Kết quả gắn kết chặt chẽ giữa công tác nghiên cứu và xuất bản
Tài liệu lưu trữ, với tư cách là cầu nối quan trọng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, ngày càng có những đóng góp không nhỏ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quốc gia đã quan tâm thực hiện nhiều hoạt động tổ chức, bảo quản và phát huy những giá trị của tài liệu lưu trữ. Đặc biệt, bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 với sự ra đời của AI (Trí tuệ nhân tạo), Big Data (Dữ liệu lớn), IoT (Internet vạn vật)… đang có những tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành lưu trữ của Việt Nam và các nước trên thế giới.
Việc tìm hiểu các giá trị có tính truyền thống và giá trị tiềm năng của tài liệu lưu trữ trước những biến động của xã hội là một chủ đề đang được rất nhiều lưu trữ của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam quan tâm.
Với vị thế là đơn vị có bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu về khoa học lưu trữ, năm 2024, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã phối hợp với Trường Đại học Aix – Marseille (Cộng hòa Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Lưu trữ thế kỷ XXI: Tri thức khoa học hay thông tin” (Archives in the 21st century: Scientific Knowledge or Information). Sau thành công của hội thảo, Nhà xuất bản Nomos (Cộng hòa Liên bang Đức) đã lựa chọn, biên tập và xuất bản các tham luận tiêu biểu thành cuốn sách chuyên khảo có nhan đề: “Archival Science and the Digital Transformation in Vietnam: Legal and Practical Issues for the 21st Century”.
Phần lớn các bài viết được lựa chọn trong cuốn sách là sản phẩm khoa học của các cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh thuộc Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐHKHXH&NV.
Phát biểu tại Toạ đàm, GS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) ghi nhận và đánh giá cao tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo, giảng viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng trong việc đẩy mạnh quốc tế hoá hoạt động nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và công bố. Cuốn sách nằm trong số ít công trình được xuất bản tại một NXB uy tín của CHLB Đức chính là minh chứng cho sự chiến lược hợp tác quốc tế rộng mở của Trường ĐHKHXH&NV, đồng thời góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên”.
GS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu tại Toạ đàm
GS.TS. Detlef Briesen (Đại học Justus-Liebig Gießen, CHLB Đức) và TS Cam Anh Tuấn (Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, VNU-USSH) chủ trì Toạ đàm
Tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu
Cuốn sách đã phân tích thấu đáo ý nghĩa của tài liệu lưu trữ và các phương thức lưu trữ truyền thống đến từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh đó, cùng với những tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ, có một xu hướng phát triển mới: các tài liệu có giá trị lịch sử hoặc giá trị khác đang được số hóa và cung cấp cho người sử dụng qua internet. Các lưu trữ trên toàn thế giới đã chuyển từ thời kỳ lưu trữ analog sang thời kỳ kỹ thuật số trong vài năm qua. Điều này đang thay đổi công việc của các nhà lưu trữ và đòi hỏi các công nghệ và khái niệm lưu trữ mới.
Các bài viết của các tác giả trong cuốn sách cũng khẳng định: Lưu trữ học đã tự giải phóng khỏi vai trò là một khoa học phụ trợ của lịch sử; các lưu trữ và nhà lưu trữ không còn coi nhiệm vụ của mình chỉ là bảo tồn tài liệu và giữ chúng sẵn có cho các mục đích thực tiễn hay khoa học. Lưu trữ học đã chuyển thành một ngành khoa học thông tin hiện đại với một loạt các hoạt động đa dạng. Bên cạnh việc bảo tồn tài liệu, khoa học lưu trữ ngày nay còn bao gồm việc thu thập thông tin chủ động và cung cấp cho nhiều người sử dụng từ các cơ quan hành chính, khoa học và công chúng rộng rãi.
Các đại biểu trình bày báo cáo và thảo luận tại Toạ đàm
Tại Toạ đàm, các đại biểu khẳng định giá trị của cuốn sách đồng thời chia sẻ và trao đổi nhiều thông tin liên quan đến định hướng, triển vọng phát triển, thay đổi để thích ứng của ngành Lưu trữ học trong bối cảnh chuyển đổi số.
Giáo sư GS.TS. Detlef Briesen (Đại học Justus-Liebig Gießen, CHLB Đức) cho rằng: cuốn sách có thể đã đề cập đến một sự phát triển khá gần đây, sẽ tiếp tục thay đổi thực tiễn lưu trữ học không chỉ ở Việt Nam: trí tuệ nhân tạo và các phương pháp liên quan đến việc xử lý và phân tích dữ liệu lớn. Không còn nghi ngờ gì nữa, lưu trữ học ở Việt Nam cũng đang hướng tới mô hình nghiên cứu mới của nhân văn số. Điều này rõ ràng đặt ra những câu hỏi mới, không chỉ về mặt kỹ thuật, mà còn liên quan đến các vấn đề như tự do thông tin và an ninh thông tin. Những điều kể trên có thể sẽ là một dự án xuất bản mới và chắc chắn rất thú vị.
Kết thúc Toạ đàm, GS.TS Detlef Briesen, PGS.TS Đào Đức Thuận và TS Cam Anh Tuấn, (đồng chủ biên) thay mặt nhóm tác giả dành tặng các ấn phẩm tới đại biểu và các cơ quan, tổ chức tham dự chương trình.



Cuốn sách “Khoa học lưu trữ và chuyển đổi số tại Việt Nam: Các vấn đề pháp lý và thực tiễn cho thế kỷ 21” được xuất bản tại Nhà xuất bản Nomos (CHLB Đức)