Chiếu phim và tọa đàm "Điện ảnh về chiến tranh: Khi lúa chín trên cánh đồng giông bão"

Thứ ba - 03/05/2022 06:11
Ngày 27/4/2022, CLB Điện ảnh, Bộ môn Nghệ thuật học (Trường ĐHKHXH&NV) đã tổ chức thành công buổi chiếu hai bộ phim “Tháng Năm, những gương mặt” và “Bao giờ cho đến tháng Mười” cùng tọa đàm "Điện ảnh về chiến tranh: Khi lúa chín trên cánh đồng giông bão".

Hoạt động này nhằm chào mừng 47 năm ngày Đất nước thống nhất 30/4 và tri ân những con người đã góp phần làm nên dấu mốc thiêng liêng đó của Dân tộc. Sự kiện cũng được gọi là “Ngày phim Đặng Nhật Minh” bởi hai bộ phim được trình chiếu đều là phim của vị đạo diễn này. NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những nhà làm phim nổi bật nhất của nền điện ảnh Việt Nam. Một số bộ phim tiêu biểu của đạo diễn Đặng Nhật Minh có thể kể đến như: Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê, Cô gái trên sông, Mùa ổi, Tháng Năm, những gương mặt... Nhờ những đóng góp quý báu cho điện ảnh thế giới và Việt Nam, tối ngày 31/03/2022 vừa qua tại Đại sứ quán Pháp, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã vinh dự được Bộ Văn hóa Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật. Sự kiện này, vì thế, cũng là lời chúc mừng, tri ân của CLB Điện ảnh dành tặng cho sự nghiệp vẻ vang của đạo diễn.

Toa dam ĐNM

Sáng ngày 27/4/2022, trong khuôn khổ buổi chiếu phim Tháng Năm, những gương mặt và tọa đàm "Điện ảnh về chiến tranh: Khi lúa chín trên cánh đồng giông bão", các diễn giả và khách mời đã thảo luận về những điểm thể hiện dấu ấn cá nhân của tác giả Đặng Nhật Minh được thể hiện ở 2 bộ phim Tháng Năm, những gương mặtBao giờ cho đến tháng Mười, cũng như những điểm đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam về đề tài chiến tranh. Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học (ĐHKHXH&NV Hà Nội) - phát biểu: “Trong âm hưởng chung của thời đại, phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn có giọng nói riêng, ý tưởng riêng về những điều rất nhân bản của dân tộc này.”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ sự cảm động khi bộ phim Tháng Năm, những gương mặt của ông vẫn gieo được nhiều cảm xúc cho người xem. Theo đạo diễn, một trong những điểm làm nên giọng nói riêng trong bộ phim là tính nhân văn: “Bộ phim Tháng Năm, những gương mặt không nói đến thù hận. Cách nhìn ấy đã theo suốt hành trình làm phim của tôi. Với tôi, tính nhân văn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với một tác phẩm nghệ thuật.”

Về ý thức và trách nhiệm của làm phim, Đạo diễn Đặng Nhật Mịnh cho rằng: mỗi nhà làm phim cần xác định rõ mục tiêu của mình ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp. Thực tế, trong suốt hành trình sáng tác của mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh luôn kiên trì với nghệ thuật điện ảnh đích thực và chính điều đó đã làm nên chất riêng cũng như những thành công của ông. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng nhắn nhủ rằng mỗi người cần trau dồi vốn văn hóa, văn học của mình: “Văn học là nền tảng của nghệ thuật điện ảnh. Kho tàng văn học giúp tôi rất nhiều trong sự nghiệp làm phim của mình”.

Toa dam ĐNM 1

Tiếp nối nhận định của đạo diễn Đặng Nhật Minh, PGS.TS. Phạm Thành Hưng đã có những chia sẻ trên góc độ một cựu chiến binh đồng thời là một nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật. Với Tháng Năm, những gương mặt, PGS.TS. Phạm Thành Hưng tìm thấy sự đồng cảm từ cách đạo diễn Đặng Nhật Minh nhìn cuộc chiến tranh: “Đây không phải bộ phim nói về sự thất bại của đối phương mà là sự kết thúc chiến tranh và niềm hy vọng bắt đầu từ tháng Năm trở đi.” Đặc biệt, bàn luận về bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười từ góc độ mỹ học,  PGS.TS. Phạm Thành Hưng cho rằng: “Bộ phim không có cái đẹp, mà chỉ có cái cao thượng. Và cái cao thượng ở đây là cái đẹp bị xô đẩy, bị phá vỡ và đè nén. Chính sự hy sinh làm nên giá trị cao cả của con người”.

Toa dam ĐNM 2

Bàn về bộ phim Tháng Năm, những gương mặt, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng - Phó Trưởng Khoa Văn học - chia sẻ rằng cô rất ấn tượng với những chiều sâu nhân văn và hình ảnh trong bộ phim. “Đây là bộ phim đầu tiên nhìn tất cả những người lính, dù ở phe phái nào, dưới góc độ con người”. Với bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng cho rằng tác phẩm đặt ra những vấn đề của cả cá nhân và dân tộc, cùng nỗi trăn trở rằng liệu “chúng ta sẽ vận hành, phát triển như thế nào, sẽ hướng đến hạnh phúc của từng mái nhà như thế nào, thông qua câu chuyện của người phụ nữ với cộng đồng, với quá khứ, với lịch sử và với hiện tại”.

Toa dam ĐNM 3

Tiếp cận bộ phim từ góc độ ngôn ngữ điện ảnh, TS. Hoàng Cẩm Giang - Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học - cho rằng các yếu tố thuộc về ngôn ngữ điện ảnh như cảnh quan điện ảnh, cách dựng phim, cách tái trình hiện, cách lựa chọn chất liệu đều rất đặc biệt: “… đạo diễn đặng Nhật Minh đã hòa trộn giữa điện ảnh sử thi lãng mạn và điện ảnh ‘city symphony’ (bản giao hưởng thành phố) - kiểu điện ảnh ca ngợi tốc độ và văn minh. Nhờ đó, Sài Gòn trong phim có gương mặt, lịch sử và số phận của nó.”

Toa dam ĐNM 4

Vào chiều ngày 27/4/2022, tại buổi chiếu phim Bao giờ cho đến tháng Mười, GVC. Trần Hinh và TS. Hoàng Cẩm Giang tiếp tục có những chia sẻ về tác phẩm này của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Theo thầy Trần Hinh, đạo diễn Đặng Nhật Minh không bao giờ cực đoan hóa con người. “Ngay cả khi nhân vật có xấu, nhưng người ta biết phục thiện, thì đó cũng là tốt.” Theo TS. Hoàng Cẩm Giang, bộ phim nhắc khán giả rằng ý nghĩa của cuộc sống chính là ở việc nhận thức rằng mình đang hiện hữu. “Bộ phim không chỉ nói về hạnh phúc như đích đến cuối cùng của sự kiếm tìm, mà là giá trị của hành trình đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa của việc “gieo trồng” trên cánh đồng người.”

Toa dam ĐNM 5

Tác giả: CLB Điện ảnh (Trường ĐHKHXH&NV)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây