VNU-USSH: Thay đổi theo định hướng sáng tạo và đổi mới để phát triển Nhà trường

Chủ nhật - 24/09/2023 03:00
USSH Media xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu khai mạc của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tại Lễ Khai giảng năm học mới 2023 - 2024 được tổ chức trang trọng vào sáng ngày 24/9/2023.
Kính thưa quý vị đại biểu, Nguyên lãnh đạo Nhà trường, Quý thầy cô, các em học sinh và sinh viên thân mến!
Trong niềm vui ngày khai trường năm học 2023-2024, cho phép tôi thay mặt Đảng ủy - Ban Giám hiệu gửi đến Quý vị đại biểu - khách quý, Quý cô giáo và thầy giáo, các bạn nữ sinh và nam sinh…lời kính chúc sức khỏe và hạnh phúc; năm học mới với nhiều thành công để cùng nhau kiến tạo tương lai, chung tay xây đắp vị thế và đưa danh tiếng của Trường ĐHKHXH&NV lên một tầm cao mới!
Kính thưa Quý vị!
Thầy và trò Nhà trường bước vào năm học mới với rất nhiều niềm vui về những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, đó là: sự ổn định và không khí đoàn kết lan tỏa; cơ cấu tổ chức được kiện toàn đồng bộ; đội ngũ cán bộ tiếp tục phát triển; tuyển sinh các hệ đều đạt và vượt chỉ tiêu, trong đó tuyển sinh quốc tế đặc biệt mở rộng; đại bộ phận các chương trình đào tạo đại học đã được kiểm định chất lượng để hướng tới các chiến lược phát triển mới; các chương trình sau đại học tiếp tục được điều chỉnh theo hướng vừa tích hợp - vừa xây mới để thích ứng với nhu cầu nhân lực và xu hướng phát triển của khoa học trong nước cũng như quốc tế; các nhiệm vụ khoa học trọng tâm tiếp tục được triển khai và đầu tư mạnh mẽ; hợp tác quốc tế rộng mở và thực chất, liên kết đối tác để gia tăng nguồn học bổng và hỗ trợ học tập cho sinh viên tiếp tục tăng; nguồn thu của Nhà trường tăng trưởng tốt đẹp và thu nhập bình quân của cán bộ tiếp tục tăng; pháp chế của Nhà trường hài hòa giữa tính nguyên tắc cao với nét nhân văn và tinh thần dân chủ; cơ sở vật chất phục vụ dạy – học và nghiên cứu được cải thiện mạnh, không gian tự học của sinh viên tăng hơn 4 lần và không gian tự nghiên cứu của cán bộ sẽ sớm được đưa vào sử dụng…
Và, trên tất cả: chỉ một tháng sau khi 1,600 tân cử nhân nhận bằng và tốt nghiệp, Nhà trường đã hân hoan chào đón 2.018 tân sinh viên Khóa 68! Đây là năm đầu tiên chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy chạm ngưỡng 2.000 sinh viên/năm; và tổng số người học ở tất cả các bậc (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ và trao đổi quốc tế) tại Nhà trường đạt đến ngưỡng 1 vạn người! Xin được nồng nhiệt chúc mừng về những con số ấn tượng!
Quý cô giáo và thầy giáo kính mến!
Ngày khai trường năm ngoái, cũng tại sân trường đầy nắng thu vàng, tôi đã thưa với thầy cô về sự đối diện với một thế giới đầy biến động và đang biến đổi rất nhanh; về một nền giáo dục đại học trong và ngoài nước cũng đang thay đổi hằng ngày. Tôi cũng đã thưa rằng: sự thay đổi đó vừa tạo ra “thế” và “lực” mới cho khoa học xã hội và nhân văn, nhưng cũng đặt ra những thách thức vô cùng lớn, thậm chí là nghiệt ngã, nếu mỗi cơ sở giáo dục đại học không tự-thay-đổi để thích ứng sẽ khó có thể tồn tại, chưa nói đến phát triển.
Thay đổi là một thuộc tính rất tự nhiên của vạn vật; thay đổi theo hướng sáng tạo và đổi mới phải trở thành một thuộc tính tự nhiên của người làm giáo dục. Thay đổi để mỗi cá nhân chúng ta không bị đào thải ngay trong chính lĩnh vực công tác của mình, để tập thể Nhà trường không tụt hậu trong hành trình đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam. Thay đổi một cách sáng tạo và đổi mới trước hết mang lại quyền lợi cho chính mỗi cá nhân chúng ta; đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng sẽ tiếp nhận nhân lực do chúng ta đào tạo, với phụ huynh đã tin gửi con em họ vào học tập tại nhà trường, với sinh viên đã lựa chọn Nhân văn làm điểm xuất phát cho một tương lai nghề nghiệp của các em còn rất lâu dài ở phía trước…
Và, nghĩ rộng hơn, thay đổi để không hổ thẹn với tiền nhân - các thế hệ cán bộ và sinh viên đi trước - đã không quản khó khăn, thậm chí đã hy sinh xương máu trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, để tạo dựng nên cơ đồ Văn khoa – Tổng hợp – Nhân văn mà chúng ta đang được thừa hưởng hôm nay. Vì vậy, tôi kêu gọi toàn thể giảng viên và viên chức Nhà trường hãy mạnh mẽ và thường xuyên thay đổi theo hướng sáng tạo và đổi mới, từ hoạt động giảng dạy đến công tác hành chính, nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người học và cho chính chúng ta!
GS.TS Hoàng Anh Tuấn kêu gọi toàn thể giảng viên và viên chức Nhà trường hãy mạnh mẽ và thường xuyên thay đổi theo hướng sáng tạo và đổi mới nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người học và cho chính cán bộ, giảng viên
 
Các em sinh viên thân mến!
Các em đều đã biết: ngày 10/10/1945, tức là chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề khó khăn của đất nước, Bác Hồ đã ký sắc lệnh thành lập Đại học Văn khoa, tiền thân của Trường ĐHKHXH&NV của chúng ta ngày hôm nay.
Nhiều em chắc đã đọc và còn nhớ một lời khuyên của Bác Hồ từ năm 1961, khi Bác căn dặn: “Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”.
Hiện nay, chúng ta đều hiểu và nói với nhau hàng ngày về yêu cầu học tập suốt đời, về các xã hội học tập như là xu hướng không thể khác. Ngẫm lại lời dạy của Bác Hồ hơn 60 năm về trước, rất giản dị mà thật sâu sắc, thể hiện trí tuệ và tầm nhìn vượt thời gian về xu hướng học tập suốt đời.
Các em có biết, từ năm 2016, bản báo cáo “Tương lai nghề nghiệp” (The Future of Jobs) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính rằng: “Đối với thế hệ học sinh bắt đầu vào tiểu học hôm nay, 65% khi đi làm sẽ làm những việc cho đến nay còn chưa hiện hữu”.
Thực tế biến động của xu hướng việc làm khoảng 10 năm trở lại đây cho thấy nhận định trên hoàn toàn không hề là cường điệu; nhiều nghề nghiệp phổ biến hơn 10 năm trước đến nay không còn nữa; nhiều công việc hoàn toàn mới đã ra đời và nhanh chóng phổ biến trong 5 năm vừa qua!
Nhưng, thật ngạc nhiên, dù hoàn toàn không hề khó hiểu, khi người ta nhận thấy lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có những lợi thế nổi bật trong xã hội 4.0 nhờ đặc tính linh hoạt trong việc phát triển đào tạo liên ngành và xuyên lĩnh vực. TS. Allan Goodman, Chủ tịch Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho rằng những công nghệ có khả năng biến đổi xã hội ở quy mô lớn sẽ là những thứ cần có nền tảng đạo đức mạnh mẽ nhất, rằng các phán quyết dựa trên luân lý và đạo đức có thể mang tính cách mạng trong thời đại 4.0. Theo đó, bên cạnh các kiến thức khoa học-công nghệ (STEM), người ta phải nói đến vai trò tối quan trọng của triết học, đạo đức và tri thức nhân văn, nghệ thuật; nhân lực cho thị trường lao động 4.0 cần nhiều hơn kiến thức chuyên ngành đơn lẻ; người học cần được trang bị kiến thức đa ngành, xuyên lĩnh vực, tư duy tích cực, kỹ năng tổng hợp…
Các em thân mến! Thầy-cô nhận thức rất rõ về xu hướng giáo dục cũng như tương lai nghề nghiệp nên luôn đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đem đến cho các em một chương trình đào tạo tốt đẹp nhất. Ở ngôi trường Nhân văn, các em sẽ được học tập chuyên sâu nhưng cũng đầy tính liên ngành và hội nhập, được trải nghiệm môi trường học thuật hàn lâm nhưng cũng đậm chất hiện đại và nhân văn, sinh hoạt trong các câu lạc bộ chuyên môn nhưng cũng thật vui nhộn và cả tính trendy… Chúc các em một khóa học hiệu quả, thành công, và sẽ không bao giờ quên về một thời thanh xuân tuyệt vời dưới mái trường Nhân văn yêu dấu!

Kính thưa quý vị đại biểu, quý cô-quý thầy, các em sinh viên!
Nhân dịp khai trường năm học 2023-2024, tôi xin thay mặt tập thể viên chức, người lao động và sinh viên toàn trường gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội luôn sát sao chỉ đạo và ủng hộ nhiệt thành; các cơ quan trung ương và địa phương, các đối tác quốc tế - trong nước, các nhà hảo tâm và các thế hệ cựu sinh viên Đại học Tổng hợp – Nhân văn đã luôn đồng hành, ủng hộ để Nhà trường phát triển.
Trong bối cảnh giáo dục đại học đang đối diện nhiều thách thức và Nhà trường đang quyết tâm đổi mới toàn diện để thích ứng với xu thế tự chủ đại học đang đến gần, rất mong lãnh đạo cấp trên quan tâm chỉ đạo, các đối tác tiếp tục đồng hành, các nhà hảo tâm và các thế hệ cựu sinh viên gia tăng ủng hộ, thầy cô và sinh viên thêm đoàn kết, hướng tâm, chung sức, đồng lòng phát triển Nhà trường thành đơn vị đào tạo theo phương châm “Hàn lâm làm nền tảng - Hiện đại là xu hướng”.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai giảng năm học 2023-2024!
Kính chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công tới toàn thế quý vị!
Xin trân trọng cảm ơn!
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh trống khai giảng năm học mới 2023 - 2024

Tác giả: GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây