Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHNhttps://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Chủ nhật - 03/11/2024 05:06
Ngày 02-03/11/2024, Hội nghị Công tác đào tạo năm 2024 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo và chuyên viên phụ trách đào tạo tại các đơn vị đào tạo và phòng/trung tâm chức năng của nhà trường.
Đổi mới, linh hoạt trong bối cảnh giáo dục đại học chuyển đổi mạnh mẽ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề với nhiều thành tựu tốt đẹp của VNU-USSH. Với việc hệ thống đang được tái cấu trúc và vận hành ngày càng ổn định, nhà trường tiếp tục thu hoạch được nhiều kết quả.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đứng trước nhiều thách thức trong bối cảnh ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của nhà trường giảm, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang có sự thay đổi mạnh mẽ, VNU-USSH không còn “dư địa độc quyền” và đứng trước xu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Trường ĐH KHXH&NV phát huy những thế mạnh trong nghiên cứu, đào tạo để gia tăng tính cạnh tranh.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên toàn trường chung sức đồng lòng trong bối cảnh có nhiều khó khăn. “Chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả” là những từ khóa mà Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn gửi gắm tới toàn thể hội nghị.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh cần tiếp tục chuẩn hóa, quy trình hóa, tập trung hóa công tác tổ chức đào tạo; tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc các CTĐT, tích hợp một số CTĐT và mở mới các CTĐT đáp ứng xu thế của xã hội
Tại hội nghị, hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo, công tác đào tạo năm 2025 cần đổi mới, linh hoạt với sự chung tay của toàn thể cán bộ, giảng viên của nhà trường. Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh 06 nội dung trọng tâm, theo đó, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động tuyển sinh cần điều chỉnh theo hướng thích ứng, không chỉ đảm bảo số lượng mà còn đảm bảo chất lượng. Cần tiếp tục chuẩn hóa, quy trình hóa, tập trung hóa công tác tổ chức đào tạo; tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc các CTĐT, tích hợp một số CTĐT và mở mới các CTĐT đáp ứng xu thế của xã hội. Học liệu là vấn đề sống còn, là thước đo vị thế của Trường ĐH KHXH&NV trong hệ thống giáo dục quốc gia. Nhà trường đã Ban hành đề án về xuất bản ấn phẩm dành cho đào tạo và nghiên cứu, dành nguồn lực để phát triển hệ thống học liệu mang tình dẫn dắt quốc gia. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện công nghệ hóa hoạt động giảng dạy và quản lý đào tạo; công tác chăm sóc sinh viên, cựu sinh viên cần có nhiều điểm mới.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chúc mừng những thành quả của Trường ĐH KHXH&NV và tham vấn các vấn đề trong công tác đào tạo của nhà trường.
Từ góc độ quản lý của Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, hoạt động đào tạo của Trường ĐH KHXH&NV năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tham vấn một số vấn đề trong việc điều chỉnh, mở mới các CTĐT và thực hiện yêu cầu về quốc tế hóa giáo dục của ĐHQGHN, Trưởng ban Đào tạo nhấn mạnh, VNU-USSH cần phát huy những giá trị đặc sắc, riêng có trong nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học cơ bản ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để gia tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV điều hành phiên thảo luận của hội nghị
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV đánh giá hoạt động đào tạo đã đạt được 05 kết quả quan trọng và đặt ra 06 nhiệm vụ then chốt. Trong đó nhấn mạnh, hoạt động đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với việc chăm sóc người học, nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng như xây dựng hệ thống học liệu, nhất là học liệu số ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn mang tầm quốc gia.
Hoạt động đào tạo đạt được nhiều kết quả mới trong năm 2024
Báo cáo về Công tác tuyển sinh năm 2024 và phương hướng tuyển sinh năm 2025 của Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường đã hoàn thành điều chỉnh 28 CTĐT bậc đại học, 36 CTĐT bậc thạc sĩ, và 30 CTĐT bậc tiến sĩ, tinh gọn nhiều chương trình và triển khai 02 chuyên đề nghiên cứu chung cho các chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu.
PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV
Nhà trường đã hoàn thành và nghiệm thu các CTĐT mới ở các bậc đào tạo, tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sớm và giảm tỷ lệ sinh viên buộc thôi học. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo vẫn còn một số hạn chế, như tỷ lệ sinh viên chậm tốt nghiệp, số lượng học phần giảng dạy bằng tiếng Anh còn ít. Trong năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục tập trung xây dựng CTĐT mới, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy, thúc đẩy chuyển đổi số, và nâng cao chất lượng đào tạo qua nhiều hoạt động cải tiến và hỗ trợ sinh viên, nhằm đạt tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn trên 50% và giảm số sinh viên không hoàn thành chương trình.
Công tác tuyển sinh có nhiều điểm mới, ứng dụng các phần mềm đăng ký dự thi trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký dự thi; điều chỉnh hợp lý về cấu trúc đề thi, phương án đăng ký dự thi và thời gian tổ chức thi đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, vừa đơn giản hóa công tác tổ chức tuyển sinh vừa tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực cho các thí sinh và phụ huynh. Công tác tổ chức tuyển sinh được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo đúng quy chế và kế hoạch đã đề ra với sự tham gia, phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong toàn trường. Kết quả trúng tuyển nhập học đạt 109.28% so với chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố và cân bằng về quy mô tổ chức đào tạo của từng lớp.
Tuyển sinh sau đại học ghi nhận sự gia tăng về số lượng dự thi thạc sĩ và tiến sĩ, đạt kết quả vượt chỉ tiêu. Năm 2025, ĐHKHXH&NV định hướng mở rộng đối tượng tuyển sinh, nâng cao công tác quảng bá tuyển sinh trên truyền thông. Nhà trường cũng chú trọng hỗ trợ thí sinh với chuẩn đầu vào ngoại ngữ và đề xuất nhiều cải tiến để tối ưu quy trình tuyển sinh và đáp ứng nhu cầu đào tạo sau đại học của xã hội.
Tuyển sinh lớp 10 THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2024 có nhiều điểm mới, như việc đổi mới phương thức tuyển sinh, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo. Công tác nhập học được triển khai kịp thời giúp Trường THPT Chuyên sớm xác định được số lượng học sinh, ổn định tổ chức lớp đồng thời mang lại sự yên tâm cho học sinh và các bậc phụ huynh.
Đầu tư nâng cao năng lực giảng viên và thu hút nhân sự chất lượng cao
TS. Ngô Thị Kiều Oanh - Phó Trưởng phòng, phụ trách phòng Tổ chức - Cán bộ, Trường ĐH KHXH&NV
Trong tham luận về công tác cán bộ đối với công tác đào tạo trong xu thế mới, TS. Ngô Thị Kiều Oanh – Phó Trưởng phòng, phụ trách phòng Tổ chức - Cán bộ cho biết, hiện nay nhà trường có 79,8% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, 19% giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư.
Các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giảng dạy bằng tiếng Anh, tiêu chí về công bố quốc tế đang đòi hỏi đội ngũ giảng viên của nhà trường ngày càng phải nâng cao năng lực cá nhân.
Nhà trường đã đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao từ các đơn vị đào tạo khác. Việc thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư cần sự chung tay của toàn thể nhà trường, từ cấp bộ môn đến cấp khoa, trường. Bên cạnh đó, trong năm 2024 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo, nhà trường đầu tư mạnh mẽ hơn để giảng viên trong nhà trường đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; duy trì các chính sách, chế độ để hỗ trợ cán bộ, giảng viên học tập nâng cao năng lực ngoại ngữ và tham dự các hội thảo quốc tế.
TS. Ngô Thị Kiều Oanh đề xuất, trong việc triển khai các CTĐT, nhà trường cần cân đối nhân sự để sử dụng tối đa lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao bên cạnh việc bồi dưỡng, thu hút. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động quốc tế hóa của Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn để hỗ trợ giảng viên trong trường, đồng thời nâng tầm vị thế khoa học của VNU-USSH ở trong nước và quốc tế.
ThS. Kim Thị Diệp Hà – Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường ĐH KHXH&NV
Báo cáo về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật các CTĐT để xác định giá dịch vụ đào tạo hướng đến tự chủ chi thường xuyên tại Trường ĐH KHXH&NV, ThS. Kim Thị Diệp Hà – Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính cho biết, thực hiện chủ trương tự chủ tài chính từ 70% đến dưới 100%, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn thu và thu nhập của cán bộ, giảng viên. Bên cạnh nguồn thu từ đào tạo, nhà trường đẩy mạnh các nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ và một phần từ ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành cũng như của toàn xã hội, ngân sách nhà nước giảm 11%, nhà trường đã luôn cố gắng tìm các biện pháp tăng các nguồn thu, trong đó nhiệm vụ thu học phí theo định mức kinh tế kỹ thuật là nhiệm vụ sống còn của nhà trường bên cạnh việc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn kinh phí, đảm bảo cân đối thu chi, phấn đấu tăng thu nhập cho cán bộ và phát triển nhà trường. Đẩy mạnh nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong hoạt động đào tạo
Nhà trường đã tổ chức 02 hội thảo dành cho các nghiên cứu sinh, trong đó số lượng bài viết hội thảo nhận được ngày càng gia tăng. Dự kiến hội thảo lần thứ 03 sẽ được tổ chức trong thời gian tới đây.
TS. Trịnh Văn Định - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Trường ĐH KHXH&NV
Theo TS. Trịnh Văn Định - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên được đẩy mạnh, giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện các kỹ năng viết các công trình nghiên cứu khoa học, thực địa… Năm 2024, Trường ĐH KHXH&NV đạt 05 giải thưởng NCKH cấp ĐHQGHN, trong đó có 01 giải nhất. Một số công trình NCKH sinh viên sẽ được đầu tư kinh phí để triển khai ra thực tế. Ngoài ra, việc xuất bản Tùng thư, giáo trình, sách chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo… được nhà trường chú trọng đầu tư và đẩy mạnh số lượng đi đôi với chất lượng.
Giải quyết các vấn đề cụ thể từ các đơn vị đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị đào tạo đã chia sẻ những ý kiến tham góp để nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, như việc rà soát, điều chỉnh, mở mới các CTĐT mang bản sắc riêng của Trường ĐH KHXH&NV và phù hợp với nhu cầu học tập của xã hội; liên kết quốc tế trong đào tạo; đồng bộ hóa quy trình tuyển sinh - đào tạo - chăm sóc, hỗ trợ người học từ bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; chuẩn bị các điều kiện để kiểm định, đánh giá chất lượng các CTĐT; tổ chức các lớp kỹ năng mềm cho sinh viên...
TS. Phạm Huy Cường – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ những yêu cầu về công tác đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm định trong nước và quốc tếPGS.TS Đặng Hồng Sơn - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ kinh nghiệm về điều chỉnh, mở mới mã ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu học tập của xã hội, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt trong nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học cơ bản của VNU-USSH.PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Trường ĐH KHXH&NV đánh giá VNU-USSH có nhiều kinh nghiệm và tiềm năng trong việc triển khai các CTĐT đặc sắc, liên ngành và mang bản sắc riêngPGS.TS Trịnh Thị Linh - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ một số điểm hạn chế trong việc cạnh tranh đào tạo các CTĐT cùng chuyên ngành trong quy mô ĐHQGHN và việc chuẩn hóa quy trình đào tạo sau đại học tại VNU-USSHTS. Phạm Hoàng Giang - Trưởng khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ nghiên cứu sinh trong quá trình học tập tại trường và mở rộng các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viênTS. Nguyễn Thị Năm Hoàng - Phó Trưởng khoa Văn học chia sẻ kinh nghiệm của khoa Văn học trong mở mới CTĐT và liên kết quốc tế trong hoạt động đào tạoTS. Nguyễn Ngọc Bình - Trưởng khoa Ngôn ngữ học đề xuất việc phát triển, bổ sung đội ngũ cán bộ, giảng viên của các khoa/viện/bộ môn
Hội nghị công tác đào tạo có sự tham dự của lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo và cán bộ, giảng viên của Trường ĐH KHXH&NV