Từ Dân tộc học tới Nhân học
Ngành Nhân học tại Việt Nam có nền tảng từ ngành Dân tộc học ra đời từ những năm 1930 với những ảnh hưởng học thuật của nước Pháp. Trong những năm 1960-1980, nhiều trí thức trẻ người Việt Nam đã tốt nghiệp Tiến sĩ Dân tộc học ở Liên bang Xô-viết, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và ở trong nước, tạo nên một thế hệ các chuyên gia Dân tộc học nghiên cứu sâu rộng về các vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế và quan hệ tộc người ở Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu này đóng góp tích cực vào việc xác định thành phần 54 dân tộc ở Việt Nam, giúp Đảng và Nhà nước xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách về dân tộc, văn hóa và con người Việt Nam.
Trong bối cảnh Đổi Mới từ năm 1986, nhiều tri thức trẻ người Việt Nam được đào tạo Nhân học tại các trường đại học tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Từ đầu những năm 2000, Dân tộc học ở Việt Nam được chuyển đổi và phát triển thành ngành Nhân học theo mô hình ở các quốc gia Bắc Mỹ, Úc,… Nhân học ở Việt Nam không chỉ có khả năng hội nhập quốc tế mà còn tiếp tục đào tạo các nhà Nhân học có tri thức và kỹ năng chuyên nghiệp, am hiểu thực tiễn đất nước, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam, có đóng góp thiết thực cho công tác hoạch định, triển khai chính sách của Nhà nước và các tổ chức ở trong nước và nước ngoài.
|
Giải thích về bản chất của ngành Nhân học, Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (Trưởng khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) nhấn mạnh rằng, đây là một ngành khoa học nghiên cứu toàn diện về con người. Tiếp cận toàn diện của Nhân học trong nghiên cứu về con người thể hiện rõ nhất ở chỗ các nhà nhân học nhìn nhận con người trong mối quan hệ giữa chiều cạnh sinh học với các chiều cạnh sinh thái, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, pháp luật, sức khỏe; ở các không gian địa lý khác nhau và trong một khung thời gian từ tổ tiên con người hàng triệu năm về trước cho tới hôm nay. |
Nhân học hiện nay chia 5 phân ngành gồm: Nhân chủng học, Nhân học văn hóa, Nhân học ngôn ngữ, Nhân học khảo cổ, Nhân học ứng dụng. Trong đó, Nhân chủng học lý giải nguồn gốc sinh học của con người, sự phát triển mang tính tiến hóa và sự đa dạng gen của loài người. Nhân học văn hóa tìm hiểu về các xã hội con người thông qua mô tả dân tộc học. Nhân học ngôn ngữ quan tâm đến bản chất của ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ của con người. Nhân học khảo cổ, hay khảo cổ học giải mã các xã hội trong quá khứ. Nhân học ứng dụng hàm ý việc các nhà nhân học ứng dụng các tiếp cận, phương pháp luận và tri thức nhân học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn xã hội.
Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Nhân học hàng đầu đất nước
Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV có đội ngũ giảng viên có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở các trường đại học danh tiếng ở Việt Nam và một số nước Âu - Mỹ như Đại học Quốc gia Australia (Úc), Đại học Amsterdam (Hà Lan), Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), Đại học Colorado, Đại học Harvard (Mỹ), Trường Cao học Xã hội (Pháp) ... Với một đội ngũ cán bộ có chuyên môn đa dạng, có khả năng ngoại ngữ tốt, dày dạn kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, các giảng viên của Khoa Nhân học luôn đi tiên phong và dấn thân nghiên cứu nhiều vấn đề có tính khoa học, liên ngành và thực tiễn cao của xã hội và đất nước, như các vấn đề đất đai, sinh kế, tộc người, văn hóa tộc người, quan hệ tộc người, chính sách dân tộc, các quan hệ xuyên biên giới, gia đình, dòng họ, giới và văn hóa, lao động, di dân, đô thị hóa, di sản văn hóa, biến đổi khí hậu, chữ viết, tôn giáo, tín ngưỡng, ...
Trong mười năm qua, đội ngũ giảng viên của Khoa đảm nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học lớn, triển khai nhiều dự án nghiên cứu do các tổ chức quốc tế tài trợ, thường xuyên có các hoạt động trao đổi, hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các nhà khoa học quốc tế.
Khoa Nhân học luôn dẫn đầu về công bố các công trình khoa học có chất lượng cao bằng tiếng Anh, Pháp ở các tạp chí và các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới. Thống kê của Nhà trường cho thấy đội ngũ giảng viên của Khoa có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất toàn trường. Thành tích này thể hiện rõ năng lực nghiên cứu khoa học ở tầm khu vực và quốc tế của đội ngũ giảng viên Khoa Nhân học, được đồng nghiệp, Nhà trường và xã hội ghi nhận.
Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, Khoa Nhân học còn có sự tham gia giảng dạy đầy trách nhiệm và tâm huyết của các nhà Nhân học có trình độ chuyên môn tốt đang công tác ở Viện Dân tộc học, Bảo tàng Dân tộc học, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.
PGS. Lâm Minh Châu, Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành thành viên Hội đồng Biên tập (Editorial Board) của PoLAR - Tạp chí Nhân học Chính trị và Pháp luật của Hội Nhân học Chính trị và Pháp luật, Mỹ.
Kết quả nghiên cứu khoa học được đội ngũ giảng viên của Khoa áp dụng vào các bài giảng, các seminar khoa học để đào tạo, hướng dẫn các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa, đồng thời sử dụng tri thức Nhân học để tư vấn cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế giải quyết các vấn đề của thực tiễn xã hội ở nhiều địa bàn trên cả nước, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao.
Hội nhập quốc tế về Chương trình đào tạo
Khoa Nhân học, trường ĐHKHXH&NV cũng là trung tâm đào tạo Nhân học duy nhất ở Việt Nam có hệ thống chương trình đào tạo liên thông từ bậc Cử nhân đến Thạc sĩ và Tiến sĩ. Cả ba chương trình đào tạo Nhân học (Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ) đều có tính quốc tế cao, nhờ tham khảo mô hình đào tạo Nhân học của các trường đại học tiên tiến ở Mỹ, Canada, Úc. Nhờ đó, sinh viên ngành Nhân học được học nhiều môn học tương thích với chương trình đào tạo ở các đại học của các nước phát triển. Đội ngũ giảng viên của Khoa áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại, như giảng dạy theo hình thức seminar, giảng dạy theo dự án (project based learning), học nhóm, thảo luận nhóm, ... Nhiều môn học trong chương trình Cử nhân của Khoa đã tham khảo những tri thức hiện đại nhất trong các cuốn sách giáo trình của các trường đại học tiến tiến trên thế giới.
Với phương châm giảng dạy đặt sinh viên ở vị trí trung tâm, Khoa luôn hỗ trợ sinh viên phát triển tư duy, thực hành theo năng lực và đam mê. Trong một môi trường học thuật năng động, cởi mở, sáng tạo, sinh viên của Khoa Nhân học được học tập một cách toàn diện: từ kiến thức cơ bản trên giảng đường đến những trải nghiệm, thực hành nghiên cứu trên thực địa, tham gia các hoạt động ngoại khóa ở bảo tàng, các tổ chức NGO, và giao lưu với sinh viên và các nhà khoa học quốc tế.
Cơ hội học tập và làm việc trong môi trường quốc tế.
Sinh viên Nhân học có nhiều cơ hội giao lưu và học hỏi các nhà khoa học và tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế. Trong năm học 2018-2019, sinh viên Phạm Thị Kim Tâm (năm thứ 4) của Khoa đã tham gia nghiên cứu dự án các giống lúa bản địa ở tỉnh Lào Cai do các nhà khoa học Pháp triển khai. Sinh viên Phùng Mạnh Cường tham gia dự án nghiên cứu về việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Cả hai sinh viên đều được thụ hưởng kinh phí tài trợ của các dự án và đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoá luận tốt nghiệp với chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, mạng lưới hợp tác quốc tế của Khoa Nhân học mang lại cho sinh viên những cơ hội học bổng du học ở nước ngoài. “Khoa Nhân học đã và đang triển khai các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên với Khoa Nhân học của Đại học Toronto (Canada), Viện Nhân học của Đại học Gottingen (Đức), Khoa Nhân học của Đại học Uppsala (Thụy Điển)... Thông qua các chương trình trao đổi này, những sinh viên ưu tú của Khoa có cơ hội được đi du học và từ đó tìm kiếm các cơ hội học bổng và nghề nghiệp trong môi trường quốc tế. Ví dụ, năm 2017 và năm 2018, Khoa Nhân học có 3 sinh viên và 1 giảng viên sang Đại học Gottingen (Đức). Năm 2019, có 2 sinh viên và 1 giảng viên Khoa sang Đại học Uppsala (Thuỵ Điển)” - PGS.TS Nguyễn Văn Sửu thông tin.
Phương châm đào tạo mang lại cho các nhà Nhân học tương lai những tri thức sâu rộng, kỹ năng nghề nghiệp có tính hệ thống giúp cho người học tiếp cận được những cơ hội nghề nghiệp rộng mở và đa dạng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Nhân học đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức liên quan đến con người, văn hóa và phát triển ở trong nước và nước ngoài. Một minh chứng rõ ràng là ngay tại Hà Nội, hàng tuần đều có thông báo tuyển dụng của các tổ chức quốc tế cho nhiều vị trí công tác phù hợp với chuyên môn và kỹ năng của các cử nhân ngành Nhân học. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sửu, thực tế này xuất phát từ chỗ: “Các chương trình, dự án phát triển, các dự án về di sản văn hóa ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, đều có sự đóng góp của các nhà Nhân học theo cách sử dụng tri thức, phương pháp và cách tiếp cận của Nhân học để tư vấn cho việc xây dựng và thực thi các chương trình, dự án phát triển phù hợp với văn hóa, lối sống của người địa phương. Đây là cơ hội tốt cho sinh viên tốt nghiệp ngành Nhân học”.
1. Tên ngành: Nhân học
2. Mã ngành: QHX11
3. Đơn vị đào tạo: Khoa Nhân học
4. Chỉ tiêu 2022: 45
5. Khối thi: A01, C00, D01, D04, D78, D83
|
Các tin liên quan:
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/sinh-vien/nghien-cuu-nhan-hoc-la-tinh-yeu-toi-da-chon-21014.html
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/dao-tao/hay-den-hoc-tap-va-nghien-cuu-tai-khoa-nhan-hoc-truong-dhkhxh-nv-dhqg-ha-noi-21007.html
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/hop-tac-phat-trien/co-hoi-nhan-hoc-bong-img-tri-gia-len-den-1-ty-dong-cho-giang-vien-va-sinh-vien-cua-dhqghn-21507.html
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/thong-bao/di-cu-doi-ngheo-va-phat-trien-mot-chuyen-khao-moi-cua-pgs-ts-nguyen-van-chinh-21431.html
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/khoa-hoc/pgs-lam-minh-chau-khoa-nhan-hoc-tham-gia-hoi-dong-bien-tap-polar-tap-chi-nhan-hoc-chinh-tri-va-phap-luat-my-21335.html
https://tuyensinh.ussh.edu.vn/truong-dai-hoc-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-thong-bao-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-nam-2022.html