Thủ khoa Lê Thị Nguyệt: Công tác xã hội giúp hiện thực hóa ước mơ của mình

Thứ hai - 29/11/2021 04:21
Với số điểm đầu vào đại học 3 môn: Văn, Sử, Địa đạt 28,5, Lê Thị Nguyệt có thể vào bất cứ ngành học nào của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN). Tuy nhiên, với mơ ước đóng góp một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, Nguyệt đã chọn học ngành Công tác xã hội. Vừa qua, bạn là sinh viên duy nhất của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN được vinh danh tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.

Không chỉ học xuất sắc

Xác định đại học là quãng thời gian để hoàn thiện và phát triển bản thân nên Nguyệt luôn cố gắng cân bằng giữa việc học tập, nghiên cứu và hoạt động xã hội. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô và các bạn, Nguyệt đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận: điểm tích lũy 3.91; 10 điểm khóa luận tốt nghiệp; 7/7 kỳ học đạt kết quả học tập và rèn luyện loại Xuất sắc; đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2020; danh hiệu “Sinh viên 5 tốt tiêu biểu” cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2019, 2020; 3 lần nhận giấy khen của Hiệu trưởng dành cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc; là Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2020, 2021.

Nguyet 1

Cũng chính nhờ có thành tích học tập tốt nên Nguyệt đã liên tiếp giành nhiều học bổng. Ngoài các học bổng khuyến khích học tập của nhà trường (7/7 kỳ đều được nhận học bổng loại Xuất sắc), Nguyệt cũng vinh dự nhận được học bổng BIDV, học bổng Đào Minh Quang cho sinh viên thủ khoa đầu vào; 3 lần nhận học bổng Đào Minh Quang cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, học bổng Honda Award cho sinh viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.

Không những vậy, Nguyệt còn tham gia nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô trong Khoa, trong đó có một số đề tài đạt giải Ba giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Bộ; giải Ba giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2019” do Ban Chấp hành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; giải Nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Trường năm 2020, 2021. Hoạt động này cũng giúp bạn mở rộng vốn hiểu biết, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn, tiếp cận được nhiều vấn đề nóng cần giải quyết của xã hội, của ngành và quan trọng hơn là có một cái nhìn thực tiễn hơn về vai trò, sứ mệnh của ngành Công tác xã hội.

Nguyet 2

Ngoài ra, Nguyệt cũng tích cực tham gia hỗ trợ tại các trung tâm công tác xã hội để nâng cao kiến thức, kỹ năng; đồng thời có cơ hội được tiếp cận, hiểu rõ hơn những thân chủ của mình để từ đó tìm ra những giải pháp, phương pháp hỗ trợ tốt nhất, hiệu quả nhất cho họ. Bạn còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường như: hiến máu nhân đạo, hỗ trợ sinh viên vượt qua các kỳ thi…

Nguyệt cho biết, Trường ĐHKHXH&NV là một môi trường học tập, rèn luyện rất tốt, giúp tạo nền tảng vững chắc để bạn hoàn thiện bản thân. Ngành Công tác xã hội có sự kết hợp song hành giữa lý thuyết nghiên cứu và hoạt động thực hành, qua đó áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. “Ngành Công tác xã hội hoàn toàn phù hợp với mục tiêu và mong muốn của mình: Thử sức mình với một ngành học hội tụ rất nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đó là tham vấn tâm lý, can thiệp cá nhân, kỹ năng huy động nguồn lực, phát triển cộng đồng và quan trọng đây là cơ hội để mình được hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng yếu thế trong xã hội”. Nguyệt còn chia sẻ thêm, khi còn là học sinh phổ thông, em đã tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em tại làng trẻ SOS và thực sự mong muốn có thể giúp đỡ các em nhỏ tại đây một cách chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả hơn.

Mong đóng góp nhiều hơn cho ngành Công tác xã hội

Đến bây giờ, Nguyệt vẫn nhớ như in thời gian đầu đi thực tế và bắt đầu tiếp cận với những đối tượng yếu thế tại các trung tâm dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật vận động hay thiểu năng trí tuệ. “Cảm xúc duy nhất của mình tại thời điểm đó là sự “bất lực” vì bản thân rất muốn được giúp đỡ các em nhưng lại chưa có đủ kỹ năng, kiến thức để tiếp cận và làm việc. Tuy nhiên, sau đó, nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô giáo, mình đã dần dần tháo gỡ được những khó khăn”, Nguyệt chia sẻ.

Nguyet 3

Sau hơn 9 tháng đồng hành cùng trẻ tự kỷ, đề tài nghiên cứu của Nguyệt được hoàn thành - bước đầu tìm ra được các hoạt động phù hợp để hỗ trợ người tự kỷ. Đề tài của Nguyệt cũng được ghi nhận và đạt giải Ba nghiên cứu khoa học cấp Bộ. “Đây có lẽ là khoảng thời gian ý nghĩa và khó quên nhất vì nó giúp mình chiến thắng được chính bản thân, vượt lên những trở ngại về tâm lý để hoàn thành mục tiêu. Nghiên cứu cũng giúp mình hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa thực sự của ngành Công tác xã hội, nhận ra những kiến thức, kỹ năng cần có cho một nhân viên Công tác xã hội. Và đây cũng là bước khởi đầu cho những đề tài nghiên cứu của mình sau này” - Nguyệt nói. 

Sau 3,5 năm học ở trường và một khoảng thời gian đi làm thực tế, Nguyệt thấy rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới, Công tác xã hội đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp, tuy nhiên, ở Việt Nam nghề Công tác xã hội mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu. Tại không ít cơ sở, hoạt động công tác xã hội vẫn còn mang tính chất kiêm nhiệm, chưa phát huy hết vai trò, sứ mệnh của ngành là hỗ trợ các cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc xử lý các vấn đề xã hội; hoạt động vì hạnh phúc của con người và nâng cao phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, điều đáng mừng là, ngành Công tác xã hội ngày càng nhận được sự quan tâm của Nhà nước, xã hội và đặc biệt là của các bạn trẻ trẻ. Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 32/2010/QĐ - TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Những năm qua, số lượng các bạn sinh viên đăng ký nguyện vọng theo học ngành Công tác xã hội tăng nhanh.

Nguyet 4

Nguyệt cho biết, hiện nay, em vẫn không ngừng nỗ lực cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn để có thể phát huy, vận dụng tốt và hiệu quả những kiến thức đã được học vào thực tế để giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội; truyền lửa và lan tỏa sứ mệnh nhân văn cao cả của ngành Công tác xã hội đến các bạn sinh viên tương lai.

Chia sẻ về tương lai, Nguyệt mong muốn rằng sẽ có cơ hội được học lên cao hơn, tiếp cận được với nhiều mô hình tiên tiến của nước ngoài để từ đó cùng với đội ngũ những người công tác xã hội trên cả nước tìm ra được những giải pháp, hướng hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn cho những người yếu thế trong xã hội. Trong giai đoạn hiện tại, với tư cách là một cán bộ đoàn của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Nguyệt mong muốn sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho đối tượng của mình, đó là những bạn đoàn viên, thanh niên yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn hay gặp những vấn đề xã hội khác…

Tác giả: Mai San

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây