Đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

Thứ tư - 24/06/2020 03:46
Cách mạng công nghệ 4.0 đang biến hệ sinh thái truyền thông truyền thống của thời đại công nghiệp sang một hệ sinh thái mới của truyền thông thời đại số - thời đại của văn minh trí tuệ. Công nghệ hiện đại mang đến nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm báo, và cả những người đào tạo báo chí. 
Đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số
Đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số

Đào tạo chuyên ngành, liên ngành và xuyên ngành

Bốn trăm năm trước, nhà triết học người Anh F. Bacon đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh”, “Ai làm chủ được thông tin, người đó sẽ làm chủ thế giới”. Trong tác phẩm “The Coming of Post Industrial Society” (Sự ra đời của xã hội hậu công nghiệp), Daniel Bellcho rằng: “Xã hội công nghiệp dựa trên nền công nghệ cơ khí, xã hội hậu công nghiệp dựa vào công nghệ trí tuệ. Nếu như tư bản và lao động là hai đặc trưng của xã hội công nghiệp, thì thông tin và tri thức là hai đặc trưng thay thế chúng trong xã hội hậu công nghiệp. Xã hội hậu công nghiệp còn được gọi là xã hội thông tin’.

Thông tin đã trở thành một trong năm yếu tố quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh: nhân lực, nguyên liệu, kỹ thuật và vốn. Số lượng thông tin và tốc độ truyền tải thông tin biểu thị sức mạnh của một quốc gia, và phát triển xã hội thông tin là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại. Chính vì vậy, từ lâu, báo chí truyền thông đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển thịnh trị tại nhiều quốc gia và đào tạo báo chí truyền thông luôn là lĩnh vực thu hút đông đảo người học. Đơn cử như ở Anh, chỉ tính riêng bậc cử nhân đào tạo báo chí, có 83 cơ sở đào tạo cung cấp 1.230 khóa học. Còn đào tạo truyền thông, có tới 207 cơ sở đào tạo cung cấp 3.923 khóa học đa dạngcho bậc cử nhân. Những con số này thật ấn tượng nếu so với dân số của Anh là  gần 67 triệu người trong năm 2019.

Sinh viên Viện Đào tạo báo chí - truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) trong giờ học thực hành môn truyền hình

Đối với Việt Nam, không giống như đào tạo cử nhân của ngành khoa học xã hội khác, rèn luyện kỹ năng làm nghề luôn là ưu tiên số một trong các trường đào tạo báo chí truyền thông. Tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, nhờ dự án đầu tư hai giai đoạn với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng, sinh viên báo chí có điều kiện học tập, tác nghiệp, rèn nghề trong môi trường “tòa soạn thu nhỏ”.

Học tập trong môi trường đào tạo và nghiên cứu về KHXH&NV hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên được tiếp cận và truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về triết học, lịch sử, văn học, ngôn ngữ học, tâm lý học, xã hội học… những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.

Với cơ chế linh hoạt của phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể học bằng kép để nhận hai bằng cử nhân chính quy sau 4,5 - 5 năm học tập tại trường. Việc học báo chí kết hợp với một ngành KHXH khác không chỉ bổ trợ kiến thức liên ngành, tăng thêm cơ hội tìm việc làm cho sinh viên, mà còn tạo ra các nhà báo - chuyên gia về một lĩnh vực cụ thể (như nhà báo chuyên viết về kinh tế, môi trường, giáo dục, quốc tế,…). Phóng viên, biên tập viên giỏi nghiệp vụ và am hiểu sâu một lĩnh vực sẽ tạo ra các bài viết có chất lượng cao về các ngành, các lĩnh vực, và nhờ thế nâng cao hàm lượng chính trị - khoa học - giáo dục của nền báo chí Việt Nam.

Viện nhận quyết định triển khai Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Báo chí và Truyền thông đầu năm 2020

Đào tạo đạo đức báo chí

Nghề báo là một nghề đặc biệt, bởi lẽ, thông tin nhà báo đưa ra có ảnh hưởng lớn đến đông đảo công chúng và góp phần quan trọng tạo nên dư luận xã hội. Báo chí là người truyền tin, là cầu nối giữa công chúng và các nhà hoạch định chính sách. Và nền dân chủ chỉ có được khi người dân có đầy đủ thông tin chính xác, khách quan, giúp họ cất tiếng nói và đưa ra quyết định đúng đắncủa mình.

Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng nên ngay từ buổi đầu xuất hiện vào thế kỷ 17, đã có những bản quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí. Báo chí thế giới đều có quy ước bằng văn bản được đại hội nghề nghiệp thông qua, và được thừa nhận khi nhà báo hành nghề. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí còn xây dựng bộ quy ước đạo đức riêng cho mình, như đài BBC (Anh), hay tờ The New York Times (Mỹ). Các quy ước đạo đức báo chí rất đa dạng, phong phú, nhưng đều có một điểm giống nhau, đólà thừa nhận tính khách quan, chân thật, công bằng và cân bằng trong thông tin là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của người làm báo.

Tuyên ngôn về những nguyên tắc đạo đức báo chí do Liên đoàn Báo chí quốc tế thông qua năm 1954 (bổ sung năm 1986) đã khẳng định ngay điều đầu tiên: Tôn trọng sự thật và quyền của công chúng được biết sự thật là nghĩa vụ đầu tiên của nhà báo. Nguyên tắc đạo đức báo chí ASEAN cũng xác định điều đầu tiên là “Phải giữ vững nguyên tắc công khai, dân chủ, chính xác và trung thực trong quá trình khai thác tin tức, tư liệu, chụp ảnh…”. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo Việt Nam cũng xác định rõ yêu cầu về “tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” của người làm báo.

Lễ ký kết hợp tác giữa Viện và báo điện tử Zing

Trong môi trường truyền thông kỹ thuật số, đạo đức báo chí đang là vấn đề thời sự “nóng bỏng”. Những khối lượng thông tin lớn được chuyển tải tức thời từng giây phút qua internet khiến con người không còn đủ khả năng kiểm soát thông tin. Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái thông tin theo những ý đồ xấu xuất hiện khắp nơi, đặc biệt trên mạng xã hội, nơi thông tin được phát tán nhanh chóng và thiếu kiểm soát. Nhiều tệ nạn mới nảy sinh và việc phát tán những hình ảnh khiêu dâm, các trò chơi kích thích bạo lực, thông tin khích bác, thù ghét, bôi nhọuy tín của người khác...đang là nỗi lo của nhiều người có trách nhiệm trong xã hội.

Báo chí có sức mạnh đặc biệt. Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh, bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó, mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Báo chí, nhà báo phải hoạt động vì cuộc sống, vì lợi ích của đại bộ phận người lao động trong xã hội, nên luôn phải hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ đích thực. Trong thời đại kỹ thuật số, đạo đức nghề báo cần được đề cao và thực thi một cách hiệu quả hơn bao giờ hết.Và vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của việc đào tạo báo chí truyền thông không chỉ là kỹ năng, nghiệp vụ, mà phải đào tạo một cách toàn diện, đặc biệt là về chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chung về văn hóa, xã hội cho người làm báo.

Box:

  • Với đội ngũ cán bộ giảng viên chuyên nghiệp, phần lớn được đào tạo bài bản ở Anh, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Nga,…(trong đó, có 65% số giảng viên là TS và 25% là PGS), Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV) đang cung cấp ba chương trình đào tạo cử nhân: ngành Báo chí, Báo chí chất lượng cao, và Quan hệ công chúng. Trong tương lai không xa, Viện sẽ cóthêm chương trình đào tạo cử nhân Truyền thông kỹ thuật số (Digital Media &Communications). Ngoài chương trình ThS Báo chí định hướng nghiên cứu, Viện đã xây dựng các chương  trình ThS Báo chí định hướng ứng dụng, và đặc biệt là chương trình ThS Quản trị báo chí truyền thông.

(*) Bài viết đăng trên báo Nhân dân số đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).

Tác giả: PGS.TS Đặng Thị Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây