Ngôn ngữ
Văn hóa là toàn bộ những sáng tạo và phát minh của con người, vì lẽ sinh tồn, mục đích của cuộc sống. Văn hóa là kiến trúc thượng tầng nên giữ vị trí rất đặc biệt. Vì thế, khi nói đến văn hóa là phải nói đến các giá trị cốt lõi, tinh hoa. Văn hóa thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển của mỗi cộng đồng, của cả đất nước. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, chuyên ngành Văn hóa học đã từng bước định hình trong cơ cấu nghiên cứu và đào tạo Sử học Liên ngành của Khoa Lịch sử. Nhiều các nhà văn hóa lớn như GS Trần Đức Thảo, GS Trần Văn Giàu, GS Đào Duy Anh, GS Cao Xuân Huy, GS Phạm Huy Thông, GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn… đều là những người thày trực tiếp giảng dạy những bài học khai mở về Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam cho những thế hệ sinh viên đầu tiên của Khoa Lịch sử.3
Năm 1998, sau hơn 40 năm dày công chuẩn bị, Bộ môn Lịch sử văn hóa Việt Nam (sau đổi tên là Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam) được thành lập, có sứ mệnh nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam. Trải qua hơn 2 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, thông qua các chương trình nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng trong nước và hợp tác quốc tế, Bộ môn đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ có uy tín chuyên môn cao, gồm các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Giảng viên cao cấp, Giảng viên chính, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ có thể đảm đương được hầu hết các nội dung đào tạo ở tất cả các bậc học về Văn hóa học.
Văn hóa học là khoa học liên ngành, nên nhiều vấn đề của lịch sử văn hóa Việt Nam như làng xã, ẩm thực, giáo dục, đô thị, giới và gia đình, dòng họ… đã được Bộ môn chủ động triển khai và đẩy mạnh nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hàng loạt công trình xuất bản của cán bộ cơ hữu hay chuyên gia kiêm nhiệm của Bộ môn có chất lượng chuyên môn cao và có tầm ảnh hưởng rộng lớn như: Theo dấu các văn hóa cổ (Giải thưởng Hồ Chí Minh); Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận (Giải thưởng Hồ Chí Minh); Trên mảnh đất ngàn năm văn vật; Việt Nam cái nhìn địa văn hóa; Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm (Giải thưởng Hồ Chí Minh); Tìm về cội nguồn (Giải thưởng Nhà nước); Làng xã Việt Nam: Một số vấn đề kinh tế-văn hóa-xã hội (Giải thưởng Nhà nước); Cơ sở văn hóa Việt Nam; Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới; Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam; Nông thôn và đô thị Việt Nam: Lịch sử thực trạng và khuynh hướng biến đổi; Một số vấn đề làng xã Việt Nam; Làng Việt Nam đa nguyên và chặt; Một làng Việt cổ truyền ở Đồng bằng Bắc Bộ; Không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Tư liệu và nhận thức; Vùng đất Nam Bộ; Địa chí Nam Định; Địa chí Đông Anh; Địa chí Cổ Loa; Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Chămpa thế kỷ 5TCN đến thế kỷ 5SCN; Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội; Giáo dục Thăng Long - Hà Nội: Quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch… Ngoài ra, Bộ môn Văn hóa học cũng tận dụng thế mạnh của một trường đại học lớn, với nhiều giáo sư của các ngành có bề dày khác như Triết học, Văn học, Ngôn ngữ… cũng như mời nhiều chuyên gia hàng đầu về Văn hóa học tại các đơn vị nghiên cứu như Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa… tham gia vào chương trình đào tạo. Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên lựa chọn chuyên ngành Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam ngày càng tăng cao do sự hấp dẫn của nội dung chương trình đào tạo cũng như tính ứng dụng thực tiễn, cơ hội tìm kiếm việc làm.
Trên cơ sở những thành tựu và kinh nghiệm đã tích lũy được, Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo, thiết lập mạng lưới hợp tác với những viện nghiên cứu, tổ chức cùng ngành, đồng thời trao đổi nhiều giảng viên, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế hướng đến tiệm cận với chuẩn mực quốc tế và phù hợp với nhu cầu của các cơ quan tuyển dụng ở Việt Nam. Chương trình đào tạo ngành Văn hóa học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xác định hướng đào tạo văn hóa dựa trên thế mạnh của khoa học cơ bản nhưng mang tính ứng dụng cao, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế-văn hóa-xã hội trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở đào tạo Văn hóa học thứ 7 trong cả nước chính thức cấp bằng Cử nhân Văn hóa học.
So với nhiều đơn vị khác cùng đào tạo ngành Văn hóa, chương trình đào tạo Cử nhân Văn hóa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều lợi thế hơn để phát huy giá trị của khoa học cơ bản, kết hợp hài hòa và hiệu quả với các khoa học ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống thực tiễn. Sinh viên sẽ được tìm hiểu các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu văn hóa, áp dụng trong nghiên cứu, phân tích, luận giải các thành tố của văn hóa (ẩm thực, trang phục, nhà ở, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, lễ tết, lễ hội...) cho đến các vấn đề của văn hóa trong xã hội hiện nay (tiếp xúc và hội nhập văn hóa, di sản và quản lý di sản, công nghiệp văn hóa, vấn đề về giới và tính dục...). Theo đó, người học sẽ được tìm hiểu về cội nguồn, bản chất của các giá trị văn hóa; nhìn nhận, đánh giá sự biến đổi của các giá trị văn hóa trong diễn trình lịch sử, từ đó gợi ra thông điệp: Văn hóa không phân biệt cao thấp, chỉ là khác biệt và tôn trọng sự khác biệt.
Nhờ có mối quan hệ hợp tác rộng rãi của Trường, Khoa và Bộ môn, việc học tập của sinh viên ngành Văn hóa học sẽ không bị “bó cứng” trên giảng đường mà được học tập “mở”, liên kết với nhiều đơn vị, thực hành ở những di tích lịch sử văn hóa, hệ thống các bảo tàng từ trung ương đến địa phương hoặc công ty văn hóa, du lịch, các tổ chức quốc tế làm về văn hóa, những cơ sở văn hóa và những không gian văn hóa tiêu biểu.
Sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, nhằm tạo cơ hội cho sinh viên có khả năng trao đổi, tìm hiểu về ngành học này ở nước ngoài trong tương lai. 90% đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học trong Khoa được đào tạo ở nhiều quốc gia, đã có mối hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng, thường xuyên mời được những nhà nghiên cứu hàng đầu về thỉnh giảng hoặc hợp tác nghiên cứu. Các mối quan hệ quốc tế này sẽ giúp sinh viên có được cơ hội làm quen với môi trường học thuật theo chuẩn quốc tế. Những sinh viên yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống có thể lựa chọn các môn chuyên ngành theo Hán Nôm, theo đó sinh viên sẽ được học các loại hình văn bản, tại các di tích để có thể tiếp cận và xử lý được với các tài liệu chữ Hán như văn bia, thần tích, thần sắc, hương ước… do các chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trực tiếp giảng dạy. Đây là hướng đào tạo chuyên sâu khác biệt mà ngành Văn hóa học theo đuổi trong nỗ lực lưu giữ, phổ biến, duy trì những giá trị của văn hóa truyền thống.
Nhà trường và khoa Lịch sử cũng liên tục cập nhật hệ thống giáo trình và các tạp chí chuyên ngành để phục vụ công tác đào tạo được sát thực và thuận lợi nhất. Bên cạnh các nội dung “cứng” về lý thuyết, các giảng viên sẽ liên tục cập nhật, đưa những thảo luận về các vấn đề của văn hóa trên thế giới và Việt Nam vào nội dung chương trình đào tạo như toàn cầu hóa văn hóa, công nghiệp văn hóa, bản sắc văn hóa...
Bản thân Văn hóa học là một khoa học có tính tổng hợp - liên ngành rất cao, nên sinh viên ngành Văn hóa học có thể đồng thời học thêm bằng kép các ngành trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn như Lịch sử, Văn học, Báo chí, Du lịch, Ngôn ngữ, Quốc tế học, Đông Phương học… hoặc với các ngành ngoài trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội như Kinh tế, Giáo dục, Luật, Ngoại ngữ…
Trong lộ trình xây dựng ngành Văn hóa học, năm 2014, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bắt đầu mở chương trình đào tạo Thạc sĩ Lịch sử Văn hóa Việt Nam; năm 2018 mở thêm chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý văn hóa. Chương trình Cử nhân Văn hóa học được đưa vào đào tạo từ năm học 2020-2021, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của ngành, mà nó là cơ sở hướng tới hoàn thiện tất cả các bậc đào tạo liên tục từ Cử nhân đến Thạc sĩ và Tiến sĩ Văn hóa học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực Trong một khảo sát gần đây về nhu cầu nhân lực cử nhân ngành Văn hóa học do USSH thực hiện trên 150 nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và sinh viên, phần lớn cho rằng các kiến thức, kỹ năng của Văn hóa học phù hợp với một loạt ngành nghề quan trọng mà Việt Nam đang cần. Trong đó, 93% người được hỏi cho rằng sinh viên theo học hoàn toàn có cơ hội việc làm ở các lĩnh vực gần gũi như quản lý văn hóa, bảo tàng, bảo tồn di sản, phát triển không gian di sản, nghệ thuật…. Trên 92% cho rằng báo chí, truyền thông có thể tuyển dụng nhân lực ngành này. Hơn 85% cho rằng các ngành du lịch, khách sạn, giáo dục có nhu cầu cao với những người hiểu biết sâu sắc về văn hóa và khoảng 65-70% cho biết nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến nghiên cứu văn hóa phù hợp với nhiều vị trí quản lý nhà nước, đối ngoại và lãnh đạo. |
|
Tác giả: TS. Nguyễn Hoài Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn