Buổi lễ có sự tham dự của GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt; PGS. TS. Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cùng đông đảo giảng viên, chuyên viên của hai đơn vị. Ban tổ chức vinh dự đón nhận sự quan tâm tham dự của nhiều chuyên gia và đại diện của các trường đại học, viện nghiên cứu như Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Hoà Bình, Viện Từ điển học và Bách Khoa thư Việt Nam.
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trao Quyết định ban hành và giao nhiệm vụ đào tạo với TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt
Trước đó, ngày 30/08/2024, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã ban hành
Quyết định số 4063/QĐ-ĐHQGHN về việc Ban hành chương trình và giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Tiếng Việt và Nghiên cứu Việt Nam (Vietnamese Language and Vietnam Studies). Đến thời điểm hiện tại, đã có 10 ứng viên người Việt Nam và người nước ngoài đăng ký xét tuyển chương trình đào tạo này ngay từ năm tuyển sinh đầu tiên. Đây là dấu ấn quan trọng trong hành trình hơn 60 năm đào tạo, nghiên cứu của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, góp phần khẳng định vai trò và vị thế khoa học của Khoa trong đào tạo, nghiên cứu tiếng Việt, văn hoá Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Chương trình Tiến sĩ ngành Việt Nam học, chuyên ngành Tiếng Việt và Nghiên cứu Việt Nam đào tạo các chuyên gia trong và ngoài nước có kiến thức ở mức độ cao cấp về tiếng Việt trong mối liên hệ với những vấn đề lý luận gắn với thực tiễn ngôn ngữ, văn hoá, đất nước, con người Việt Nam. Nghiên cứu sinh của chuyên ngành này có khả năng thực hiện nghiên cứu độc lập và làm việc trong môi trường liên ngành, đa ngành; có năng lực tổ chức nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực tiếng Việt và các nội dung thuộc lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam.
Nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Tiếng Việt và Nghiên cứu Việt Nam sẽ trở thành các nhà nghiên cứu độc lập trong các lĩnh vực chuyên môn được đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu Việt Nam trong nước và quốc tế.
Trên hành trình hơn 60 năm hình thành và phát triển, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã triển khai các chương trình đào tạo hệ Cử nhân (với hai ngành là
Việt Nam học; Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài) và hệ Thạc sĩ (
chuyên ngành Việt Nam học) với khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam và 200 sinh viên nước ngoài; hơn 10.000 người nước ngoài đã học tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Khoa cũng như với các giáo viên của Khoa tại nhiều Trường Đại học, nhiều trung tâm Việt Nam học trên thế giới. Nhiều cựu sinh viên, cựu học viên đã trở thành những nhà ngoại giao kỳ cựu, những phiên dịch viên cao cấp. Nhiều nhà Việt Nam học nổi tiếng trên thế giới đều đã có thời gian học tập, tu nghiệp tại Khoa. Đặc biệt có hơn 15 sinh viên nước ngoài đã trở thành Đại sứ, Đại diện lâm thời tại Việt Nam. Với bề dầy lịch sử và khoa học đó, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt có nhiều lợi thế riêng biệt trong việc đào tạo chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Tiếng Việt và Nghiên cứu Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN gửi lời chúc mừng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã được giao nhiệm vụ đào tạo rất quan trọng và ý nghĩa. Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi mở một ngành học có tính liên ngành cao, có ý nghĩa hợp tác quốc tế đặc biệt, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, việc mở mới chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Tiếng Việt và Nghiên cứu Việt Nam là thành quả rất đáng tự hào, khẳng định nỗ lực của ban lãnh đạo Khoa, các nhà khoa học, giảng viên, chuyên viên của Khoa cũng như các đơn vị chức năng trong nhà trường.
TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt bày tỏ vinh dự và quyết tâm của toàn Khoa khi đón nhận nhiệm vụ quan trọng mới, đồng thời tri ân sự hỗ trợ hết lòng của Lãnh đạo và đơn vị chức năng của VNU-USSH, của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các tiền bối đã xây dựng nền móng cho chương trình, cũng như sự nỗ lực của toàn thể giảng viên, chuyên viên của VSL.
Lễ trao Quyết định Ban hành và giao nhiệm vụ Đào tạo có sự tham dự của lãnh đạo, giảng viên của Trường ĐH KHXH&NV, Khoa VNH&TV cùng các chuyên gia, nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu
Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam (nguyên Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt) bày tỏ xúc động vì trải qua một hành trình dài với nỗ lực của nhiều thế hệ, VSL đã được trao nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Việt Nam học và Nghiên cứu Việt Nam. PGS. TS. Nguyễn Thiện Nam cho biết khái niệm về Việt Nam học đã lần đầu được thảo luận ở Khoa từ năm 1973, đến nay ngành Việt Nam học đã khẳng định được vị trí vững vàng và thiết thực ở trong nước và quốc tế.
Các nhà khoa học, các chuyên gia tham dự buổi lễ cũng đã chia sẻ kỳ vọng vào sự phát triển của ngành học mới này với những tiềm năng về hợp tác đào tạo quốc tế cao nhất, thu hút nhiều học giả và học viên nước ngoài quan tâm.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Khoa Việt Nam học và tiếng Việt (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) và Khoa Việt Nam học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGH TP.HCM)
Tại buổi lễ, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Theo đó, hai bên cùng phối hợp triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong đó có việc hợp tác đào tạo chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Việt Nam học; công nhận tín chỉ của hai trường đại học ở cả bậc đại học, sau đại học đối với ngành Việt Nam học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam; trao đổi sinh viên, học viên (theo học kì hoặc năm học), trao đổi thực tập sinh. Bên cạnh đó, hai đơn vị sẽ phối hợp xây dựng thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp ĐHQG; chia sẻ, tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước; chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai công tác kiểm định chất lượng đối với ngành Việt Nam học thuộc hệ cử nhân và thạc sĩ...
Chúc mừng thành tựu của VSL, PGS. TS. Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ, hai khoa sẽ có các hoạt động hợp tác, liên kết chặt chẽ, cùng nhau phát triển mạnh mẽ trong đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực khoa học đặc thù này.
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đánh dấu mối quan hệ hợp tác chiến lược, hiệu quả, khẳng định tinh thần hợp tác sâu rộng One-USSH, One-VNU đã được khẳng định giữa hai trường đại học đào tạo về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu ở hai đầu đất nước.
Thông tin chi tiết về Mục tiêu, yêu cầu dự tuyển, chuẩn đầu ra, khung chương trình đào tạo chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Việt Nam học và Nghiên cứu Việt Nam có tại đây
Đại diện hai khoa Việt Nam học thuộc hai trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chụp ảnh lưu niệm