Chỉ sau ba tháng kể từ khi ký kết Biên bản ghi nhớ vào tháng 01/2025, khóa học đã được triển khai như một cam kết cụ thể giữa
IPAM và các đối tác. Không chỉ là một chương trình đào tạo kỹ năng số, chương trình còn là lời khẳng định mạnh mẽ: công nghệ không còn là đặc quyền của lập trình viên, mà đã trở thành quyền năng phổ cập của mọi công dân.
Khi công nghệ trở thành ngôn ngữ chung của xã hội
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, PGS.TS. Đỗ Hương Lan - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý đã ví NoCode như một làn sóng mới của “Bình dân học vụ số”. Nếu cách đây gần 80 năm, người Việt Nam đứng lên học chữ để làm chủ cuộc đời, thì ngày nay, NoCode đang giúp mỗi cá nhân “biết viết ứng dụng”, tự tạo ra công cụ phục vụ công việc, học tập và khởi nghiệp – mà không cần lập trình.
Khóa học là một phần trong chương trình toàn cầu Young Creators Program (YCP), hướng tới trang bị kỹ năng số cho sinh viên và giảng viên, giúp họ chủ động hội nhập, đổi mới tư duy, và tham gia tích cực vào chiến lược phát triển Kinh tế số - Xã hội số theo định hướng của Chính phủ.
PGS.TS. Đỗ Hương Lan phát biểu khai giảng khóa đào tạo NoCode dành cho giảng viên và sinh viên
Từ người dùng công nghệ đến người kiến tạo giải pháp
Xuyên suốt khóa học, học viên được tiếp cận phương pháp “học bằng làm”, thực hành ngay trên nền tảng Zoho Creator để xây dựng ứng dụng đơn giản như: quản lý nhân sự, đánh giá công việc theo MBO, khảo sát cộng đồng, theo dõi tiến độ. Với sự hướng dẫn tận tình từ đội ngũ chuyên gia, nhiều học viên lần đầu tiên đã tự tay tạo ra ứng dụng số đầu tiên của chính mình.
Điều đáng trân trọng là đa số học viên là giảng viên và sinh viên đến từ khối ngành xã hội - nhân văn, không có nền tảng công nghệ, nhưng vẫn tiếp thu nhanh, sáng tạo, và thể hiện năng lực chuyển đổi rất lớn khi được truyền cảm hứng và trao đúng công cụ.
“Lần đầu tiên em thấy công nghệ gần gũi như vậy. Khóa học rất bổ ích và thiết thực, giúp em tự tin hơn trong việc xây dựng công cụ cho nhóm nghiên cứu của mình” – một sinh viên chia sẻ.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Trưởng Khoa Đông Phương học, nền tảng Nocode này rất phù hợp với khối văn phòng, nhất là trong việc quản lý các đề tài, dự án hay công việc hành chính hằng ngày. “Tôi hy vọng trong thời gian tới, chương trình có thể mở rộng thêm đối tượng được đào tạo, không chỉ dành cho giảng viên hay sinh viên mà đội ngũ chuyên viên, cán bộ các phòng ban cũng có thể tham gia học để áp dụng vào công việc thực tế. Bên cạnh đó, tôi nghĩ nếu được, bên YCP có thể đồng hành cùng trường Nhân văn để đưa nền tảng này vào ứng dụng rộng rãi, toàn diện, giúp các đơn vị trong trường tối ưu hóa công tác quản lý hành chính theo hướng đồng bộ và hiệu quả hơn” - TS. Nguyễn Thị Thu Hường cho biết.
Công nghệ nhân văn - Thực hành ESG trong giáo dục
NoCode đã được chứng minh không chỉ là công cụ, mà là một tư duy mới – thể hiện sinh động hai trụ cột Social và Governance trong ESG: Về mặt xã hội (S), khóa học đã góp phần nâng cao năng lực số cho cộng đồng, phá bỏ rào cản công nghệ với người không chuyên, thúc đẩy giáo dục khai phóng và trao quyền cho từng cá nhân trong môi trường học thuật. Về quản trị (G), các ứng dụng được xây dựng trong khóa học hoàn toàn có thể áp dụng trực tiếp vào công việc giảng dạy, nghiên cứu, hành chính - từ việc quản lý lớp học, đánh giá nội bộ, cho tới quản trị đơn vị sự nghiệp công.
Không phải ngẫu nhiên mà 96% học viên được hỏi đánh giá “hài lòng” và “rất hài lòng” với chất lượng khóa học; gần 95% sẵn sàng giới thiệu chương trình cho người khác; và hơn 88% mong muốn có khóa học nâng cao trong tương lai. Những con số ấy là bằng chứng sống động cho sức lan tỏa tích cực của NoCode trong giáo dục đại học.
Giảng viên Nguyễn Duy Long đại diện i3 Network Systems và Citizen Developer
Cam kết đồng hành - Kiến tạo tương lai số bền vững
Khóa tập huấn NoCode lần này không khép lại bằng một buổi trao chứng nhận, mà mở ra một hành trình đồng hành dài hạn giữa YCP Team và IPAM. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số”, YCP cam kết:
- Tiếp tục hỗ trợ học viên trong 45 - 90 ngày sau khóa học, với khả năng kéo dài đến 1 năm, qua các buổi coaching, tư vấn triển khai sản phẩm thực tế.
- Cung cấp tài khoản Zoho Creator chính thức cho học viên, theo danh sách từ nhà trường.
- Tổ chức các workshop chuyên đề, chuỗi hỗ trợ kỹ thuật và mentor theo nhóm, giúp từng ý tưởng được nuôi dưỡng và phát triển.
Đặc biệt, chương trình còn đặt nền móng cho việc xây dựng đội ngũ huấn luyện viên (Coaching YCP) ngay tại USSH. Trong khuôn khổ chương trình, 15 giảng viên, cán bộ và 10 sinh viên đã được trao học bổng sau các vòng đánh giá kỹ lưỡng, được lựa chọn từ 45 hồ sơ gửi về. Đây không chỉ là phần thưởng cho năng lực và tinh thần cầu tiến, mà còn là sự ghi nhận cho những nỗ lực tiên phong của các học viên trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực xã hội – nhân văn. Các giảng viên và cán bộ tham gia khóa đầu tiên sẽ được bồi dưỡng sâu, từng bước đảm nhiệm vai trò giảng dạy chính trong các khóa tiếp theo, với sự kèm cặp trực tiếp từ các chuyên gia YCP trong 2 - 5 lớp đầu tiên. Mục tiêu cuối cùng là giúp nhà trường tự chủ trong đào tạo công nghệ nhân văn, mở rộng các chương trình đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực.
Các học viên tích cực tham gia thực hành tại khóa học
Khép lại một khóa học - Khởi đầu một hành trình
Khóa tập huấn NoCode tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không đơn thuần là một hoạt động đào tạo kỹ năng. Đó là một tuyên ngôn hành động về bình đẳng công nghệ, là cú hích chuyển đổi tư duy, là hạt mầm của một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang bản sắc nhân văn - khai phóng - công nghệ.
Với sự vào cuộc đồng bộ của nhà trường, các đối tác công nghệ và đội ngũ chuyên gia, hành trình đưa NoCode đến gần hơn với người học khối ngành KHXH&NV mới chỉ bắt đầu – nhưng đã thắp lên niềm tin, cảm hứng và sự chủ động trong thời đại số.
“Công nghệ không dành riêng cho ai - mà dành cho tất cả. Ai cũng có thể trở thành nhà kiến tạo số nếu được trao cơ hội và được dẫn dắt đúng cách” - như lời phát biểu của PGS.TS. Đỗ Hương Lan khi tổng kết và bế giảng Khóa Tập huấn.
Các giảng viên và sinh viên nhận chứng nhận tham gia khoá học trong lễ bế giảng