Ngôn ngữ
Diễn giả chính của toạ đàm là GS. Nguyễn Đức An, Giáo sư toàn phần, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khoẻ và dữ liệu, Đại học Bournemouth, Vương quốc Anh.
Báo chí và AI: đằng sau sự náo nhiệt
Theo GS. Nguyễn Đức An, Trí tuệ thân tạo (AI) đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong ngành báo chí. Nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất tin bài. Associated Press báo cáo rằng việc sử dụng AI đã giúp các nhà báo tiết kiệm tới 20% thời gian, giải phóng họ khỏi những công việc tỉ mỉ như đưa tin về các báo cáo tài chính, đồng thời cũng nâng cao độ chính xác. Bloomberg chia sẻ rằng một phần ba tất cả các bài viết của họ được xuất bản bởi một robot có tên là Cyborg
Việc tự động hóa quy trình làm tin bài từ các nguồn dữ liệu động không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho các nhà báo, mà còn mở rộng quy mô sản xuất bài viết cho các thị trường nhỏ, thị trường ngách. AI có khả năng phân tích các nguồn dữ liệu phức tạp, từ đó giúp nhà báo khai thác những thông tin mà họ không thể tự mình đào sâu. Hơn nữa, AI còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn tin giả, với sự hỗ trợ của các tổ chức như Full Fact, BBC Verify và Snopes
Toà cảnh toạ đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?”.
Tuy nhiên, GS. Nguyễn Đức An nhấn mạnh, đằng sau sự “náo nhiệt” mà cả xã hội đang dành cho AI, công nghệ này vẫn không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong ngành báo chí.
GS. Nguyễn Đức An chỉ ra bản thân báo chí hiện nay đưa tin về AI cũng đang “có vấn đề”. “Chúng ta chỉ thổi phồng, tạo ra cơn sốt và tập trung vào những lợi ích, quên đi mặt trái của nó. Điều này tạo ra hiệu ứng không tốt về cách xã hội tiếp nhận công nghệ", GS. An nhận định.
GS. Nguyễn Đức An cho rằng, cách báo chí đưa tin về AI hiện nay đang thổi phồng, tạo ra cơn sốt và chỉ tập trung vào những lợi ích, quên đi mặt trái của công nghệ này.
Giáo sư đề cập đến Nghịch lý Moravec, theo đó, những tác vụ có ý thức như lý luận cấp độ cao, chơi cờ hay chọn cổ phiếu tương đối dễ lập trình. Ngược lại, những tác vụ vô thức như đi bộ, chạy, nhìn và nhận dạng lại rất khó để lập trình. Điều này cho thấy, mặc dù AI có thể xử lý dữ liệu lớn với tốc độ chóng mặt, nhưng nó vẫn thiếu khả năng tư duy theo bối cảnh và trí tuệ xúc cảm cần thiết để kể chuyện một cách tinh tế.
GS. Nguyễn Đức An chỉ ra AI không thể có mặt tại hiện trường một vụ tai nạn, trong tòa án, hay trong một cuộc họp hội đồng. Nó không thể cảm nhận được nỗi đau của một gia đình hay nhìn vào mắt ai đó để nhận biết sự thật. Tất cả những gì AI làm là “giải phóng”các phóng viên để họ có thể thực hiện nhiều công việc đó hơn.
Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. AI có thể gia cố các định kiến xã hội hiện hữu, dễ bị ảo giác và cung cấp thông tin sai lệch. Do đó, việc sử dụng AI trong báo chí cần được thực hiện một cách cẩn trọng.
Giáo sư khuyến nghị, các nhà báo nên tiếp cận công nghệ này với một tâm thế cởi mở nhưng cũng đầy trách nhiệm. Để tận dụng AI một cách hiệu quả, các nhà báo cần được đào tạo bài bản về công nghệ này, đồng thời duy trì đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng. Việc "thánh hóa" AI là điều không nên; thay vào đó, cần có sự giám sát của con người và minh bạch với người dùng.
Nhà báo cần coi AI là công cụ
Tại phiên thảo luận của toạ đàm, các thái cực của trí tuệ nhân tạo tiếp tục được các diễn giả trao đổi, lý giải.
Phiên thảo luận của Toạ đàm có 4 diễn giả (từ phải sang): TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (ĐTBC&TT); TS. Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông; GS. Nguyễn Đức An và Nhà báo Lê Thọ Bình, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số.
TS. Nguyễn Quang Đồng chia sẻ: "Báo chí Việt Nam bây giờ thiếu hai thứ. Thứ nhất là thiếu dữ liệu về độc giả, chúng ta không nắm trong tay mình độc giả đang là ai. Thứ hai là hiểu độc giả của mình".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông phân tích thêm: “Năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát về 170 tòa soạn tại Việt Nam nhằm tìm hiểu về các công nghệ phục vụ việc hiểu độc giả. Kết quả cho thấy, khoảng 85% lãnh đạo tòa soạn đã bắt đầu sử dụng công nghệ như Google Analytics để nắm bắt thông tin về độc giả của mình. Tuy nhiên, đội ngũ phóng viên chỉ có khoảng 34% sử dụng công nghệ này.”
Sự chênh lệch này phản ánh một khoảng cách lớn trong việc ứng dụng công nghệ giữa các cấp trong tòa soạn, cho thấy rằng mặc dù lãnh đạo nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ, nhưng việc triển khai và áp dụng thực tế vẫn còn nhiều thách thức.
Theo GS. Nguyễn Đức An, những "khó khăn của kinh tế báo chí" của báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam hiện nay là độc giả. Chúng ta mất độc giả chứ không phải vì công nghệ. Công nghệ chỉ làm trầm trọng hơn khía cạnh này.
Khủng hoảng trong mối quan hệ giữa con người và AI cũng là vấn đề gây chú ý tại toạ đàm. Theo TS. Phan Văn Kiền, nhiều người khăng khăng rằng AI phải thay thế con người hoặc ngược lại, nhưng thực tế cho thấy cả hai có thể tồn tại song song.
“Yếu tố con người trong chúng ta là điều chắc chắn mà AI không thể thay “, TS. Phan Văn Kiền nói. Ông nhấn mạnh rằng cảm xúc, sự sáng tạo và khả năng hiểu biết sâu sắc về xã hội là những khía cạnh mà AI vẫn chưa thể đạt được.
Viện trưởng Viện ĐTBC&TT chia sẻ thêm: “Người làm báo phải tìm được một công việc khác mà AI không thể thay thế mình, chứ nếu chỉ giậm chân tại chỗ thì chắc chắn chúng ta sẽ bị thay thế”.
TS. Phan Văn Kiền chia sẻ, người làm báo sẽ bị thay thế nếu chỉ giậm chân tại chỗ.
Cũng tại toạ đàm, nhiều thắc mắc đã được giải đáp, tạo cơ hội cho mọi người hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa con người và công nghệ trong ngành báo chí. Các diễn giả đều đồng quan điểm, AI không thể thay thế con người trong những khía cạnh quan trọng như cảm xúc, sự sáng tạo và khả năng hiểu biết sâu sắc về xã hội. Thay vào đó, AI nên được coi là một công cụ hỗ trợ, giúp nhà báo nâng cao hiệu quả công việc và cải thiện chất lượng nội dung.
Các chuyên gia, diễn giả chụp ảnh kỷ niệm cùng giảng viên, sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
- Báo Nhà báo và Công luận
- Tạp chí VietTimes
- Tạp chí Điện tử Ứng dụng
- Chuyên trang Doanh nhân, Báo Pháp luật Việt Nam
Tác giả: Bài: Phương Anh / Ảnh: Việt Hà - Hoàng Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn