Chiều ngày 30/6/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ tại VNU-USSH. Chương trình giám sát về đào tạo trình độ tiến sĩ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhằm ghi nhận thực tiễn và lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trên cả nước.
Tại buổi làm việc, về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng các đồng chí Ủy viên thường trực: PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.
Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có sự tham dự của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, các Phó Hiệu trưởng: PGS.TS. Lại Quốc Khánh, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, PGS.TS. Đào Thanh Trường cùng toàn thể lãnh đạo các Khoa/Viện/Trung tâm, phòng chức năng của nhà trường.
Thực hiện chặt chẽ, khoa học các chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ tại VNU-USSH
Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn là đề tài nóng, luôn được dư luận chú ý quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn hệ thống giáo dục đẩy mạnh hội nhập quốc tế của toàn ngành giáo dục hiện nay. Hiện, có không ít những luồng ý kiến đánh giá chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam còn thấp. Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng của đào tạo tiến sĩ, đảm bảo cung cấp cho xã hội những người tài năng thực sự, đáp ứng yêu cầu chất lượng, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển của kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu phát triển của Nhà trường đến năm 2025 trở thành một trường đại học đứng đầu đất nước về khoa học xã hội và nhân văn ngang tầm với các đại học danh tiếng trong khu vực, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, cùng với việc tổ chức đào tạo tiến sĩ theo quy trình, việc thanh tra giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng, việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học cho NCS, đội ngũ giảng viên tâm huyết, chuyên môn cao trở thành những điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trình bày báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ tại VNU-USSH
Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại VNU-USSH, Phó Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hương cho biết, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, là trường thành viên trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, do vậy các hoạt động đào tạo tiến sĩ đều thực hiện theo các quy chế, quy định, văn bản hướng dẫn của VNU. Căn cứ các quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc tổ chức thực hiện, phân cấp quản lý giữa Khoa/Bộ môn trực thuộc Trường và Nhà trường. Tất cả các văn bản hướng dẫn đều được công khai trên website của Nhà trường nhằm đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện tra cứu cho người học.
Việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ (quy trình thực hiện, việc kiểm tra, thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng…) được triển khai đồng bộ, nhất quán theo đúng quy định hiện hành của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Căn cứ hướng dẫn về công tác tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện xây dựng chỉ tiêu theo từng chuyên ngành đào tạo. Hàng năm (2 đợt/năm), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thông báo tuyển sinh trên website tuyển sinh chính thức của Nhà trường; tổ chức xét hồ sơ và đánh giá chuyên môn của các ứng viên theo đúng quy định. Với
31 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ của nhà trường, người dự tuyển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sức khỏe, kinh nghiệm, thâm niên công tác, ngoại ngữ, chuyên môn… ; trong đó có một số chuyên ngành những năm gần đây thu hút được các ứng viên đông đảo hơn các chuyên ngành khác, như Quan hệ quốc tế, Chính trị học, Du lịch học, Báo chí, Tâm lý học… Bên cạnh đó tồn tại một số chuyên ngành chưa thực sự hấp dẫn người tham gia dự tuyển như Hán Nôm, Khảo cổ học, Nhân học, Lịch sử sử học và sử liệu học….
Quy trình đánh giá, thẩm định, kiểm tra chất lượng hoạt động đào tạo và chất lượng luận án, công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ tại VNU-USSH cũng đã được triển khai rất chặt chẽ. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công tác tổ chức hoạt động đào tạo tiến sĩ của các đơn vị đào tạo chuyên môn trực thuộc Trường; và chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành. Việc thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ do Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành 02 tháng/lần (với khoảng 15% tổng số luận án được bảo vệ thành công/năm). Quy trình thẩm định dựa trên nguyên tắc là thẩm định ngẫu nhiên, xác suất hoặc khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Quá trình thẩm định và xử lý kết quả thẩm định thực hiện theo quy chế đào tạo sau đại học hiện hành ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các nghiên cứu sinh
Tại buổi làm việc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN luôn luôn đặt người học nói chung và NCS bậc tiến sĩ nói riêng là trung tâm của các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường không đặt chỉ tiêu doanh thu ở bậc học tiến sĩ mà sử dụng toàn bộ nguồn học phí để đầu tư cho các hoạt động học tập, nghiên cứu của NCS.
Hiệu trưởng, GS.TS Hoàng Anh Tuấn khẳng định, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN luôn luôn đặt người học nói chung và NCS bậc tiến sĩ nói riêng là trung tâm của các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học
Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ NCS, PGS.TS Đào Thanh Trường nhấn mạnh, VNU-USSH đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư thiết thực cho NCS nhằm thúc đẩy quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học của NCS. Nhà trường đã triển khai các chương trình đầu tư tài chính cho các công bố quốc tế, các nhóm nghiên cứu của NCS và sinh viên, quốc tế hóa hoạt động xuất bản với các chuyên san khoa học bằng tiếng Anh, tổ chức hội thảo khoa học thường niên thu hút hàng trăm công trình nghiên cứu của NCS.
PGS.TS Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư của nhà trường dành cho NCS gắn với NCKH quốc tế
Cũng tại buổi làm việc, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cho biết, mỗi chuyên ngành đào tạo tiến sĩ của VNU-USSH được xây dựng dựa trên các đặc thù khác nhau, nhằm đảm bảo tốt chất lượng chuẩn đầu ra. Đặc biệt, hoạt động đào tạo tiến sĩ luôn gắn bó chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học. Do vậy, ngoài việc tổ chức giảng dạy các học phần, tổ chức đánh giá đề cương, chuyên đề liên quan đến luận án tiến sĩ của NCS, các đơn vị đào tạo chuyên môn trực thuộc Trường còn có trách nhiệm tạo điều kiện cho NCS hoàn thành nhiều hoạt động phục vụ tốt nhất cho quá trình học tập. NCS được tham gia sinh hoạt chuyên môn, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; trợ giảng bậc đại học, thạc sĩ hoặc hướng dẫn thực hành, thực tập, khóa luận tốt nghiệp; tham gia hỗ trợ đào tạo… Ngoài ra, NCS còn được tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học của nhà trường, được hướng dẫn xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tổ chức triển khai và công bố các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án trên các tạp chí chuyên ngành dưới sự hướng dẫn của giáo viên hướng dẫn.
Trong những năm vừa qua, số lượng tuyển sinh NCS tại VNU-USSH luôn đứng đầu trong số các trường thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Có thể nói, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đích đến của đông đảo các ứng viên dự tuyển đào tạo tiến sĩ về các ngành khoa học xã hội và nhân văn đến từ mọi miền của đất nước và nước ngoài, là nơi thu hút những thí sinh có nguyện vọng trở thành các nhà nghiên cứu khoa học thực thụ, nghiêm túc, bài bản, trình độ cao.
Đóng góp các giải pháp và kiến nghị về chính sách, pháp luật nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ
Đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đề xuất nhiều kiến nghị, đề xuất xuất phát từ thực tiễn đào tạo của nhà trường ở bậc tiến sĩ. Đó là việc cần có chính sách quản lý đào tạo ổn định. Trong 5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần điều chỉnh các quy định về đào tạo tiến sĩ bằng các Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 về việc ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 về việc ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hai Thông tư này có những quy định khác nhau về chuẩn đầu ra của NCS. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức đào tạo cũng như dư luận xã hội vốn khá nhạy cảm đối với chủ đề chất lượng đào tạo. Trên cơ sở đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn kiến nghị việc ban hành các quy định mới về đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tính kế thừa và phát triển, có lộ trình phù hợp với bối cảnh xã hội.
Về phía Nhà trường cũng kiến nghị cần siết chặt công tác đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ. Đây là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục của đất nước, việc đảm bảo chất lượng đào tạo ở trình độ này là cực kỳ cần thiết nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, qua phản ánh của các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như dư luận xã hội, vẫn còn những cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu này. Để tạo ra môi trường học thuật nghiêm túc, để giá trị của bậc giáo dục bậc cao nhất đúng ý nghĩa, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh tự chủ diễn ra mạnh mẽ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách kiểm soát chất lượng thực chất và hiệu quả hơn.
TS. Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội đánh giá cao những khuyến nghị chính sách khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội đưa ý kiến thảo luận tại buổi làm việc
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh việc các nhà trường cần đổi mới nhanh chóng để thích ứng với thời đại công nghệ 4.0
Đánh giá cao những thành tựu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cũng như uy tín học thuật, đào tạo của nhà trường trong gần 80 năm phát triển từ ĐH Tổng hợp, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội cho biết, VNU-USSH luôn là “địa chỉ đỏ” của rất nhiều sinh viên, học viên, NCS, thương hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là niềm tự hào của nhiều thế hệ người học. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị của Nhà trường là vô cùng khoa học, đóng góp thiết thực trong việc bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trên cả nước.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội: