối bời tuy vẫn cân được 5 lạng mà không ra hình thù gì.     

Có thể nói mà không ngại cường điệu: thầy là người đầu tiên khái quát đặc trưng cơ bản của văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX qua so sánh với các giai đoạn văn học trước đó bằng những dòng khái quát gọn gàng, chắc nịch, đầy tự tin và dễ nhớ, dễ thuộc: đặc trưng cơ bản của văn học thế kỷ X-XV là khẳng định dân tộc; đặc trưng cơ bản của văn học thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVIII là khẳng định nhà nước phong kiến; và đặc trưng cơ bản của văn học nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX là khám phá ra con người và khẳng định những giá trị chân chính của con người. Các luận điểm của thầy thường rất rõ ràng, ngắn gọn, chắc nịch sự tự tin của người đã nắm bắt được thần thái của đối tượng cần mô tả. Về Hồ Xuân Hương, thầy hình dung đây là nhà thơ của phụ nữ, nhà thơ trào phúng và nhà thơ trữ tình yêu đời; về Cao Bá Quát, thầy đã khái quát ông là nhà thơ có bản lĩnh, một tâm hồn nhiều cảm thông, yêu mến. Các tiểu mục mà thầy trình bày về Nguyễn Du là kết quả của một quá trình sàng lọc tư liệu sáng tác của nhà thơ vĩ đại này. Ông có nhận xét sắc sảo và cô đúc về thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về đề tài lịch sử phân biệt rõ với thơ vịnh sử khô khan của nhà nho... Nhìn chung, Nguyễn Lộc thuộc số không nhiều nhà nghiên cứu có khả năng kết hợp nhuần nhuyễn tư duy lý luận và năng lực thẩm bình văn bản tinh tế. Cách viết và cách giảng của thầy đối với tôi là một hình mẫu mà tôi âm thầm học theo nhiều năm nay trên bục giảng đại học, tiếc là khó giống được như thầy.

Những công trình của thầy so với nhiều luận án tiến sĩ hiện nay chắc chắn là vượt trội về nhiều phương diện. Tiếc là do một chủ trương khá máy móc, hồi những năm 1980, người ta yêu cầu các thầy phải đem các công trình đã xuất bản ra bảo vệ để nhận học vị tiến sĩ. Giữa lúc hầu hết các nhà nghiên cứu, các thầy ở Viện Văn học và hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm chấp nhận quy định này thì các thầy của tôi trong cùng bộ môn như thầy Trần Đình Hượu, Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên, Bùi Duy Tân lại nhất định không chấp nhận việc làm hình thức đó (thậm chí các thầy Hoàng Như Mai, Nguyễn Lộc, Trần Hữu Tá còn mời bộ trưởng Trần Hồng Quân đến trụ sở Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh để chất vấn về cách làm phi khoa học đó, tiếc rằng không thay đổi được gì). Mà nếu không có học vị tiến sĩ thì người ta không phong hàm giáo sư. Đó là lý do vì sao các thầy, một thế hệ đàn anh, có nhiều thành tựu khoa học và đào tạo như vậy, chỉ dừng lại ở hàm Phó Giáo sư. Không biết bây giờ, người ta có sửa chữa lại chủ trương rất hình thức và máy móc một thời với các thầy không. Nhưng nghĩ cho cùng, điều đó cũng không có nhiều ý nghĩa với các thầy, bởi ngay từ đầu, các thầy đã có sự lựa chọn cho mình. Trọng thực không trọng hư. Tôi được biết cách đây vài năm,Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí minh đề nghị thầy Lộc làm hồ sơ để phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân nhưng thầy không làm. Hình như thầy Chu Xuân Diên cũng vậy. Mấy anh em trẻ chúng tôi trong tổ bộ môn Cổ -Cận-Dân, Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội như Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hùng Vỹ và tôi thật may mắn được làm việc, học tập bên cạnh các thầy Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu, Bùi Duy Tân, Nguyễn Lộc, Chu Xuân Diên - những nhà khoa học nghiêm cẩn, tự trọng. 

Nhân tiện cũng phải nói đến nhuận bút thời trước. Trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, ông chồng bà Hiền viết sách giáo khoa xuất bản trong thời gian từ 1946 đến 1954, bằng tiền bán sách ông mua được hai ngôi nhà ở Hà Nội. Thầy Lộc có lần hé mở với tôi rằng tiền nhuận bút từ cuốn Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19, cộng thêm tiền bán 1 chiếc xe đạp, với một chiếc radio-catset thầy đã mua được căn hộ hai phòng ở tầng 1 nhà D1 khu tập thể Nguyễn Công Trứ (trước đó gia đình thầy ở khu nhà tập thể của trường ở Lò Đúc - ngõ Cẩm Hội ngày nay). Thầy kể khi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, thầy sang nhượng lại căn hộ đó được đâu chừng năm, sáu cây vàng (một khoản tiền không nhỏ). Ngày nay, sách xuất bản với số lượng khoảng 500 đến 1000 bản, tiền nhuận bút may lắm được khoảng đôi, ba chỉ vàng là cùng. Từ những năm 1990 đến nay, sách của thầy Lộc liên tiếp được tái bản. Lần này thầy gom cả hai bộ vào một quyển rất dày dặn đặt tên Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, mỗi lần nối bản được in số lượng đến 3000 bản (đến tháng 6/2012 đã tái bản lần thứ 9). Tưởng đây cũng là một sự đền bù phần nào cho công sức làm việc mà thầy đã bỏ ra, tuy chưa hề xứng đáng, nhất là so với những đề tài khoa học hàng tỷ đồng ngày nay. 

Từ khi thầy Nguyễn Lộc chuyển vào Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tôi ít có cơ hội được gặp thầy. Tôi chỉ biết thầy bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài việc đảm trách chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, thầy còn cùng giáo sư Hoàng Như Mai và các thầy khác thành lập Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy cũng là thành viên chủ chốt sáng lập Trường Đại học Văn Hiến – đại học theo mô hình dân lập đầu tiên chuyên về khoa học xã hội. Nhưng với tính cách trung thực, thẳng thắn của một nhà khoa học, cũng có lúc thầy gặp phải những “tai nạn” trong các hoạt động xã hội này. Đó là chuyện “bỉ sắc tư phong” hay là chuyện cuộc đời hiện thực đầy nghiệt ngã mà một nhà nghiên cứu khoa học thực thụ không ý thức hết được ? Có lần đến thăm thầy, tôi đã nói với thầy: “Thầy chỉ có thể làm việc trong một môi trường trong sạch thôi”. Nhiều lúc tôi lẩn thẩn tiếc nuối: giá như thầy tiếp tục nghiên cứu và viết, chắc chúng tôi còn được đón nhận thêm những công trình khoa học bậc cao nữa.

PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN LỘC

  • Năm sinh : 1936.
  • Quê quán: Quảng Ngãi.
  • Tốt nghiệp đại học tại Khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1960.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
  • Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1992
  • Thời gian công tác tại trường: 1962-1988.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

+ Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Bộ môn Cổ-Cận-Dân (Văn học Việt Nam), Khoa Ngữ văn.

  • Các hướng nghiên cứu chính: Văn học, nghệ thuật cổ trung đại Việt Nam – các vấn đề lý luận và thực tiễn.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

            1. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, NXB ĐH&THCN, 1971; tái bản 1976

2. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX (2 tập), NXB

ĐH&THCN, 1976, 1978; tái bản 1992.

3. Nguyễn Du, con người và cuộc đời, NXB Đà Nẵng, 1985; tái bản 1990.

4. Thơ Hồ Xuân Hương (khảo cứu, giới thiệu), NXB Văn học, 1985.

5. Cung oán ngâm khúc (khảo cứu, giới thiệu), NXB Văn học, 1986.

Tác giả: PGS.TS Trần Nho Thìn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây