Tin tức

Nhân văn vun bồi truyền thống “tôn sư trọng đạo” trên chặng đường mới

Thứ tư - 20/11/2024 03:23
Những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt tự hào, những lời chúc tốt đẹp đã được gửi gắm tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong Lễ mít tinh Chào mừng Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, góp phần vun bồi thêm truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm qua.
Buổi lễ mít tinh Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vinh dự đón tiếp các thế hệ thầy cô nguyên là lãnh đạo của nhà trường, các thầy cô cựu giáo chức, giảng viên, cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên, cựu sinh viên. Nhà trường cũng vinh dự đón tiếp và đã nhận được hoa chúc mừng của lãnh đạo các bộ/ban/ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Nhân văn trên chặng đường mới
Trân trọng gửi lời chúc mừng và cảm ơn tới các thế hệ thầy cô nguyên là lãnh đạo của nhà trường, các thầy cô cựu giáo chức, giảng viên, cán bộ viên chức, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ: “Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm nay thật ấm áp bởi những con số ấn tượng trên khắp các lĩnh vực công tác của Nhà trường”.
Đó là việc cơ cấu tổ chức của nhà trường được hoàn thiện; bộ máy vận hành nhịp nhàng; đội ngũ cán bộ khoa học tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng, với hơn 80% có học vị tiến sỹ và hơn 20% có chức danh giáo sư và phó giáo sư; đội ngũ cán bộ hành chính ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả trong công vụ.
Ban Giám hiệu nhà trường trân trọng chúc mừng và tri ân các thế hệ thầy cô nguyên lãnh đạo Trường ĐH KHXH&NV qua các thời kỳ
Nhà trường trân trọng chúc mừng GS.TS. Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH KHXH&NV đã được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024
Tuyển sinh năm 2024 đạt và vượt chỉ tiêu trên tất cả các hệ, quan trọng hơn là chất lượng nguồn tuyển rất cao, điểm chuẩn 28 ngành của Nhà trường thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, với quy mô người học toàn trường tiệm cận 12.000 người. Công tác tổ chức đào tạo được chính quy hoá, quản lý đào tạo tập trung và chăm sóc người học chuyên nghiệp.
Chương trình đào tạo được hài hoà giữa tích hợp cũ và xây dựng mới; đến nay, 100% các đơn vị đào tạo đủ 3 bậc từ cử nhân đến tiến sỹ, bắt đầu xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế theo xu thế mới; đẩy mạnh công tác thực tập quốc tế cho sinh viên, thu hút lưu học sinh đến các chương trình ngắn hạn và dài hạn; căn bản hình thành văn hoá đảm bảo chất lượng trong toàn trường để qua đó giữ vững danh tiếng - nâng cao vị thế trong và ngoài nước của Nhà trường.
Hoạt động khoa học tiếp tục thăng hoa cả về số lượng công bố trong nước và quốc tế, vị thế quốc gia và quốc tế tiếp tục được củng cố. Cơ sở vật chất của Nhà trường ngày càng khang trang - tiện dụng cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu; Nguồn tài chính tăng trưởng ổn định theo triết lý “đa dạng hoá nguồn thu – thông thái hoá nguồn chi”, làm nền tảng vững chắc cho đầu tư khoa học, cải thiện cơ sở vật chất và tăng thu nhập cho cán bộ.
Năm 2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vinh dự có 04 nhà giáo được công nhân đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở 02 Hội đồng giáo sư liên ngành, gồm: GS.TS Lại Quốc Khánh, GS.TS Nguyễn Quang Hưng (Hội đồng giáo sư liên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học); PGS.TS Đặng Thị Phương Anh, PGS.TS Đặng Hoài Giang (Hội đồng giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao).
Lãnh đạo nhà trường chúc mừng 04 nhà giáo được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2024
Tuy nhiên, nhà trường cũng đang đứng trước những áp lực ngày một gia tăng. Xu hướng giáo dục đại học trong nước và ngoài nước đang biến đổi rất nhanh, rất khác; những thay đổi trong triết lý điều tiết chương trình đào tạo nội khối ĐHQGHN, theo đó các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn không còn là “độc quyền” của Nhà trường mà đã được “mở” một phần cho các đơn vị khác trong ĐHQGHN cũng như các trường đại học dân lập và quốc tế.
Áp lực tự chủ đại học đồng nghĩa với tự chủ tài chính trong bối cảnh ngân sách giảm đều mà hệ số lương cơ sở lại tăng quá nhanh trong khi học phí chỉ được tăng nhỏ giọt; cạnh tranh tuyển sinh cùng với cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực từ các trường quốc tế và ngoài công lập…
Trong bối cảnh thay đổi quá nhanh của GDĐH trong nước và quốc tế, một cơ sở giáo dục đại học không thay đổi hoặc chậm thay đổi sẽ đối diện nguy cơ tụt hậu cực nhanh; sụt giảm tuyển sinh – đào tạo – nghiên cứu kéo theo nguy cơ giảm danh tiếng khoa học dẫn đến mất vị thế xã hội.
Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta lo để làm, không phải để lùi, cùng gắng sức để không hổ thẹn với tiền nhân, để tôn vinh truyền thống Văn khoa - tinh hoa Tổng hợp và nâng tầm Nhân văn trong chặng đường mới”.
Trong những thập kỷ qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tự hào đã đóng góp cho đất nước – bên cạnh các lĩnh vực phổ quát - là những tư vấn chính sách giá trị và nguồn nhân lực khoa học đặc biệt về Khảo học học, Dân tộc học, Hán Nôm, Ngôn ngữ học, Việt Nam học… Trong chặng đường sắp tới, Nhân văn cần tiếp tục là ngọn cờ đầu về những “đặc sản chuyên môn” riêng-khác, như là: văn hiến học, cổ học, cổ ngữ phi thông dụng có liên quan mật thiết đến diễn trình lịch sử - văn hoá – dân tộc Việt Nam như Phạn học, Latin học, Tây Ban Nha học, Bồ Đào Nha học, Pháp học… bên cạnh Hán học và Nôm học truyền thống.
Cùng với đó, những chương trình đào tạo – nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành hiện đại sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nóng của đất nước như hội nhập quốc tế, xã hội lão hoá, xung đột sắc tộc và tôn giáo… cũng cần tiếp tục được khai mở và thúc đẩy.
“Mãi mãi một Nhân văn biết ơn; Kiên định một Nhân văn hàn lâm; Đẩy mạnh một Nhân văn hội nhập; Quyết tâm một Nhân văn giàu mạnh; Kiến tạo một Nhân văn riêng - khác” là thông điệp mà Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đã gửi gắm tới toàn thể thầy cô, cán bộ viên chức của nhà trường.
Gửi lời chúc mừng tới toàn thể giảng viên, cán bộ viên chức của nhà trường, GS.TS Hoàng Anh Tuấn bày tỏ: “Để Nhân văn đạt được những thành tựu đó, mỗi viên chức - người lao động Nhà trường cần nỗ lực để hài hòa giữa trau dồi chuyên môn với nuôi dưỡng sự thấu cảm, thể hiện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…vì lợi ích của ngành và sự phát triển bền vững của Nhà trường”.
Vun bồi truyền thống “tôn sư trọng đạo” và niềm tự hào về truyền thống 80 năm
Thay mặt gần 300 hội viên Hội Cựu Giáo chức, PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Tôi có may mắn học tập, làm việc liên tục trên nửa thế kỷ, từ trường Đại học Tổng hợp đến trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Tôi tự hào được học tập và làm việc tại ngôi trường mà ở đó có lớp lớp các nhà giáo, các nhà khoa học từng làm rạng danh cho nền khoa học và giáo dục nước nhà. Tên tuổi, tri thức và đức độ của các thầy cô giáo và sự cống hiến của các thế hệ nhà giáo đã làm nên thương hiệu của mái trường này mà mỗi người đều có thể tìm thấy mình trong đó”.
“Tôi luôn suy nghĩ và tâm niệm, đây chính là tài sản mà chúng ta đang kế thừa, làm giàu thêm kho tàng tri thức quốc gia và nhân loại” - PGS.TS Lâm Bá Nam bày tỏ.
PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường bày tỏ niềm tự hào về truyền thống 80 năm từ Trường Đại học Tổng hợp đến Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngày nay
Nhà trường hân hạnh đón tiếp gần 20 giáo sư thỉnh giảng người nước ngoài đang nghiên cứu, làm việc tại Trường
Vui mừng trước sự lớn mạnh của nhà trường, không chỉ là quy mô đào tạo mà là hàm lượng khoa học và tầm cao trí tuệ, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường nhắn gửi tới các thầy cô giáo của nhà trường: “Hy vọng lãnh đạo nhà trường đội ngũ các thầy cô giáo và các bạn sinh viên hãy đứng trên vai những người khổng lồ để trường ta tiếp tục vươn cánh bay xa, chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ trong thế kỷ XXI”.
Gửi niềm tin tưởng và hy vọng tới các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên của nhà trường, PGS.TS Lâm Bá Nam kỳ vọng: “Chúng tôi chờ đợi những thành công của các bạn trong học tập, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các bạn chính là món quà quý giá cho các thầy cô giáo chúng tôi và cũng là niền tin yêu của các thế hệ đi trước”.
Học viên cao học Artem Leleka - Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đại diện sinh viên, học viên toàn Trường tặng hoa tri ân các thầy cô
“Phía trước lấp lánh các chùm tinh tú, Phía sau một trời rực rỡ sao bay” - mượn lời của tiền nhân, PGS.TS Lâm Bá Nam bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trên chặng đường mới.
Nhà trường tuyên dương và chúc mừng 04 cán bộ lãnh đạo, quản lý tiêu biểu năm 2024
Tuyên dương 07 Giảng viên tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và NCKH, có nhiều công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus
Tuyên dương 06 Viên chức, người lao động tiêu biểu, có đóng góp trong các hoạt động đoàn thể
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Một Nhân văn rạng rỡ, tươi mới trong ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tác giả: Bài: Thuỳ Dung, Ảnh: Thuỳ Dung, Xuân Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây