Ngôn ngữ
Bài thực hành đầu tiên: Truyền thông nội bộ
Chúng tôi đã háo hức chờ đợi khá lâu cho chuyến đi Đà Nẵng - Hội An như là học phần Thực tập thực tế bắt buộc dành cho sinh viên năm thứ 2 ngành Quan hệ công chúng. Đây là hoạt động giúp sinh viên có cơ hội bước ra khỏi giảng đường đại học để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn làm truyền thông tại các doanh nghiệp, các tổ chức; hiện thực hóa chủ trương đào tạo gắn chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông và Nhà trường. Với sự dẫn dắt nhiệt tình và đầy yêu thương của người thuyền trưởng trong chuyến đi - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng bộ môn PR-Quảng cáo, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - chúng tôi đã có một chuyến đi “đắt giá” đầy chất chuyên môn nhưng không kém phần lãng mạn và nhiều cảm xúc. 100% sinh viên K63 Quan hệ công chúng tham gia chuyến đi thực tế là con số vô cùng ấn tượng, bởi hiếm có giờ học hay chuyến đi nào mà sinh viên lại tham gia đông đủ đến thế. Vậy làm sao để tất cả mọi người cùng tham gia, khi mà chi phí của chuyến thực tế phần lớn do sinh viên đóng góp? Tranh luận có, ý kiến trái chiều có, hoàn cảnh khác nhau có, thế nhưng sau cùng với sự nỗ lực tuyệt vời trong truyền thông nội bộ của cô và trò, chuyến đi đã cất cánh với số lượng sinh viên tuyệt đối. Hơn 2/3 trong số 80 sinh viên lần đầu tiên được đi máy bay, rất nhiều bạn lần đầu được chạm vào biển xanh trong đời. “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì một người”, “không để ai phải ở lại phía sau” là bài học truyền thông đầu tiên nhằm khắc phục sự khác biệt, tạo đồng thuận, đoàn kết nội bộ mà chúng tôi học được trước khi lên đường chinh phục “Con đường di sản Miền Trung”. Và môn học đặc biệt này còn đem lại cho chúng tôi nhiều bài học bất ngờ khác nữa.
Sinh viên K63 ngành Quan hệ công chúng lên đường chinh phục “con đường di sản miền Trung” tại sân bay Nội Bài
Làm truyền thông: 1% may mắn và 99% đam mê
Buổi trao đổi chuyên môn đầu tiên của chúng tôi là với các anh chị làm truyền thông tại Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng. Chị Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đã chia sẻ những câu chuyện thật hay, minh chứng cho việc thành công của du lịch Đà Nẵng hôm nay có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông. Người ta biết đến một Đà Nẵng đáng sống, môi trường sạch đẹp, bãi biển đẹp và các dịch vụ văn minh nhờ hoạt động truyền thông tổng thể, đa dạng cách thể hiện trên nhiều kênh thông tin đại chúng. Mỗi ngày, đội ngũ truyền thông tại Trung tâm đều làm việc bằng 200% năng lượng của mình. Đặc biệt, các Video Viral đặc sắc, ấn tượng về du lịch Đà Nẵng được thực hiện chỉ bằng hai nhân sự của Trung tâm. Luôn nghĩ ra những ý tưởng mới và không ngại khó khăn thử thách chính là những phẩm chất của người làm truyền thông. Chị An cũng chia sẻ cùng chúng tôi những thành quả mới đây trong hoạt động truyền thông của Đà Nẵng: “Sau 5 năm và trải qua 02 cuộc thi thiết kế logo, vận động trên quy mô toàn quốc, Đà Nẵng đã trở thành tỉnh đầu tiên có logo riêng của ngành du lịch. Logo mang tính cách điệu cao về sự đa dạng, sức sống tươi trẻ của Đà Nẵng với những đường nét vun lên khỏe khoắn và màu sắc sống động. Với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới, du lịch Đà Nẵng sẽ tạo nên sự định vị sâu hơn, ấn tượng hơn trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước”. Khi được hỏi về những yếu tố làm nên thành công trong mỗi chiến dịch truyền thông cho Đà Nẵng, chị An cho biết: “Thành công đến từ 1% may mắn và 99% tình yêu đối với công việc mình làm”. Mỗi ý tưởng truyền thông được hiện thực hóa là đứa con tinh thần mang dấu ấn sáng tạo cá nhân đậm nét, đôi khi phải trải qua một thời gian đau đáu, đổ mồ hôi sôi nước mắt, tư duy và lao động không ngừng nghỉ mới có được những sản phẩm thành công.
Buổi trao đổi với chị Nguyễn Thị Hoài An - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng
Bày tỏ cảm xúc của mình sau buổi trao đổi, bạn Triệu Kim Trường cho biết: “Thật là một buổi chia sẻ truyền cảm hứng. Các anh chị đã đã tiếp thêm động lực để mình thêm yêu ngành nghề mình đã chọn, tự nhủ cần sáng tạo hơn nữa, lăn xả hơn nữa với nghề PR”. Bạn Nguyễn Khánh Ly nói: “Mình vô cùng ấn tượng với phần chia sẻ của chị Hoài An. Nghề truyền thông thật giàu tính thực hành và muốn có kết quả tốt, không thể chỉ nói suông mà phải thực chiến, đam mê và bài bản”.
Tập thể lớp K63 chụp ảnh lưu niệm với chị Nguyễn Thị Hoài An
Xây dựng thương hiệu từ dấu ấn văn hóa
Đây lại là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời nữa của chúng tôi trong chuyến đi này. Rời Đà Nẵng đến với Hội An, chúng tôi tham quan Công viên Ấn tượng Hội An nằm trọn vẹn trên Cồn Hến. Công viên giống như hòn ngọc giữa lòng sông Hoài, như con thuyền đưa chúng tôi ngược dòng thời gian trở về với một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất châu Á thế kỷ XVI-XVII và chở ký ức của Hội An 400 năm trước về với con người đương đại. Tại đây, chúng tôi có cơ hội trao đổi với anh Phạm Trường Quốc Vương - Trưởng bộ phận truyền thông Công viên ấn tượng Hội An. Để giữ chân khách du lịch đến đây, anh Vương chia sẻ: “Với đặc thù là công viên văn hóa chủ đề, chúng tôi luôn phải tạo ra những dấu ấn, trải nghiệm mới và quảng bá tích cực, rộng rãi đến cộng đồng”. Là người quản lý truyền thông, nhưng anh vẫn giữ thói quen xem show thường xuyên, liên tục chiêm nghiệm để không ngừng sáng tạo, những nội dung truyền thông và cách thể hiện mới. “Yêu sản phẩm mình làm, hết mình vì công việc từ đó tạo ra những sản phẩm tốt, rồi sản phẩm sẽ nuôi sống mình” - lời tâm sự của anh Vương khiến các đàn em trong nghề vô cùng ấn tượng. Đoàn chúng tôi đã được thưởng thức “Kí ức Hội An” - show diễn thực cảnh lớn nhất Đông Nam Á, có sự kết hợp các hình thức biểu diễn nghệ thuật mới cùng các yếu tố như: trình diễn sân khấu, ánh sáng, kỹ xảo và màn thể hiện của 500 diễn viên. Điều đặc biệt hơn cả, tất cả các diễn viên tham gia đều là nhân viên của công viên, được đào tạo bài bản về cách thức biểu diễn sân khấu, ban ngày vẫn hoàn thành công việc bình thường như lái xe, dẫn chương trình, phục vụ du khách… nhưng tối đến, họ lại là những nghệ sĩ thực thụ làm nên linh hồn của show diễn.
Anh Phạm Trường Quốc Vương - Trưởng bộ phận truyền thông Công viên ấn tượng Hội An
Sinh viên K63 chăm chú lắng nghe tại buổi trao đổi
Bạn Nguyễn Quỳnh Anh nhận xét: “Show diễn mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của Hội An. Mình ngỡ ngàng vì một Hội An của thế kỉ XVII lại được tái hiện một cách chân thực đến thế”. Để tạo ra một chương trình văn hóa hấp dẫn như vậy thì những người thực hiện chắc hẳn phải am hiểu vô cùng sâu sắc văn hóa, lịch sử nơi đây. Chúng tôi lại học thêm được một bài học nữa, đó là người làm truyền thông cần có kiến thức liên ngành tốt, am hiểu sâu rộng về văn hóa, xã hội của địa phương, có khả năng kết nối, tổ chức để đưa sản phẩm truyền thông đi vào lòng công chúng.
Show diễn thực cảnh chuyên nghiệp “Kí ức Hội An” đẳng cấp thế giới
Chuyến đi còn đọng lại sâu lắng trong lòng những sinh viên năm hai ngành Quan hệ công chúng với lời chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền: “Những giờ học trong thực tế như chuyến đi này sẽ giúp các em có thêm đam mê, tự tin và nhiệt huyết với nghề. Không thể nào học PR mà chỉ ngồi trên giảng đường, các em phải được “nhúng” dần vào các môi trường thực hành, được tiếp xúc với những chuyên gia giỏi, được nhìn ngắm thế giới bao la nhiều sắc mầu để thắp lên và nuôi dưỡng trong mình ngọn lửa sáng tạo không ngừng nghỉ được…! Thực tập thực tế chuyên môn vì thế là môn học như cây cầu giúp các sinh viên kết nối với chính mình, với bạn bè, đồng nghiệp đi trước và với xã hội”.
Các bạn sinh viên K63 tại phố cổ Hội An
Còn chúng tôi thì luôn chờ mong những chuyến đi - những giờ học bổ ích như vậy. Để tình yêu đối với các di sản văn hóa lịch sử của quê hương ngày thêm lớn, để những suy nghĩ mới, sáng tạo hơn, trân trọng hơn về nghề truyền thông được thăng hoa, cất cánh.
Cảm xúc của K63 Quan hệ công chúng sau khi kết thúc chuyến đi “Con đường di sản miền Trung”: * Đỗ Thu Chuyến đi thực tế 3 ngày 2 đêm và những điều đầu tiên của mình: Thức dậy đi học lúc 3h sáng Di chuyển bằng máy bay Phá đảo Đà Nẵng, Hội An cùng các bạn Trải nghiệm tuyệt vời với kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông của các bậc tiền bối thành công. * Nguyễn Thị Hồng Hạnh Trở lại với không khí tấp nập xô bồ ở Hà Nội nhưng trong lòng em chưa quên được chuyến đi có 1-0-2 3N2Đ ở Đà Nẵng, Hội An. Dường như có thứ gì đó cứ đang níu chân em để quay lại nơi đây chăng ??? Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn, chủ yếu là sống trong lũy tre làng, chưa bao giờ một đứa con gái như em nghĩ đến việc sẽ đi học bằng máy bay. Nhưng hôm nay, điều đó trở thành hiện thực. Chỉ nhìn vào loạt ảnh đăng Facebook mấy ngày trước, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng: em đi chơi chứ học hành gì, nhưng mọi chuyện không như mọi người nghĩ đâu. Em đã từng có suy nghĩ rằng: "Hay thôi, mình tự kiếm chỗ đi thực tế vừa gần vừa rẻ cho thuận tiện cho một đứa sinh viên như mình, cũng đỡ hơn cho bố mẹ". Nhưng nghĩ lại, em thật đúng đắn khi quyết định đi cùng mọi người. * Ngô Thị Thúy Hằng “Khiếp, bay tít vào Đà Nẵng để học cơ á ?”. Ông nội tôi sau khi biết rằng tôi bay hơn 700 km để đi học đã ngạc nhiên như thế. Còn như bạn tôi nói “Vào Đà Nẵng thì chơi chứ học gì?”, đúng là nhắc tới Đà Nẵng - Hội An ai mà chẳng nghĩ tới du lịch nhưng đi chơi có rất nhiều cơ hội còn đi học thì... Đây thực sự là điều không phải lúc nào cũng có thể có được! |
Tác giả: Bích Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn