Trưng bày Di sản Phật giáo Việt Nam: đưa di sản của dân tộc đến gần hơn với công chúng trẻ

Thứ ba - 20/06/2023 23:55
Ngày 20/6/2023, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày Di sản Phật giáo Việt Nam tại khuôn viên của Trường.
Tham dự Lễ khai mạc có PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại, PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Lịch sử, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, khoa, bộ môn trực thuộc, đông đảo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trong trường.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa – TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Giới Minh - Thư kí Tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Phật học.
Cùng tham dự có nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lí đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Cục Di sản, Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Tôn giáo, Viện Khảo cổ học,…

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ từ thế kỷ 6 trước Công nguyên, nhanh chóng truyền bá khắp châu Á và trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới.
Khoảng đầu Công nguyên, Phật giáo truyền nhập vào miền Bắc Việt Nam, ngay sau đó xuất hiện ở khu vực miền Nam và miền Trung. Trải qua hai ngàn năm phát triển, Phật giáo đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của Việt Nam, di sản Phật giáo rất phong phú và đa dạng.
Để tôn vinh, bảo tồn, đưa những di sản văn hóa độc đáo và quý báu đó của dân tộc đến gần hơn với giới trẻ, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV và Công ty Cổ phần tư vấn và giải pháp công nghệ 3D Art đã có sự hợp tác chặt chẽ, thành công trong việc tạo ra không gian Trưng bày Di sản Phật giáo Việt Nam ngay trong khuôn viên của Nhà trường.
Tư liệu trưng bày được cấu trúc thành 5 nội dung chính: giới thiệu khái quát về sự ra đời và phát triển của Phật giáo và Phật giáo Việt Nam; Di sản Phật giáo miền Bắc; Di sản Phật giáo Chămpa; Di sản Phật giáo Óc Eo - Phù Nam và Di sản Phật giáo trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Hiện vật trưng bày bao gồm bản phỏng dựng Bảo tháp lưu ly thời Lý cùng 17 bức tượng phục dựng bằng công nghệ in 3D trên chất liệu Composite, sau đó được sơn son thếp vàng, với kích cỡ nguyên bản hoặc thu nhỏ, 5 bản rập tranh diễn họa, 1 bức họa thư, 37 hình ảnh chùa và di sản Phật giáo, 3 sơ đồ chùa tháp…
Đặc biệt, không gian trưng bày được ứng dụng công nghệ hiện đại như Mapping và Hologram trong diễn họa hình ảnh về kiến trúc tháp Phật, hình ảnh Scan 3D tượng Phật và chùa tháp tiêu biểu trong di sản Phật giáo Việt Nam.
Ngoài ra, trong không gian trưng bày còn có góc trải nghiệm dành cho các bạn sinh viên có thể trải nghiệm in rập các hoa văn, biểu tượng và chữ Hán… trong Phật giáo Việt Nam.
PGS.TS Lại Quốc Khánh nhấn mạnh ý tưởng thực hiện một không gian trưng bày Di sản Phật giáo Việt Nam ngay tại khuôn viên của một trường đại học là ý tưởng độc đáo và có giá trị khoa học
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lại Quốc Khánh nhấn mạnh: “Ý tưởng thực hiện một không gian trưng bày Di sản Phật giáo Việt Nam ngay tại khuôn viên của một trường đại học là ý tưởng độc đáo và có giá trị khoa học. Những hiện vật tinh xảo được trưng bày tại không gian này không chỉ hỗ trợ hoạt động đào tạo đại học và sau đại học của Trường, mà còn giúp các em sinh viên, học viên có thể chiêm ngưỡng những di sản quý của dân tộc. Hoạt động này một lần nữa khẳng định mô hình hợp tác rất hiệu quả giữa Nhà trường, cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống”.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc chia sẻ: “Đây thực sự là một hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị những di sản quý báu trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với không gian trưng bày ứng dụng công nghệ hiện đại được thiết kế ngay tại trường đại học sẽ góp phần đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, các bạn học sinh, sinh viên; khơi dậy niềm tự hào, trân trọng và ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa trong đời sống đương đại”.
Trưng bày Di sản Phật giáo Việt Nam không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà chuyên môn, nghiên cứu trong lĩnh vực lịch sử, tôn giáo, di sản mà còn đông đảo bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu. Trưng bày sẽ diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 20/6 đến ngày 30/6/2023.
Một số hình ảnh tại Không gian Trưng bày Di sản Phật giáo Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây