Phát biểu tại buổi bế mạc Khóa tập huấn vào ngày 13/12/2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Nguyễn Mạnh Đông gửi lời cảm ơn các giảng viên đứng lớp - những người đã tận tâm truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm quý báu và tạo nên môi trường học tập năng động, hiệu quả của Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông phát biểu tại buổi lễ bế mạc khoá tập huấn. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Đông chia sẻ mong muốn, qua Khóa tập huấn, mỗi học viên sẽ là những sứ giả đích thực trong truyền bá tình yêu tiếng Việt đến với mỗi kiều bào, gia đình và cộng đồng; đồng thời giúp các thầy cô mở rộng hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để các thầy cô cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu và niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước; là nguồn cảm hứng quý giá không chỉ giúp thầy cô truyền tải kiến thức ngôn ngữ mà còn cả tinh thần dân tộc đến với các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
"Với những kiến thức và kỹ năng mà các thầy cô đã lĩnh hội được trong Khóa tập huấn này, tôi tin tưởng, thầy cô sẽ áp dụng thành công vào thực tiễn giảng dạy. Những lớp học tiếng Việt sẽ không chỉ là nơi học chữ, mà còn là nơi khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim các thế hệ kiều bào trẻ", ông Nguyễn Mạnh Đông bày tỏ.
Cô Hoàng Thị Lai chia sẻ cảm xúc sau khi tham dự Khóa tập huấn. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)
Chia sẻ cảm xúc sau khi kết thúc Khóa tập huấn, cô Hoàng Thị Lai (Kiều bào Thái Lan) cho biết, cô sinh ra và lớn lên tại Thái Lan nhưng luôn dành nhiều tình cảm và mong muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc, nhất là ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt. Từ sau khóa tập huấn, khi trở về Thái Lan, cô Hoàng Thị Lai sẽ phối hợp với các cộng đồng người Việt tại Thái Lan để thành lập các lớp học, cơ sở dạy và học tiếng để lan tỏa tiếng Việt trong mỗi gia đình. Cô Lai mong muốn, thông qua lớp học này, các thế hệ kiều bào sinh ra và lớn lên tại Thái Lan sẽ thêm yêu, thêm gắn kết với Tổ quốc qua ngôn ngữ mẹ đẻ.
Qua 2 tuần tập huấn, thầy Duoangluxeay Douan Oupatham, giáo viên Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du cho biết đã học hỏi được rất nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích, nâng cao chất lượng bài giảng tiếng Việt khi trở về Lào công tác. Thầy Duoangluxeay Douan Oupatham mong muốn, qua từng tiết học, các em học sinh không chỉ biết đọc, nói, viết tiếng Việt mà còn hiểu về lịch sử, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào; gìn giữ và vun đắp mối tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Lào - Việt Nam.
Các học viên nhận chứng nhận tham gia Khóa tập huấn. (Ảnh: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thường niên, nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng. Khóa tập huấn lần thứ 12 năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Năm nay, khóa tập huấn được tổ chức từ ngày 01 - 13/12/2024 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, thu hút sự tham gia học tập trực tiếp tại Việt Nam của hơn 40 giáo viên kiều bào từ 09 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là các thầy cô giáo có tâm nguyện trao truyền các giá trị văn hóa, giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt cho con cháu và nhiều thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Với trách nhiệm, sứ mệnh của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã triển khai nhiều dự án nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc. Khóa tập huấn Giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 được thiết kế bằng uy tín truyền thống của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, bằng kinh nghiệm sư phạm, lòng đam mê nghề nghiệp của các giảng viên và tinh thần hợp tác chân thành với mục tiêu cao nhất là: biến những bài học thành công cụ của nhà thực hành, bồi đắp lòng yêu mến tiếng Việt và niềm tin vào giá trị trường tồn của tiếng Việt đối với kiều bào xa xứ đang có mặt tại khoá học.
Điểm mới của khoá đào tạo là lần đầu tiên, chương trình đào tạo được thiết kế với 2/3 nội dung là các tình huống thực hành sư phạm. Theo đó, các thầy cô không chỉ được trang bị các phương pháp dạy tiếng Việt hiệu quả cho người nước ngoài, dự tiết học tiếng Việt tại trường tiểu học; thực hành kĩ năng giảng dạy, mà còn được trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hoá, lịch sử Việt Nam cũng như sự giàu đẹp trong ngôn ngữ dân tộc thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử của Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh.
Các học viên học tập và tham quan Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN