Tham dự toạ đàm có Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn; ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam; GS.TS Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc ĐHQGHN, Chuyên gia cao cấp của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu, thuộc Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; ông Đào Xuân Lai - Trưởng Ban biến đổi khí hậu và môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và CHLB Đức.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Toạ đàm, bày tỏ kỳ vọng sẽ đưa Báo cáo Quốc gia thành một ấn phẩm khoa học thường niên mang thương hiệu của Trường ĐHKHXH&NV
Báo cáo quốc gia về chính sách môi trường ở Việt Nam cung cấp một cái nhìn tổng quan về những vấn đề môi trường cấp thiết mà Việt Nam đang phải đối mặt và những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu, loại bỏ hay ngăn chặn các vấn đề đó.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết: Trong nhiều năm trở lại đây, môi trường luôn là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các quốc gia và người dân trên trái đất. Ngay cả trong bối cảnh dường như mọi nguồn lực, mọi sự quan tâm, chú ý đều dành cho các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác vẫn nằm trong nhóm các mối quan ngại hàng đầu của nhân loại. Chính vì thế việc công bố Báo cáo quốc gia với chủ đề “Chính sách môi trường ở Việt Nam” tại một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có ý nghĩa đặc biệt về mặt khoa học, chính sách và thực tiễn, nhất là lại vào đúng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP21) đang diễn ra.
Ấn phẩm có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và Đức
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn gửi làm cảm ơn đóng góp của các nhà khoa học đã tham gia Báo cáo Quốc gia và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác từ các nhà khoa học để có thể xây dựng Báo cáo Quốc gia thành một thương hiệu của Trường ĐHKHXH&NV, thể hiện đúng vị trí và vai trò của Nhà trường với tư cách là một Trường Đại học nghiên cứu và một cơ quan tư vấn chính sách.
TS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig Giessen, đồng chủ biên của Báo cáo
Trình bày các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo “Chính sách môi trường ở Việt Nam”, TS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig Giessen, đồng chủ biên của Báo cáo cho biết: Trái đất và toàn bộ sinh quyển trên hành tinh đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn gây ra bởi biến đổi khí hậu. Là một đất nước nhiệt đới với đường bờ biển dài, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ngoài những vấn đề môi trường toàn cầu, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức môi trường lớn trong nước. Quá trình phát triển của các thành phố, của nền kinh tế, hệ thống giao thông vận tải và sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã dẫn đến ô nhiễm không khí, nước và đất và những thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ động, thực vật của đất nước.
Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ Môi trường đầu tiên vào năm 1993. Sau hai lần sửa đổi, việc thông qua Luật Bảo vệ Môi trường mới vào năm 2020 thể hiện bước đổi mới quan trọng nhất của hệ thống chính sách về môi trường quốc gia. Có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022, Luật Bảo vệ Môi trường mới sẽ tạo một khung pháp lý vững chắc cho các công cụ chính sách bao gồm giấy phép môi trường, kinh tế tuần hoàn, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và nhiều công cụ chính sách khác.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam phát biểu: "Nhằm cải thiện hiệu quả của các chính sách môi trường, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị: đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp giữa chính sách môi trường với các chính sách khác của nhà nước, kiểm soát chặt chẽ hơn các chuỗi sản xuất, tăng nguồn lực tài chính, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và chống lại sự xâm nhập của các loài ngoại lai, quy hoạch hệ thống giao thông phù hơp với nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, hay thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền.
Theo GS.TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng chủ biên của Báo cáo, "bảo vệ môi trường bây giờ cũng quan trọng và khó khăn không kém bảo vệ Tổ quốc trước sự tấn công của kẻ thù, mà một trong những kẻ thù đó đôi khi là chính mình".
Ông Đào Xuân Lai - Trưởng Ban biến đổi khí hậu và môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam
Tại toạ đàm, các chuyên gia đã nhận được nhiều câu hỏi trực tiếp từ độc giả ở phần livestream trực tiếp trên fanpage của Trường ĐHKHXH&NV bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề môi trường tại Việt Nam cũng như những kết quả nghiên cứu được công bố trong Báo cáo. Các chia sẻ và thảo luận xoay quanh các nội dung: thế hệ trẻ đóng vai trò như thế nào trong việc hoạch định chính sách về môi trường? Vai trò của giáo dục trong nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân? Làm thế nào để phát huy các sáng kiến bảo vệ môi trường của người dân trong cuộc sống đời thường? Các nước phát triển có thể giúp đỡ những gì cho các nước đang phát triển để đẩy nhanh mốc cam kết đưa mức phát thải về 0? Giải pháp giảm thiểu vai trò của các nguồn nhiên liệu hoá thạch để tiến tới “xanh hơn và thân thiện hơn với môi trường”? Kiểm soát như thế nào với các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường của các công ty nước ngoài ở Việt Nam? Những thay đổi quan trọng qua các luật môi trường của Việt Nam? Giải pháp ưu tiên để giải quyết vấn đề đảo nhiệt đô thị?...
GS.TS Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc ĐHQGHN, Chuyên gia cao cấp của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách biến đổi khí hậu
Với mục đích tạo ra một nguồn thông tin chất lượng, đáng tin cậy cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau, từ các chính trị gia, giới thực hành chính sách, đại diện các cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng, năm 2020, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, Trường Đại học Justus Liebig Giessen, CHLB Đức với sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation đã khởi động dự án xuất bản Báo cáo Quốc gia thường niên về Việt Nam. Các ấn phẩm đưa ra những nhận định chuyên sâu và thông tin cập nhật về những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Ấn phẩm đầu tiên với chủ đề “Việt Nam: Một xã hội đang già hóa” đã được xuất bản vào tháng 1/2021. Báo cáo “Chính sách môi trường ở Việt Nam” là ấn phẩm thứ hai trong chuỗi các ấn phẩm của Dự án. Ấn phẩm này có sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực đến từ các đơn vị uy tín trong và ngoài nước: Đại học Humburg, CHLB Đức, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, và các đơn vị trong trường như Khoa Xã hội học, Viện Đào tạo Báo chí, Khoa Lưu trữ học và Quản trị Văn phòng, và Khoa Quốc tế học. Ấn phẩm thứ ba – “Việt Nam: Một xã hội số” - dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào tháng 1/2022.