Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới ĐHQGHN có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước, đồng thời tạo cơ hội cho các học viên tiếng Hàn được giao lưu, tiếp xúc và trao đổi về Hàn Quốc và về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Hàn Quốc.
Tham dự buổi đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại ĐHQGHN có Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cùng các Phó Giám đốc; lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQGHN.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trao đổi với Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân. Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ niềm tin Hòa Lạc sẽ là đô thị đại học lớn nhất và năng động trong thời gian gần (nguồn ảnh: https://www.president.go.kr)
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo ĐHQGHN
Bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi được đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc đến thăm ĐHQGHN, Giám đốc Lê Quân cho biết, là đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN là cơ sở đào tạo công lập đầu tiên mở ngành tiếng Hàn và Hàn Quốc học từ năm 1993 ngay sau khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 30 năm qua, hầu hết các trưởng ngành (trưởng Bộ môn/ Khoa) Hàn Quốc khu vực miền Bắc đều xuất thân từ Trường ĐH Ngoại ngữ và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Hiện nay, đội ngũ giảng viên, chuyên gia của ĐHQGHN cũng đang tham gia tích cực trong các dự án phổ cập, phát triển về đào tạo nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Số lượng người học tiếng Hàn ở Việt Nam đang là hơn 50 nghìn người. Số trường đại học và cao đẳng có giảng dạy tiếng Hàn là gần 60 trường và hiện nay Việt Nam là nước có quy mô đào tạo và nghiên cứu về ngôn ngữ văn hóa Hàn lớn nhất và toàn diện nhất tại khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân mong muốn Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong giáo dục, chuyển giao công nghệ khoa học kĩ thuật nói chung cũng như trong giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa Hàn Quốc, đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến Hàn Quốc nói riêng.
Phát biểu tại buổi đón tiếp, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ niềm vui được đến thăm Việt Nam và ĐHQGHN. Ông nhận xét, ĐHQGHN có những nét tương đồng như ĐHQG Seoul của Hàn Quốc và đều là những cơ sở giáo dục đại học có tầm quan trọng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước.
Trước những chia sẻ của Giám đốc Lê Quân về cơ sở mới của ĐHQGHN tại Hòa Lạc, Tổng thống Yoon Suk Yeol bày tỏ ấn tượng với tầm nhìn của lãnh đạo ĐHQGHN. Ông mong rằng ĐHQGHN sẽ sớm hoàn thiện xây dựng các cơ sở vật chất, khuôn viên tại cơ sở Hòa Lạc để xứng tầm với vị thế đại học hàng đầu của Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng thống Hàn Quốc và Phu nhân đã giao lưu và trả lời câu hỏi của các bạn trẻ Việt Nam về những nét đẹp văn hóa Hàn Quốc và làn sóng Hàn Quốc tới Việt Nam.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân giao lưu cùng các học sinh, sinh viên, học viên tiếng Hàn
Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cùng các đại biểu tại buổi giao lưu giữa Tổng thống Hàn Quốc và học sinh, sinh viên, học viên tiếng Hàn
Phát biểu trước các sinh viên, học sinh Việt Nam học tiếng Hàn, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định chuyến thăm Việt Nam của ông lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã phát triển toàn diện trải dài trên rất nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, ngoại giao tới văn hóa, xã hội. Tổng thống bày tỏ sự vui mừng khi ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam học tiếng Hàn quốc.
“Tôi được biết tiếng Hàn đã trở thành sự lựa chọn của rất nhiều các bạn trẻ tại Việt Nam, không chỉ là sinh viên mà ngay cả khối phổ thông cơ sở hay phổ thông trung học đã có nhiều em theo học tiếng Hàn Quốc. Tôi cũng rất ấn tượng khi nghe các bạn phát âm chuẩn tiếng Hàn Quốc. Với vai trò là người đứng đầu của đất nước Hàn Quốc, tôi càng nhận thấy phải có trách nhiệm hơn nữa để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước đặc biệt là trong việc giáo dục thế hệ trẻ quan hệ hai nước”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vui mừng nhận thấy hiện Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước và ông cho rằng đây chính là những điều kiện thuận lợi giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu hơn về nền văn hóa Hàn Quốc. Ông mong muốn sẽ có thêm nhiều hoạt động hơn nữa không chỉ trong văn hóa mà cả giáo dục để các bạn trẻ có thể nghiên cứu sâu hơn và học tiếng Hàn với mức độ chuyên sâu hơn. Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam tiếp cận được tiếng Hàn cũng như văn hóa Hàn Quốc.
(Ảnh: https://www.president.go.kr)
ĐHQGHN đã có nhiều hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đại học hàng đầu của Hàn Quốc như ĐHQG Seoul, các tập đoàn công nghệ cao của Hàn Quốc như Samsung, LG, Huyndai, SK,… Sinh viên các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật của ĐHQGHN tốt nghiệp luôn được đánh giá cao và nhận vào làm tại các vị trí quan trọng trong các tập đoàn công nghệ, công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Hợp tác giữa ĐHQGHN và các tập đoàn Hàn Quốc là hình mẫu cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đào tạo có địa chỉ - phục vụ cho sự phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của hai nước.
Tại ĐHQGHN, Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á – ARC là đơn vị triển khai nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ các nhà khoa học trong và ngoài của ĐHQGHN, thực hiện các hoạt động trao đổi học giả, xuất bản các ấn phẩm khoa học công nghệ, … hợp tác với Hàn Quốc.
(Ảnh: https://www.president.go.kr)
Tình hình giảng dạy tiếng Hàn bậc đại học của Việt Nam
Hiện có gần 60 trường đại học và cao đẳng trên cả nước đang mở ngành đào tạo ngôn ngữ và văn hóa, hoặc Hàn Quốc học hệ chính quy. Tổng số người học tiếng Hàn hệ chính quy vào khoảng 25 nghìn người. Tổng số giảng viên người Việt đang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng tại Việt Nam là khoảng 300 người.
Tiếng Hàn được đưa vào giảng dạy đầu tiên tại ĐHQGHN (Trường ĐHKHXH&NV và Trường ĐH Ngoại ngữ) và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh từ năm 1993.
Về đào tạo sau đại học, hiện cả nước có Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đang triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ ngôn ngữ Hàn Quốc từ năm 2018 đến nay; Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh mở chương trình thạc sĩ Hàn Quốc học từ năm 2022.
Trường ĐH Ngoại ngữ đưa tiếng Hàn vào dạy như ngoại ngữ 2 từ năm 1994. Hiện nay, Trường là đơn vị đang đào tạo và nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc có quy mô lớn nhất và đa dạng nhất trong số gần 60 trường ĐH và CĐ tại Việt Nam đang mở ngành đào tạo này. Tổng số học sinh, sinh viên đang học tiếng Hàn hệ chính quy ở Trường ĐH Ngoại ngữ là gần 2.000, bao gồm các hệ từ Trường THCS Ngoại ngữ (50 học sinh học Ngoại ngữ 2 tiếng Hàn), Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (263 học sinh học tiếng Hàn như NN1 và NN2), hệ đại học (chính quy, bằng kép, ngoại ngữ 2 với tổng 978 sinh viên), Thạc sĩ Ngôn ngữ Hàn (khoảng 20 – 30 học viên mỗi năm).
Tổng số Viện King Sejong thuộc Quỹ Sejonghakdang do Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Hàn Quốc tài trợ tại Việt Nam là 23, trong đó Học viện King Sejong Hà Nội 1 (trực thuộc Trường ĐHKHXH&N, ĐHQGHN) và Học viện King Sejong Hà Nội 2 (trực thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN) là 2 cơ sở thành lập sớm nhất (năm 2011) và có nhiều thành tích nổi bật.
Trường ĐH Ngoại ngữ cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đăng kí và triển khai thành công dự án nghiên cứu “Xây dựng trường Đại học trọng điểm về Hàn Quốc học” do Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Hàn Quốc (Academy of Korean Studies- AKS) tài trợ từ năm 2019, hiện đang triển khai năm thứ 5 của dự án.
Tình hình giảng dạy tiếng Hàn ở bậc phổ thông của Việt Nam
- Môn tiếng Hàn được đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông của Việt Nam như ngoại ngữ 2 từ năm 2018, sau đó đưa vào giảng dạy như ngoại ngữ 1 từ năm 2021. Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất triên thế giới triển khai đào tạo tiếng Hàn như ngoại ngữ 1 ở bậc phổ thông (từ lớp 3).
- Tổng số trường THPT đang tổ chức dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ 2 là 79 trường.
Một số trường đưa tiếng Hàn vào giảng dạy như ngoại ngữ chuyên (NN1) gồm: Trường THPT chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN (từ năm học 2017 - 2018), Trường THPT chuyên Trần Phú (từ năm 2021)… Tổng số học sinh đang học tiếng Hàn như ngoại ngữ 2 và ngoại ngữ 1 ở các trường phổ thông khoảng 10.900 em. Môn tiếng Hàn được đưa vào kì thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam từ năm 2020 đến nay.
Hiện bộ sách giáo khoa tiếng Hàn phổ thông (ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2) do các tác giả của Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ và Bộ môn Hàn Quốc học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN tham gia biên soạn (TS. Trần Thị Hường tổng chủ biên, TS. Lưu Tuấn Anh chủ biên) đã hoàn thành bản thảo từ lớp 6-12 (bộ NN2) và từ lớp 3- 6 (bộ NN1), trong đó bộ SGK tiếng Hàn lớp 3 NN1 đã hoàn thành thẩm định quốc gia và chuẩn bị in. Các bản thảo còn lại đang chuẩn bị thẩm định quốc gia và đã có bản in mẫu. |