Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân dự và phát biểu tại buổi lễ
Tham dự Lễ ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến có: ông Choltis Dhirathiti - Giám đốc Điều hành Mạng lưới các đại học ASEAN (AUN); ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Quang Việt – Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Lê Mỹ Phong – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về phía ĐHQGHN có ông Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc; ông Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc; ông Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng; ông Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng.
Những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã có quan điểm chỉ đạo quyết liệt và chính sách cụ thể về đổi mới toàn diện giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, định hướng và chính sách về tự chủ đại học đang dần đi vào cuộc sống. Để thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học, cao đẳng cần thể hiện được trách nhiệm giải trình và cam kết chất lượng đào tạo đối với xã hội. Hoạt động quản trị hệ thống, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng là công cụ đặc biệt quan trọng và cần thiết để hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.
Ông Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, đơn vị thường trực của Kênh chia sẻ, với kinh nghiệm hơn 25 năm đi đầu trong cả nước về thực hiện quản trị đại học, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQGHN có một đội ngũ nhân sự cơ hữu cũng như mạng lưới đối tác với am hiểu sâu về lý thuyết và thực tiễn quản trị, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai và vận hành Kênh. Bên cạnh đó ĐHQGHN còn có một lực lượng kỹ sư CNTT với kiến thức và kỹ năng về CNTT phù hợp để phát triển và quản trị hệ thống quản trị đại học, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
Đánh giá cao sáng kiến của ĐHQGHN trong việc thành lập Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp, ông Choltis Dhirathiti - Giám đốc Điều hành AUN cho rằng nền tảng này sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển chất lượng hệ thống giáo dục đại học và nghề nghiệp của Việt Nam. Ông bày tỏ ấn tượng với mục tiêu hoạt động của Kênh khi hướng tới hình thành cộng đồng giáo dục đại học và nghệ nghiệp gắn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau và cho biết, đây cũng chính là trọng tâm của AUN trong lộ trình góp phần xây dựng ASEAN trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, với vai trò, sứ mệnh thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, ĐHQGHN luôn nỗ lực để có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ĐHQGHN luôn coi chất lượng giáo dục là gốc và sẵn sàng chia sẻ, mong muốn lan tỏa và phát triển văn hóa chất lượng.
Theo Giám đốc Lê Quân, hoạt động chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ tại ĐHQGHN. Vừa qua, ĐHQGHN đã ra mắt Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học, một hệ thống hỗ trợ công tác dạy – học trực tuyến và trực tiếp cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nói riêng và các địa phương cả nước nói chung. Hiện nay, đã có trên 100 nghìn người từ gần 40 địa phương đăng ký tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ trực tuyến qua kênh này. ĐHQGHN sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh giáo dục phổ thông thông qua các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Văn hóa chất lượng luôn được đề cao và đóng vai trò là số 1, xuyên suốt các hoạt động của ĐHQGHN. Do đó, việc ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp sẽ góp phần phát triển chất lượng giáo dục của ĐHQGHN nói riêng, hệ thống giáo dục đại học và nghề nghiệp cả nước nói chung.
Giám đốc Lê Quân chia sẻ, Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp hướng tới tạo lập và phát triển nền tảng để thúc đẩy văn hóa chất lượng của các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam, hoạt động trên cơ sở 4 trục nội dung chính gồm: Đảm bảo chất lượng, Kiểm định chất lượng, Xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục và Quản trị trường học.
Kênh hướng tới triển khai các hoạt động chính: nghiên cứu và tư vấn chính sách; báo cáo và đánh giá giáo dục; hội nghị/hội thảo/diễn đàn; bồi dưỡng và tăng cường năng lực; tôn vinh, ghi nhận, lan tỏa các thực hành xuất sắc trong quản trị đại học. Mục đích cuối cùng của Kênh là tạo được nền tảng để phát triển văn hóa chất lượng của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam.
Ông cũng cho biết, trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ giới thiệu Kênh phát triển nguồn nhân lực, tập trung kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nền tảng này hướng tới kết nối việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, gắn với giáo dục học tập suốt đời.
Giám đốc Lê Quân cũng khẳng định ĐHQGHN phát triển nền tảng công nghệ, dùng công nghệ để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc chuyển đổi số, hướng tới mục đích kết nối, hình thành mạng lưới, chia sẻ cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh văn hóa hợp tác và cùng nhau phát triển.
Hội đồng cố vấn chuyên môn Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp
Tại sự kiện, ông Phạm Vũ Quốc Bình – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ông Lê Mỹ Phong - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phát biểu chúc mừng sự thành lập và ra mắt Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp của ĐHQGHN và bày tỏ hy vọng nền tảng này sẽ giúp tập hợp đội ngũ các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục đại học cùng nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển hoạt động đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng.
Mở đầu cho hoạt động của Kênh, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐHQGHN, đơn vị thường trực của Kênh, tổ chức Hội thảo khoa học “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn”. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục đại học, các nhà nghiên cứu, giảng viên, cán bộ công tác trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học cùng làm rõ các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong công tác đảm bảo chất lượng; cập nhật và phổ biến các xu thế mới trong hoạt động đảm bảo - kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học; nhận diện thực trạng và đánh giá hiệu quả việc triển khai chính sách về tự chủ đại học, quản trị đại học nói chung, kiểm định - đảm bảo chất lượng và xếp hạng đại học nói riêng tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt trong hoạt động đảm bảo, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học.
Hội thảo khoa học “Đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học: Lý luận và thực tiễn"
Kênh có nhiệm vụ triển khai các chương trình, sự kiện, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa chất lượng của các cơ sơ giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong cả nước. Mục tiêu hoạt động cụ thể của Kênh như sau:
- Hình thành được cộng đồng giáo dục đại học và nghề nghiệp trong cả nước, gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động quản trị nhà trường, đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục;
- Triển khai được các nghiên cứu chuyển giao các giải pháp về quản trị, đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục;
- Hỗ trợ được các cơ sở giáo dục trong thực hiện các mục tiêu về kiểm định chất lượng theo các quy định của pháp luật, bộ ngành liên quan;
- Hỗ trợ được các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong;
- Thúc đẩy, hỗ trợ áp dụng được các giải pháp khác nhau cho hoạt động quản trị tại các trường đại học và cao đẳng như: đối sánh và xếp hạng đại học, đo lường đánh giá giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ … |