Ngôn ngữ
Toàn cảnh Hội thảo
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của học sinh và phụ huynh. Xu hướng sử dụng công nghệ, cụ thể là các nền tảng trực tuyến, trong môi trường giáo dục tăng lên đáng kể. Ngành Công nghệ giáo dục (edtech) có sự phát triển bùng nổ và nhu cầu cho các giải pháp học trực tuyến cũng tăng vọt. Theo một khảo sát của Comscore, từ tháng 1 tới tháng 2/2020, số lượt xem hàng tháng của các trang web giáo dục đã tăng hơn gấp đôi (103%), và tăng gần gấp 3 (292%) với các trang web về giáo dục dành cho trẻ em và phụ huynh.
Các vị khách mời tham gia Hội thảo
Cùng với những thay đổi trong thói quen dạy và học, kỳ vọng về quá trình hiện đại hoá và công nghệ hoá trong ngành giáo dục của phụ huynh và học sinh cũng ngày một tăng. Khảo sát HolonIQ 2020 thực hiện vào tháng 3/2020 cho thấy việc sử dụng nhiều công nghệ mới là một trong những chiến thuật phát triển phổ biến nhất cho các doanh nghiệp giáo dục sau giai đoạn COVID (trừ mô hình nhà trẻ). Điều này được đánh giá quan trọng hơn cả một số yếu tố cốt lõi trước đây, như đầu tư vào sản phẩm mới, thị trường, hay phương thức hoạt động.
Bà Nguyễn Thu Thủy - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo
Tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng CNTT hay số hóa trong giáo dục đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Bà Nguyễn Thu Thủy (quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định: “Không thể phủ nhận rằng ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch cũng chính là động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn ngành”. Bà cũng dẫn chứng: chỉ trong thời gian rất ngắn, chúng ta đã chứng kiến các cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp từ đại học đến tiểu học đều đã chủ động và ứng dụng công nghệ số một cách linh hoạt. Đó có thể là việc thay thế lớp học truyền thống bằng các công cụ livestream; có thể là giao bài về nhà trên các nền tảng giáo dục trực tuyến. Hầu hết các trường học đều duy trì dạy và học online toàn phần hoặc bán phần trong giai đoạn giãn cách xã hội. Do đó, có thể khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ bước đầu đã có những kết quả khả quan, giúp cho các cán bộ ngành giáo dục có thể trao đổi, làm việc, hợp tác một cách thông suốt, đồng thời việc học tập của học sinh sinh viên ít bị gián đoạn. Theo tôi, đây là những bước đi tích cực mà chúng ta cần phải phát huy hơn nữa trong thời gian tới”.
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại Hội thảo
Khẳng định vai trò quan trọng của CNTT trong giáo dục, GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ: “Trong bối cảnh đại dịch vẫn còn tiếp diễn, công nghệ chính là chìa khóa giúp các đơn vị giáo dục vượt qua khó khăn và phát triển lâu dài”. Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị sớm nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ và triển khai một loạt các hoạt động nghiên cứu, tư vấn: xây dựng Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội; tổ chức nhiều hội thảo về các vấn đề nóng như Phát ngôn gây thù ghét; tư vấn cho Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… Nhà trường cũng đã chủ động thay đổi hình thức dạy và học, kết hợp giữa hình thức Online và cả hình thức Blended learning. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Facebook, Trường ĐHKHXHNV đã đưa học phần “Năng lực số” - “Digital Literacy” vào chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý thông tin. Tháng 12 năm ngoài, đoàn cán bộ của Trường đã được mời sang trụ sở của Facebook tại Singapore để tham dự khóa tập huấn về các kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Đó là hoạt động khởi đầu cho dự án hợp tác sâu giữa hai bên nhằm phổ biến kiến thức về “năng lực số” trong các trường đại học ở Việt Nam trong năm 2020.
Bà Nguyễn Phương Chi - Quản lý Chính sách công thị trường Việt Nam, Facebook
Số hóa giáo dục nhìn từ góc độ truyền thông, ThS. Khoa Anh Việt (Giám đốc Trung tâm CNTT - Truyền thông và Học liệu, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm của Trường Đại học Ngoại ngữ trong việc triển khai công tác truyền thông theo định hướng thích nghi với xu hướng số hóa. Theo đó, về nội dung, Nhà trường tập trung sản xuất nhiều sản phẩm có các nội dung, chủ đề thu hút người trẻ vốn là đội ngũ tiếp cận nhanh nhất xu hướng số hóa. Về hình thức, các sản phẩm được làm theo dạng dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp cận, vui vẻ hay “bắt trend” để lôi cuốn người xem như video nhiều hình ảnh, âm thanh hoặc infographic ... Hiện nay, Trường Đại học Ngoại ngữ có nhiều kênh truyền thông trực tuyến như: website, fanpage, youtube, nhóm facebook cán bộ, email, kênh zalo/viber cán bộ,…
ThS. Khoa Anh Việt (giữa) và ông Phạm Giang Linh (bên phải) là hai khách mời của Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích nghi với xu hướng số hóa trong giáo dục từ góc độ của trường đại học và doanh nghiệp giáo dục
Trong vài năm gần đây, đặc biệt là trong năm nay với sự xuất hiện của dịch Covid-19, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh từ cấp THCS đến đại học theo hình thức trực tuyến bằng cách livestream tại trường quay hoặc qua zoom. “Mặc dù vẫn cần cải thiện thêm nhưng các sự kiện đã nhận được lượng tương tác rất tốt nên tôi nghĩ hình thức này cũng giúp ích nhiều cho công tác truyền thông tuyển sinh. Nhìn chung, tôi phải khẳng định rằng nếu chỉ có truyền thông trực tiếp truyền thống, hình ảnh thương hiệu của ULIS sẽ không thể được như hiện nay. Do đó, trong xu thế số hóa hiện nay, các trường đại học nên chú trọng đến vấn đề truyền thông trực tuyến”.
Bà Nguyễn Phương Chi tặng hoa cho GS Hiệu trưởng Phạm Quang Minh và bà Nguyễn Thu Thủy
Ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông với gần 4 triệu thành viên tham gia - chia sẻ về kinh nghiệm tận dụng lợi thế của nền tảng trực tuyến trong việc giới thiệu các sản phẩm giáo dục: Hiện tại, HOCMAI có hệ thống Fanpage cho học sinh và phụ huynh, có từ 1 đên 1,2 triệu người theo dõi cùng nhiều Fanpage khác dành cho các mục tiêu khác. HOCMAI đã tận dụng các kênh này để giới thiệu các khóa học miễn phí cho học sinh trong thời gian các em không đến trường, đồng thời kết nối với các trường đại học để hỗ trợ giới thiệu thông tin về các trường đến học sinh.
Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Ông Nguyễn Nhật Minh - Quản lý chiến lược kinh doanh của tập đoàn Facebook khuyên các cơ sở giáo dục tại Việt Nam nên nhìn xu thế chuyển đổi số như là một chiến lược dài hạn thay vì ngắn hạn. Ông Minh cho rằng cần đầu tư xây dựng nội dung khóa học trực tuyến sao cho chất lượng, bài bản, đem lại các giá trị cốt lõi cho người học. Đó là xây dựng nền tảng từ nội dung còn hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng chỉ là cách thức đề truyền tải và làm sao phải chứng minh được giá trị của khóa học đó giúp cho khách hàng có thêm kiến thức như thế nào và trở thành người như thế nào.
Đội ngũ kỹ thuật làm việc tại Hội thảo để phục vụ hơn 800 cá nhân là các cán bộ công tác tại các trường đại học và cơ sở giáo dục trong cả nước dự hội thảo qua phần mềm Zoom meetings
Chia sẻ về những hoạt động của Facebook nhằm hỗ trợ phát triển số hoá giáo dục tại Việt Nam, ông Nguyễn Tường Huy, Giám đốc quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường Việt Nam tại Facebook cam kết: “Với hệ sinh thái các ứng dụng đa dạng, Facebook rất vinh dự khi được đóng góp vào việc hỗ trợ giáo dục và có cơ hội được đem đến những giải pháp công nghệ giúp nhà trường thích ứng với sự thay đổi ngành giáo dục giai đoạn trong và sau COVID. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà trường để cùng nhau xây dựng nên những chiến lược đa kênh dài hạn trong tương lai cho ngành giáo dục tại Việt Nam”.
CÁC NỘI DUNG TẬP HUẤN PHIÊN BUỔI CHIỀU
|
Tác giả: USSH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn