Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị Khách sạn tại USSH có gì đặc biệt?
Ngành Quản trị Khách sạn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã được kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, khẳng định chất lượng đào tạo và sự cam kết cung cấp nguồn nhân lực du lịch – khách sạn có trình độ cao cho xã hội.
TS. Nguyễn Ngọc Dung – Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh:
“Chúng tôi không đào tạo sinh viên ngành Quản trị Khách sạn chỉ để làm việc ở quầy lễ tân hay phục vụ trong khách sạn. Mục tiêu là trang bị cho các em tư duy quản trị, khả năng lãnh đạo, tổ chức và phát triển dịch vụ khách sạn trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số hiện nay.”
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị Khách sạn tại Khoa Du lịch học được thiết kế theo hướng tích hợp, cân bằng giữa lý thuyết – thực hành, giữa kiến thức chuyên ngành – kỹ năng quản trị hiện đại, với các nhóm học phần trọng tâm:
- Quản trị khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú
- Quản trị ẩm thực, dịch vụ tiệc và sự
- Kinh doanh dịch vụ khách sạn, xây dựng thương hiệu, quản lý trải nghiệm khách hàng
Đặc biệt, chương trình đào tạo của ngành chú trọng năng lực ngoại ngữ, công nghệ và đổi mới sáng tạo – những năng lực bắt buộc trong bối cảnh ngành dịch vụ khách sạn toàn cầu hóa, hướng tới tiêu chuẩn chất lượng cao và phát triển bền vững. Sinh viên được rèn luyện các kỹ năng trong phân tích dữ liệu dịch vụ, nghiên cứu hành vi khách hàng, quản lý vận hành khách sạn, đồng thời tiếp cận các mô hình khách sạn xanh, khách sạn thông minh – xu thế mới trong ngành lưu trú.
Chương trình đào tạo cũng nhấn mạnh yếu tố liên ngành, trang bị cho sinh viên kiến thức bổ trợ về quản trị kinh doanh, tâm lý học, khoa học quản lý… giúp sinh viên có năng lực phân tích sâu, khả năng thích ứng linh hoạt trong môi trường khách sạn có tính quốc tế và đa văn hóa.
Điểm xét tuyển
Ngành Quản trị Khách sạn cũng chứng kiến mức điểm tăng nhẹ, ổn định ở mức 25.71 - 28.26 điểm (tùy tổ hợp xét tuyển). Việc duy trì mức điểm cao không chỉ phản ánh sự quan tâm của thí sinh mà còn cho thấy uy tín của Khoa và Nhà trường trong bối cảnh nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành du lịch ngày một tăng khi Việt Nam đặt mục tiêu đón hơn 17 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.
Năm |
D01 |
A01 |
C00 |
D78 |
2022 |
25.15 |
24.75 |
- |
25.25 |
2023 |
25.5 |
25 |
- |
25.5 |
2024 |
25.71 |
25.46 |
28.26 |
26.38 |
Hoạt động thực tập, thực tế
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn được tham quan học tập tại các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước ngay từ năm đầu tiên. Đồng thời, sinh viên có cơ hội đi ra nước ngoài thông qua các chương trình trao đổi, thực tế tại Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Qua mỗi chuyến khảo sát, sinh viên có cơ hội trải nghiệm lưu trú tại các hệ thống khách sạn lớn, được học về quy trình tổ chức, vận hành, kinh doanh khách sạn, hiểu hơn về các vị trí công việc thực tế tại các cơ sở lưu trú.
Sinh viên Khoa Du lịch học, ngành Quản trị Khách sạn khảo sát tại Khách sạn Home2 - Suites by Hilton, Nam Ninh, Trung Quốc (2025)
Mạng lưới hợp tác quốc tế rộng mở
Khoa đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường uy tín như Đại học Toulouse Le Mirial (Pháp), Đại học Rikkyo (Nhật Bản), Đại học Khoa học Ứng dụng Munich (Đức), Đại học Quảng Tây, Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc),... thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, hội thảo quốc tế, dự án nghiên cứu chung. Đây là bước đệm quan trọng giúp sinh viên Du lịch học mở rộng tầm nhìn toàn cầu, rèn luyện ngoại ngữ và tăng năng lực hội nhập khi bước vào thị trường lao động.
Sinh viên Khoa Du lịch học thực hiện Chương trình Trao đổi Sinh viên hè với Đại học Rikkyo, Nhật Bản (2023)
Nhiều cựu sinh viên thành đạt của Khoa hiện nay đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới dịch vụ, du lịch, khách sạn và nhà hàng. như anh Âu Mạnh Quang – Founder chuỗi Homestay D Home, chị Trần Thanh Tâm – CEO Chez Minosa Group…
Với những mối liên kết, hợp tác đó, sinh viên ngành Quản trị khách sạn có nhiều cơ hội được lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm thực tế, cơ hội thực tập cũng như cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong và ngoài nước.
Cựu sinh viên thành công Khoa đồng hành cùng Khoa tại Tọa đàm “Du lịch và Đầu tư Xanh” trong khuôn khổ chương trình Chào mừng Ngày Du lịch Thế giới 27/9
Cơ hội việc làm rộng mở trong nhiều lĩnh vực
Theo TS. Nguyễn Ngọc Dung – Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước rất quan tâm về phát triển du lịch. Theo số liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện nay số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường được đào tạo về ngành du lịch chỉ có thể đáp ứng được 50% nhu cầu nguồn nhân lực của ngành, trong đó đã tính bộ phận các bạn tốt nghiệp trung cấp. Có thể nói rằng, du lịch đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực và có cơ hội việc làm tốt.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Khách sạn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn và quản lý tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, trung tâm sự kiện,... Một số vị trí phổ biến bao gồm:
- Nhân viên lễ tân, đặt phòng, chăm sóc khách hàng, buồng phòng, nhà hàng
- Trưởng ca, quản lý bộ phận lễ tân, buồng phòng, ẩm thực, sales khách sạn
- Quản lý vận hành khách sạn, trợ lý giám đốc, giám sát chất lượng dịch vụ
- Chuyên viên sales & marketing, tổ chức sự kiện (MICE), truyền thông – phát triển thương hiệu
Ngoài ra, với kiến thức về quản trị vận hành sinh viên tốt nghiệp có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, homestay, du lịch cộng đồng – đặc biệt tại các điểm đến du lịch ở các địa phương có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa.
Với chương trình đào tạo được thiết kế hiện đại, bám sát thực tiễn ngành nghề, sinh viên ngành Quản trị Khách sạn tại Khoa Du lịch học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được trang bị đầy đủ kiến thức quản trị, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ và công nghệ, cùng với tinh thần trách nhiệm và tư duy sáng tạo. Sinh viên có cơ hội tham gia thực tập, trải nghiệm làm việc tại các khách sạn 4–5 sao trong và ngoài nước. Đó chính là những hành trang vững chắc giúp các bạn sinh viên tự tin để theo đuổi ước mơ làm việc trong ngành lưu trú.