Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương

Chủ nhật - 14/11/2021 21:00
Hội thảo do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tổ chức ngày 13/11 vừa qua. Các nhà khoa học, nhà quản lý báo chí tham dự hội thảo đã thể hiện sự ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (theo Quyết định 362/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/4/2019), đồng thời tham góp những ý kiến phản ánh những khó khăn, tồn tại nảy sinh trong quá trình triển khai; những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình toà soạn báo chí hiện đại, hội tụ, đa phương tiện bám sát các xu hướng phát triển của báo chí truyền thông trong tương lai...   
Anh 3
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
 
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), Quyết định 362/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quy hoạch phát triển báo chí của đất nước, về cả quy mô tác động và tư duy quản lý. Sự quy hoạch, sắp xếp này lại diễn ra đúng vào giai đoạn bản lề, khi các cơ quan báo chí và truyền thông đứng trước thách thức phải đổi mới để tiếp cận tốt hơn với thị trường, thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu của công chúng báo chí mới.
 
 
Chủ trương quy hoạch báo chí phản ánh sự thay đổi về tư duy quản lý, từ quản lý đồng hành cùng sự phát triển đến quản lý để thúc đẩy sự phát triển; khắc phục các hiện tượng báo chí thương mại hoá, sai lệch tôn chỉ mục đích, đi chệch quan điểm đường lối của Đảng... Bên cạnh đó, việc quy hoạch sắp xếp lại các cơ quan báo chí cũng để nhằm tinh giản bộ máy, tăng hiệu quả hoạt động của báo chí, chuyển dịch dần sang cơ chế tự chủ tài chính, để báo chí đến được với công chúng một cách thiết thực nhất, giúp các cơ quan báo chí của Việt Nam định vị mình và phát triển ở tầm vóc khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện quy hoạch, bên cạnh những kết quả vả thành tựu đạt được, nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn đã được đặt ra đối với các cơ quan quản lý báo chí và các toà soạn báo: làm rõ những khái niệm và mô hình hoạt động báo chí hiện đại, giải quyết thách thức trong việc sáp nhập và cải tổ các cơ quan báo chí, giải pháp xây dựng quy trình vận hành theo mô hình toà soạn đa phương tiện...
PGS.TS Đinh Văn Hường - Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Đinh Văn Hường (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt câu hỏi: “Các cơ quan báo chí của Đảng ở trung ương và địa phương sau một thời gian dài được bao cấp và vẫn đang nặng với tư duy này khi dần chuyển sang tự chủ tài chính sẽ như thế nào?”. Có nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện quy hoạch báo chí như: đánh giá tác động, ảnh hưởng của quy hoạch đến tư tưởng, lợi ích và nguyện vọng của đối tượng và phạm vi điều chỉnh; làm thế nào đề đổi mới tư duy, nhận thức về quản lý, quản trị cơ quan báo chí từ đơn loại hình đến đa loại hình; vấn đề bảo đảm điều kiện về nhân lực, hạ tầng cơ sở, tài chính, cơ chế chính sách để thực hiện.
 
Anh 66
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (Trưởng phòng Quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh rằng, trong quá trình thực hiện quy hoạch, ở nơi nào mà cơ quan chủ quản báo chí sâu sát với hoạt động của tờ báo, có sự đoàn kết và đồng lòng của tập thể đơn vị thì nơi đó triển khai khá thuận lợi. Mặt khác, cái “được” lớn nhất là quá trình tái cấu trúc lại toà soạn báo đã lộ ra nhiều vấn đề căn cốt của tờ báo, giúp cơ quan chủ quản nắm bắt và có hướng giải quyết.
 
Anh 84
PGS.TS Vũ Văn Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

PGS.TS Vũ Văn Hà (Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) cho biết, sau khi có quyết định về quy hoạch báo chí, Tạp chí Cộng sản đã rất tích cực triển khai và đến nay đã hoàn thành việc sắp xếp và kiện toàn trên 4 khía cạnh: công tác cán bộ; cơ cấu tổ chức sản phẩm, ấn phẩm; khâu phát hành; khâu tài chính. Về công tác cán bộ, Tạp chí gặp phải vấn đề về: rút gọn các đầu mối phòng ban, giảm biên chế nhưng lại gia tăng các nhiệm vụ và đối mặt với yêu cầu cao hơn về chất lượng. Giải pháp được thực hiện là làm công tác tư tưởng, kết hợp các nguyên tắc “cứng” và “mềm”, tập trung đào tạo nguồn lực để đáp ứng các vị trí công việc.
 
Anh 90
 PGS.TS Bùi Chí Trung - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
PGS.TS Bùi Chí Trung (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) đề xuất hướng xây dựng tòa soạn theo mô hình truyền thông hội tụ (cross media) đã áp dụng ở Thông tấn xã Việt Nam và báo Nhân dân: sử dụng chung các hạ tầng công nghệ, quy trình tác nghiệp điều hành chung và chia sẻ dữ liệu chung. Bên cạnh đó, câu chuyện tái sắp xếp cơ cấu tổ chức là câu chuyện con người, nhưng đồng thời phải đi kèm với chiến lược nội dung phù hợp với cơ cấu tổ chức ấy.  
 
Anh 93
TS. Đỗ Anh Đức - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
TS. Đỗ Anh Đức (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) chia sẻ bài học kinh nghiệm về tái cơ cấu toà soạn của báo chí phương Tây. Theo đó, con người được coi là động lực và mục tiêu của chuyển đổi số; hướng tới giảm bớt nhân lực, thu hẹp quy mô tòa soạn, làm sao để ít người mà sản xuất được nhiều nội dung hơn; tối đa hóa lợi ích và gắn kết với người dùng.
 
Anh 96
TS. Nguyễn Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao)
TS. Nguyễn Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao) bàn về ba xu hướng phát triển của báo chí đương đại thế giới mà Việt Nam không thể nằm ngoài: chuyển đổi số, đa dạng hóa, nội dung trả phí. Điều này đòi hỏi các tòa soạn phải chuyển đổi mô hình số sao cho phù hợp, về cả mô hình sản xuất tin bài đồng bộ, lẫn công tác làm tin; ví dụ như hỗ trợ dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật phục vụ tác nghiệp của phóng viên... Bên cạnh đó, cần thay đổi và bổ sung loại hình báo chí trên mạng xã hội đi kèm là các quy định pháp lý để điều chỉnh hoạt động truyền thông trên các nền tảng này. Các tờ báo còn có thể kết hợp với các kênh truyền thông như Netflix, tiktok; sử dụng facebook để phát các chương trình trực tuyến live stream... Báo chí với các nội dung trả phí cần được phát triển với các gợi ý: mô hình thu phí theo hướng dữ liệu cao với các thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau; mô hình đọc báo không quảng cáo; mô hình một thành viên là nòng cốt...     
 
       Thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông
  • Lần đầu tiên cấp bằng Thạc sĩ Quản trị Báo chí truyền thông tại Việt Nam.
  • Chương trình liên ngành, với nhiều học phần hiện đại, hấp dẫn: Khoa học và Nghệ thuật lãnh đạo, quản lý; Chính sách và chiến lược quản trị truyền thông số, Truyền thông chính trị, An ninh truyền thông mạng, Công nghiệp truyền thông, Xây dựng và quản trị thương hiệu cơ quan báo chí truyền thông, Truyền thông doanh nghiệp, Quản trị và xử lý khủng hoảng truyền thông, Báo chí dữ liệu, Công chúng truyền thông và thị trường truyền thông,…
  • Đào tạo theo hình thức tín chỉ, học viên có thể nhận bằng sang 18 tháng.
  • Liên hệ: Cô Lê Thu Hà: 0904926768, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội)

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây