Chuyên ngành này cho phép người học tìm hiểu cách thức bản sắc Việt Nam được hình thành bởi cả những động lực nội tại cũng như những ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài theo thời gian; giúp sinh viên hiểu được cách mà địa lý, văn hóa, quyền lực và con người đã định hình nên trải nghiệm Việt Nam, và tại sao câu chuyện Việt Nam lại thiết yếu cho việc hiểu biết về lịch sử Đông Nam Á và toàn cầu.
1. Chất lượng học thuật xuất sắc
Là một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu tại Việt Nam, Khoa Lịch sử tự hào sở hữu đội ngũ giảng viên xuất sắc, bao gồm các chuyên gia hàng đầu về lịch sử nói chung, lịch sử Việt Nam nói riêng. Hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam được hình thành ngay từ năm 1956 cùng thời điểm với Khoa Lịch sử và Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) với hai Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại. Hướng chuyên ngành được khai mở bởi các Giáo sư, các nhà Khoa học thuộc thế hệ Khai sáng như GS.NGND.AHLĐ Trần Văn Giàu, Giáo sư Đào Duy Anh, được phát triển thành trung tâm nghiên cứu lịch sử Việt Nam hàng đầu của quốc gia và vươn tầm quốc tế bởi thế hệ “Tứ trụ” Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng và các thế hệ tiếp nối cho đến nay. Từ đây, hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của Đại học Tổng hợp - Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội đã đào tạo và cống hiến cho đất nước nhiều nhà khoa học lớn đầu ngành, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các nhà quản lý của ngành, trung ương và thành phố, của Đại học Quốc gia cũng như Nhà trường. Như GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN; GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQGHN), nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN)…
Với gần tròn 70 năm phát triển, hướng chuyên ngành đã thực hiện công tác giảng dạy, hướng dẫn cho hàng trăm sinh viên trong cả nước, cũng như nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế. Nhiều chương trình, đề án nghiên cứu lớn của quốc gia, nhiều đề tài cấp nhà nước, nhiều dự án khoa học hợp tác quốc tế, các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế đã được triển khai và hoàn thành. Từ đây đã cho ra đời nhiều công trình khoa học lớn đạt các Giải thưởng Hồ Chí Minh (như các Giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng), Giải thưởng Nhà nước (như các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Đại Doãn), Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội (như GS. Hà Văn Tấn và PGS. Phạm Thị Tâm), các giải thưởng của Thành phố gồm Giải thưởng Bùi Xuân Phái và Công dân Thủ đô Ưu tú (như GS. Phan Huy Lê, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ), cùng các Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Phạm Thận Duật, Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm…

Các Giáo sư “Tứ trụ”: Đinh Xuân Lâm - Phan Huy Lê - Hà Văn Tấn - Trần Quốc Vượng cùng GS.AHLĐ Trần Văn Giàu và phu nhân. Ảnh: Lưu trữ Khoa Lịch sử
Các Giáo sư, Nhà Khoa học, Giảng viên, chuyên gia Lịch sử Việt Nam Cận - Hiện đại .Ảnh: Khoa Lịch sử
Đội ngũ giảng viên hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam hiện nay bao gồm 07 cán bộ cơ hữu, gồm 02 Phó Giáo sư, 04 Tiến sĩ và 01 Thạc sĩ đang là Nghiên cứu sinh. Đây đều là những nhà khoa học, nhà quản lý chuyên môn giàu kinh nghiệm, các chuyên gia đứng đầu cả nước về những lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của lịch sử Việt Nam, đã và đang đóng góp cho khoa học và giáo dục nước nhà bằng các định hướng học thuật tiên phong, các thành tựu nghiên cứu chất lượng và những cống hiến xã hội rộng lớn. Ngoài đội ngũ cán bộ cơ hữu, hướng chuyên ngành có mạng lưới sâu rộng các nhà giáo lão thành, các giảng viên, học giả thuộc các hướng chuyên ngành khác trong Khoa, các ngành khác trong Trường, các trường, viện nghiên cứu trong và ngoài Đại học Quốc gia, cũng như trong và ngoài nước.
Thầy Cô và Sinh viên QH-2021-X-LS (K66 Lịch sử) trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học, hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, ngày 02/6/2025. Ảnh: Bộ môn Lịch sử Việt Nam
2. Tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú
Sinh viên được hưởng lợi từ hệ thống tài liệu học tập, nghiên cứu, các sưu tập tư liệu quý hiếm, sách và tạp chí chuyên ngành của Phòng Thư viện Khoa, Trung tâm Thông tin Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa của Nhà trường, các Tủ sách Nishimura, Tủ sách Chất lượng cao.
Ngoài giảng đường, người học được hưởng lợi từ các hoạt động thực tập chuyên môn, các chuyến tham quan thực tế và hợp tác với các bảo tàng, viện nghiên cứu và mạng lưới nghiên cứu quốc tế của Nhà trường, Khoa và các Giảng viên, các nhà khoa học của hướng chuyên ngành. Từ nguồn lực hỗ trợ khoa học cơ bản của ngân sách Nhà nước cho đến các mạng lưới trong nước và nước ngoài của từng Giảng viên, tất cả đều dành hỗ trợ người học.
Giảng viên và Sinh viên khóa QH-2015-X-LS (K60 Lịch sử), hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam phỏng vấn nhân chứng lịch sử về chủ đề Chiến tranh Biên giới, Hà Giang, tháng 12/2017. Ảnh: Trương Thị Bích Hạnh
3. Môi trường học tập năng động
Bên cạnh các bài giảng, sinh viên còn tham gia các hội thảo, nghiên cứu thực địa, đào tạo viết học thuật và đối thoại liên ngành. Hàng năm, ngoài Hội nghị Khoa học Sinh viên, cũng như các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Khoa Lịch sử và Nhà trường, người học được hưởng không khí học thuật bằng việc gặp gỡ, trao đổi với các học giả trong nước và quốc tế. Khoa Lịch sử luôn là điểm đến của các chuyên gia chuyên ngành cũng như liên ngành trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt là hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
Hội thảo Khoa học “Nghiên cứu Vùng cao Việt Nam: Sử học và tiếp cận liên ngành”, ngày 30/12/2020. Ảnh: Đỗ Thị Thùy Lan
4. Các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy cốt lõi
- Sự hình thành nhà nước và chính quyền quân chủ (ví dụ: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Champa, Phù Nam)
- Mở rộng lãnh thổ và bản sắc
- Lịch sử kinh tế và đô thị hóa
- Lịch sử xã hội và những biến đổi xã hội nông thôn
- Tôn giáo, hệ thống tín ngưỡng và biến đổi văn hóa
- Chủ nghĩa thực dân, kháng chiến và cách mạng
- Chiến tranh, hòa bình và xây dựng đất nước hiện đại
- Lịch sử vùng cao và các tộc người: Từ Zomia đến vùng biên giới phía Bắc và Tây Nguyên
- Lịch sử môi trường và không gian
5. Kết quả học tập và kỹ năng
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Lịch sử, hướng chuyên ngành Lịch sử Việt Nam sẽ:
- Hiểu sâu sắc về sự phát triển lịch sử và sự phức tạp về văn hóa của Việt Nam.
- Phát triển các kỹ năng nghiên cứu lịch sử, phân tích nguồn tư liệu, tư duy phản biện và viết học thuật.
- Chuẩn bị cho sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu, công tác di sản và bảo tàng, báo chí, xuất bản, dịch vụ công, hoặc học tập nâng cao.
6. Cơ hội nghề nghiệp
Hướng chuyên ngành về Lịch sử Việt Nam mở ra nhiều con đường sự nghiệp đa dạng, bao gồm:
- Về học thuật và nghiên cứu: Đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức tư vấn
- Về giáo dục: Giảng dạy bậc trung học và đại học
- Về di sản văn hóa: Bảo tàng, lưu trữ, trung tâm văn hóa
- Về truyền thông và xuất bản: Biên tập, báo chí, phim tài liệu lịch sử
- Về chính sách công và hành chính: Cơ quan chính phủ, tư vấn lịch sử
- Về du lịch và phiên dịch: Du lịch văn hóa, quản lý di tích lịch sử