Trên thế giới, mỗi quốc gia, dân tộc luôn có con đường phát triển riêng, mang tính đặc thù. Con đường phát triển của các quốc gia, dân tộc vừa chịu sự chi phối của các nhân tố nội tại, vừa chịu sự tác động của bối cảnh khu vực và quốc tế. Hiểu về lịch sử phát triển của các dân tộc trên thế giới, nhất là các nước có mối liên hệ với Việt Nam, sẽ cung cấp hệ quy chiếu hữu ích để từ đó soi rọi và làm sáng tỏ hơn lịch sử, văn hoá Việt Nam, cũng như lý giải các vấn đề quốc tế đương đại. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hoá thế giới sẽ là một lợi thế cạnh tranh để có thể hoà nhập và làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế đa văn hoá.
GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Kim cùng giảng viên hướng chuyên ngành Lịch sử thế giới
Nền tảng truyền thống vững chắc
Lịch sử thế giới là một trong những chuyên ngành đầu tiên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội. Được khai mở bởi các nhà khoa học thuộc thế hệ khai sáng như Giáo sư, Viện sĩ Phạm Huy Thông, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu, chuyên ngành Lịch sử thế giới được tiếp nối, phát triển bởi các giảng viên là những sinh viên tốt nghiệp những khoá đầu tiên của Khoa Lịch sử, như: Vũ Dương Ninh, Trần Cự Khu, Tạ Đình Đồng, Tạ Văn Thành, Đặng Xuân Huy, Hoàng Bá Sách, Trần Xuân Cầu, Nguyễn Thị Bích, Phạm Việt Trung, Đỗ Văn Nhung, Hoàng Điệp....
Sau đó, đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên ngành Lịch sử thế giới liên tiếp được bổ sung từ nguồn giảng viên được đào tạo từ nước ngoài trở về, như: Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Nguyễn Công Sử, Hồ Gia Hường, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Lê Xuân Tùng, Nguyễn Quốc Hùng, Võ Mai Bạch Tuyết, Lê Khắc Thành, Nguyễn Ngọc Đào....và từ nguồn đào tạo uy tín trong nước, như: Đỗ Đình Hãng, Nguyễn Văn Ánh, Đặng Xuân Kháng, Chu Tiến Đức, Đinh Trung Kiên, Trần Văn La...
Hiện nay, đội ngũ cán bộ cơ hữu giảng dạy hướng chuyên ngành Lịch sử thế giới gồm 06 giảng viên là: GS.TS. NGUT. Nguyễn Văn Kim, PGS.TS. Phạm Văn Thuỷ, TS. Lý Tường Vân, TS. Trần Xuân Thanh, TS. Nguyễn Nhật Linh, ThS.NCS. Trần Văn Mạnh. Các giảng viên đều được đào tạo bài bản, hầu hết đã từng học tập, giảng dạy, trao đổi khoa học... ở các trung tâm học thuật lớn trên thế giới. Ngoài đội ngũ cán bộ cơ hữu, hướng chuyên ngành luôn nhận được sự hợp tác tích cực, hiệu quả của nhiều nhà giáo, nhà khoa học đang công tác tại các khoa thuộc Trường ĐHKHXN&NV, trường đại học, trung tâm đào tạo và nghiên cứu về lịch sử, quan hệ quốc tế trong và ngoài nước.
Chuyên ngành Lịch sử thế giới hiện được đào tạo ở cả ba cấp: Cử nhân (hướng chuyên ngành), Thạc sĩ và Tiến sĩ (hướng chuyên sâu). Trải qua quá trình gần 70 năm hình thành và phát triển, chuyên ngành Lịch sử thế giới đã và đang đào tạo gần 1000 cử nhân sử học, hơn 100 thạc sĩ và hơn 50 tiến sĩ, trong đó có một số sinh viên và học viên là người nước ngoài. Nhiều cán bộ giảng viên, học viên thuộc chuyên ngành Lịch sử thế giới đã đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng, phát triển các ngành, chuyên ngành mới thuộc Trường ĐHKHXH&NV, cũng như xây dựng và phát triển ngành Lịch sử thế giới, Quốc tế học, Quan hệ quốc tế, Đông Phương học, Nhật bản học, Đông Nam Á học... cho nhiều đơn vị đào tạo và nghiên cứu trên cả nước. Xuất phát từ hướng chuyên ngành Lịch sử thế giới thuộc Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, nhiều cán bộ giảng viên, sinh viên và học viên đã phát triển trở thành những nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành, uy tín, hay những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi, các chính khách được yêu mến của đất nước.

Hội thảo quốc tế “Bạch Đằng và Nhà Trần trong bối cảnh thế giới thế kỷ XIII” (Quảng Ninh, 22/12/2018)
Bên cạnh đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề, sinh viên, học viên theo học hướng chuyên ngành lịch sử thế giới còn được tiếp cận nguồn tài liệu giáo trình, bài giảng, công trình khoa học đồ sộ, phong phú là thành quả tâm sức của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên giảng dạy hướng chuyên ngành. Nhiều bộ giáo trình, bài giảng trở thành các học liệu chính thống, được sử dụng rộng rãi bởi nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên cả nước. Nhiều công trình khoa học do giảng viên giảng dạy chuyên ngành được nhận giải thưởng công trình khoa học và công nghệ tiêu biểu của Đại học quốc gia Hà Nội, công trình sử học xuất sắc của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nhiều giải thưởng danh giá khác. Hàng năm, các giảng viên giảng dạy hướng chuyên ngành đều tham gia tổ chức và trình bày tham luận tại nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học trong nước, quốc tế. Với phương châm hoạt động gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, các sinh viên, học viên theo hướng chuyên ngành Lịch sử thế giới luôn được tạo điều kiện để tham gia các sinh hoạt khoa học, các đề tài, dự án và xuất bản phẩm cùng với giảng viên giảng dạy hướng chuyên ngành.

Sinh viên chuyên ngành Lịch sử thế giới thực tập thực tế tại Lào, tháng 12/2019. Ảnh chụp tại Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng
Hướng giảng dạy và nghiên cứu trọng tâm:
Với phương châm giảng dạy và nghiên cứu lịch sử thế giới gắn với Việt Nam, đặt trong mối liên hệ và vì lợi ích của Việt Nam, trong những năm qua, hướng ngành Lịch sử thế giới không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhiều nội dung mới đã được đưa vào giảng dạy ở cả ba cấp Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Hiện tại, các giảng viên của hướng chuyên ngành đang tập trung phát triển ba hướng đào tào và nghiên cứu chính là:
- Thương mại biển và bang giao Á- Âu với kết quả bước đầu là sự ra đời của Nhóm nghiên cứu Thương mại châu Á - một trong 21 nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài một số thành viên chủ chốt của Khoa Lịch sử, Nhóm đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo những nhà nghiên cứu, học giả uy tín và chuyên gia về lịch sử thương mại Việt Nam và châu Á hiện đang công tác tác tại các trung tâm học thuật trên cả nước. Ngoài những hoạt động trao đổi chuyên môn định kỳ, Nhóm đã tổ chức nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế, xuất bản nhiều công trình ấn phẩm được đánh giá cao. Thành viên của Nhóm không ngừng được mở rộng, trong đó phần lớn là sinh viên, học viên đã tốt nghiệp từ hướng chuyên ngành Lịch sử thế giới.
- Mô hình và con đường phát triển của các quốc gia châu Á: Hướng đào tạo và nghiên cứu này tập trung đi vào phân tích, mô hình hoá các con đường phát triển trong lịch sử của các quốc gia châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, các quốc gia Đông Nam Á…); so sánh và lý giải những tương đồng và dị biệt của các mô hình đó với con đường phát triển của lịch sử Việt Nam.
- Lịch sử khoa học công nghệ: là hướng nghiên cứu khá mới nhưng đầy triển vọng phát triển. Sự phát triển mau chóng của khoa học công nghệ trong nền văn minh trí tuệ hiện nay và đặc biệt gần đây là sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu về khía cạnh lịch sử khoa học và công nghệ trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Trong những năm qua, đã có một số sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh bảo vệ xuất sắc Khoá luận, Luận văn, Luận án theo định hướng nghiên cứu mới này.
Ngoài ba hướng nghiên cứu chủ đạo trên, hướng ngành lịch sử thế giới luôn đón nhận và tạo điều kiện cho những hướng nghiên cứu mới và cũng hỗ trợ cho những nghiên cứu truyền thống phục vụ nhu cầu đào tạo, nghiên cứu của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Với bề dày truyền thống và tư duy không ngừng đổi mới, hướng ngành Lịch sử thế giới thuộc Khoa Lịch sử là địa chỉ tin cậy cho những ai đam mê khám phá những khía cạnh mới mẻ của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, phát triển chuyên môn, trình độ và sự nghiệp khoa học của mình.
Giảng viên, sinh viên chuyên ngành Lịch sử thế giới thực tập tại Móng Cái, Quảng Ninh, tháng 12/ 2019.
Triển vọng phát triển nghề nghiệp
Sinh viên, học viết tốt nghiệp hướng ngành Lịch sử thế giới có thể tự tin định hình sự nghiệp của mình trong môi trường khác nhau:
- Giáo dục & nghiên cứu: Trở thành giảng viên, nghiên cứu viên, nhà sử học tại các trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học...
- Truyền thông & xuất bản: Biên tập viên, nhà báo, phóng viên, nhà làm phim tài liệu lịch sử, người dẫn chương trình về lịch sử, văn hoá, chính trị quốc tế...
- Văn hoá & Di sản: Chuyên viên bảo tàng, quản lý di sản, tổ chức sự kiện văn hoá, chuyên gia tư vấn về lịch sử tại các tổ chức văn hoá, du lịch, hướng dẫn viên du lịch trong nước, quốc tế...
- Quan hệ quốc tế & Ngoại giao: Nhà phân tích chính trị, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, cán bộ ngoại giao, chuyên gia làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế...
- Thư viện & Lưu trữ: Chuyên gia thông tin, quản lý tài liệu, phục chế tài liệu lịch sử tại các bảo tàng, thư viên, trung tâm lưu trữ...
- Phân tích & Tư vấn: Làm việc trong các tổ chức tư vấn chính sách, phân tích rủi ro, hoặc các công ty cần chuyên gia hiểu biết sâu sắc về bối cảnh lịch sử và văn hoá để đưa ra quyết định chiến lược.
- Du học & Sau đại học: sinh viên tốt nghiệp hướng ngành lịch sử thế giới được giới thiệu học bổng và hỗ trợ các thủ tục để du học nước ngoài và phát triển chuyên môn ở bậc Sau đại học trong nước.
Tin bài liên quan:
Hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam: Khám phá chiều sâu quá khứ - Thấu hiểu hiện tại và định hình tương lai
Chuyên ngành Lịch sử đô thị - đón đầu xu thế, nắm bắt hiện tại, định hướng tương lai
Sinh viên 09 ngành KHCB của VNU-USSH tiếp tục được nhận Học bổng Thu hút tài năng
Tham khảo Thông tin tuyển sinh 2025 và điểm trúng tuyển hai năm 2023 – 2024
Thông báo tuyển sinh đại học chính quy các chương trình đào tạo thứ hai năm 2025
Hướng dẫn đăng ký hồ sơ xét tuyển đại học chính quy năm 2025
Thông báo điều kiện trúng tuyển và kết quả xét tuyển ĐHCQ năm 2025 theo Phương thức 301