Ngôn ngữ
Ít người biết trước khi trở thành giáo sư tiến sĩ khoa học về Ngôn ngữ học, Nguyễn Lai là người của văn chương. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐHTH HN năm 1963. Lúc đầu Khoa có ý định giữ ông lại làm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu lý luận văn học, vì trước đó ông có thiên hướng sáng tác. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên gặp ông, tôi lờ mờ nhận ra ông là tác giả của một truyện ngắn mà tôi đã đọc khá lâu rồi nên liền hỏi:
- Thưa thầy, có phải thầy là tác giả của một truyện ngắn đã được tuyển trong sách Tập đọc lớp 4 (sách dùng cho học sinh vùng Giải phóng miền Nam trước đây) với câu mở đầu là: “ Cạch ! Cạch ! Cạch !...”, phải không?
Ông phấn khởi nhìn tôi hỏi đã đọc truyện đó hồi nào. Tôi kể cho ông nghe cái ấn tượng sâu sắc của mình sau khi đọc truyện của ông. Truyện đó có tên là “Bà Tư đá”.
Nói đến Nguyễn Lai, các thế hệ học trò và các cán bộ hai khoa Văn - Ngữ hiện nay đều giữ lại những ấn tượng sâu sắc nhất, coi ông là một người thầy đôn hậu và “quá tốt” với đồng nghiệp và học trò. Ông là một người thầy, một nhà khoa học mà chất nhân văn thấm đẫm trong từng nét tâm hồn và tính cách.
Trước khi thành nhà khoa học, Giáo sư Nguyễn Lai đã kinh qua nhiều môi trường công tác. Ra đời đúng vào năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, khi mới 15 tuổi ông đã gia nhập tổ chức Việt Minh. Sau đó ông trở thành Đảng viên Đảng cộng sản lúc 17 tuổi. 18 tuổi ông đã đảm nhận chức Bí thư chi bộ xã Phú Xuân, Diên Khánh, Khánh Hoà. Qua một năm công tác ở địa phương, ông được cử đi học trung học rồi được điều lên huyện làm công tác tuyên huấn. Năm 1954, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, ông tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tuyên huấn Đoàn cải cách tỉnh Thái Bình và khu Hồng Quảng. Từ 1957 đến 1959, ông tiếp tục công tác Tuyên huấn tại Phú Thọ. Sau đó, ông về học tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp, ông được giữa lại làm cán bộ giảng dạy ngành văn học.
Sau khi công tác tại Khoa 7 năm, ông được cử đi làm chuyên gia dạy tiếng Việt tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Đây là một cơ hội đặc biệt đối với ông. Nhờ chịu khó học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm trong giảng dạy, ông đã xác định được hướng đi chuyên môn lâu dài cho bản thân mình. Đó là đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ học.
Thời gian này, do nhu cầu dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ngày một chuyên sâu, ông dốc lòng vào nghiên cứu một nhóm từ loại là động từ chỉ hướng. Vừa giảng dạy, ông vừa làm nghiên cứu sinh. Mãn hạn công tác, ông hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên gia dạy tiếng, đồng thời bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) tại trường Đại học Tổng hợp Hum bôn, một trường đại học danh tiếng trên thế giới với đề tài Verbe der Richtung in der Vietnamesischen Sprache (Động từ chỉ hướng tiếng Việt).
Trở về nước, ông tham gia vào Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, làm phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm Khoa (1979-1986). Đây là thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn. Miền Nam mới giải phóng, cơ chế hành chính, quan liêu bao cấp còn chưa được xoá bỏ. Kinh tế quốc gia khủng hoảng trầm trọng. Nhưng ông đã cùng Đảng uỷ và Ban Chủ nhiệm Khoa vững lái con thuyền đưa toàn Khoa vượt qua những bước thử thách ngặt nghèo. Công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn được duy trì và phát triển. Mặc dù, ngoài xã hội nảy sinh rất nhiều tiêu cực, nhưng môi trường khoa Ngữ Văn vẫn là môi trường lành mạnh trong dạy và học. Sinh viên vẫn nề nếp, hăng say với lý tưởng, với chuyên môn. Đó chính là vì, trong khoa có những bậc thầy là những tấm gương, trong đó ông là một người thầy gương mẫu trong chí tiến thủ và tinh thần “tiến công cách mạng” vào khoa học kỹ thuật. Vừa đảm nhiệm các nhiệm vụ công tác lãnh đạo Khoa, vừa tham gia Đảng uỷ Trường và Hội đồng khoa học, Nguyễn Lai vẫn dành thời gian tâm huyết nhất đào sâu vào lĩnh vực ngữ nghĩa. Ông vận dụng những nguyên lý cơ bản của Triết học Mác vào nghiên cứu mối quan hệ giữa cấu trúc và ý nghĩa của các từ chỉ hướng vận động tiếng Việt và phát triển những tư tưởng được hình thành từ luận án phó tiến sĩ của mình. Lại thêm một chu kỳ đúng 7 năm kể từ khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (1976-1983), ông hoàn thành tiếp luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học (nay là Tiến sĩ khoa học). Ông gửi bản thảo sang nước bạn để chờ ngày sang bảo vệ. Ông vắng mặt một năm ngay trong nhiệm kỳ chủ nhiệm khoa và bảo vệ xong luận án Tiến sĩ năm 1984.
Nhiều năm làm việc và công tác tại Cộng hoà Dân chủ Đức, Nguyễn Lai đã tiếp thu được mặt rất tích cực trong tư duy của người Đức, đó là khả năng khái quát, tổng kết các qui luật. Nước Đức nổi tiếng là dân tộc có trình độ tư duy triết học. Một sự ngẫu nhiên của số phận đã đưa đến cho Nguyễn Lai lợi thế này. Nó cũng làm cho các công trình nghiên cứu của ông có những nét riêng khác hẳn các công trình của các đồng nghiệp người khác trong ngành. Một mặt nó có tính trừu tượng cao, đôi khi hơi rối, nhưng mặt khác nó có chiều sâu và sức gợi dẫn rất cao. Nhờ vậy, nhà khoa học Nguyễn Lai có đủ tầm vóc thực thụ với cương vị của một “trưởng lão” trong ngành. Ông không chỉ là thành viên của Hội đồng khoa học mà còn là Chủ tịch nhiều Hội đồng quan trọng của ngành. Ngoài ra ông còn tham gia nhiều tổ chức Quốc tế như: GAL (Hội ngôn ngữ học ứng dụng- Cộng hoà Liên bang Đức), PALA (Hội thi pháp và ngôn ngữ - Anh). Ông cũng là người được công nhận danh hiệu OUTSTANDING PEOPLE OF THE 20 th CENTURY do International Biographical Center Cambridge công bố. Thế mạnh của ông là kết hợp nghiên cứu chuyên sâu với hướng nghiên cứu liên ngành nhằm tìm ra hướng mới trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp của văn học. Chính vì thế, ông đi sâu vào lý thuyết tín hiệu học, hy vọng giải thích một số hiện tượng của thi pháp. Theo hướng liên ngành, ông đã cho công bố một số công trình liên quan giữa ngôn ngữ và văn chương, giữa ngôn ngữ và tư duy như: Ngôn ngữ và sáng tạo văn học (Nxb KHXH 1991), Ngôn ngữ và tư duy (Nxb KHXH 1991). Ông cũng là tác giả của Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương (Nxb ĐHQG HN 1997, tái bản 1999) và là tác giả của công trình Hồ Chí Minh Tầm nhìn ngôn ngữ (Nxb Lao động 2007). Đây cũng là những công trình có giá trị phục vụ công tác đào tạo ở trường đại học.
Đối với tôi, Nguyễn Lai không chỉ là một nhà khoa học mà còn là người rất giàu tâm hồn văn chương. Chính nhờ có tâm hồn văn chương mà trong cuộc sống hang ngày, cũng như trong công việc nghiên cứu (chuyên ngành ngôn ngữ mà ông theo đuổi vốn khô khan), ta thấy Nguyễn Lai luôn có cách ứng xử và những trang viết mềm mại, bay bổng. Trong việc điều hành khoa những năm ông là chủ nhiệm, tôi biết ông rất ít khi làm “mếch lòng” ai, vì ông luôn biết cách nhẹ nhàng ngay cả trước những việc “gay cấn” nhất. Trong thời gian ông đi dạy tiếng Việt kết hợp với việc bảo vệ luận án Phó tiến sĩ và Tiến sĩ tại Cộng hoà Dân chủ Đức, ông đã sáng tác 3 truyện ngắn và được dịch sang tiếng Đức. Cho đến nay, ngoài các công trình, bài báo nghiên cứu về ngôn ngữ ông đã cho xuất bản Truyện dài Bên kia sông, Con trâu lạ và 1 tập truyện ngắn dành cho thiếu niên Cuộc truy tìm tên trung uý phi công. Có 6 truyện của ông được dịch sang tiếng Đức và Liên xô cũ. Dù trở thành nhà ngôn ngữ học thực thụ, là chuyên gia hàng đầu về từ chỉ hướng, ông vẫn còn nhiều “duyên nợ” với văn chương. Chính đặc điểm này đã khiến giữa tôi và ông bỗng trở nên đồng điệu. Bây giờ thì ông đã sống cách xa chúng tôi gần nửa vòng đất nước, ông đã già yếu đi nhiều, nhưng cứ mỗi lần nhớ về ông, tôi vẫn luôn nhớ về ông – người Thầy – một nhà khoa học yêu văn chương và có tâm hồn nhân ái.
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHOA HỌC, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN LAI
+ Đơn vị công tác: Khoa Văn học (1963-1980). Khoa Ngôn ngữ học (1981-2003) + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Khoa Văn học (1980-1985). Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ - Lý thuyết và Ứng dụng, Khoa Ngôn ngữ học (1986-1991). Là hội viên Hội Ngôn ngữ ứng dụng của Cộng hoà Dân chủ Đức, hội viên hội Thi pháp và Ngôn ngữ của Vương quốc Anh (1991-2003).
+ Từ chỉ hướng vận động tiếng Việt, Giáo trình chuyên luận, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1990. + Ngôn ngữ và sáng tạo văn học, chuyên luận, Nhà xuất bản KHXH, 1991. + Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học, chuyên luận, NXB Giáo dục, 1996 tái bản 1998. + Ngữ nghĩa nhóm từ chỉ hướng vận động tiếng Việt, sách chuyên khảo, NXB KHXH, 2001. + Tiếng Việt và nhà văn hoá lớn Hồ Chí Minh, sách chuyên khảo, NXB ĐHQG HN, 2003.
+ Giải thưởng của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho tác phẩm Cách mạng và khoa học trong tầm nhìn ngôn ngữ của Hồ Chí Minh. |
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt