Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Quang Minh, chuyên gia quan hệ quốc tế, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&Nv - ĐHQGHN đã trả lời câu hỏi đó bằng những lập luận đa chiều khi trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác và hội nhập ở khu vực Baltic và Đông Nam Á nhìn từ góc độ so sánh”.
Giáo sư Phạm Quang Minh trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo về những điểm tương đồng và khác biệt giữa ASEAN và vùng Baltic. (Ảnh: PH)
Thưa thầy, NATO vừa đi qua một “sinh nhật buồn” và câu hỏi về sự tồn tại của NATO lại được đặt ra, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Thực ra câu hỏi về sự tồn tại của NATO đã được đặt ra kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Hiện nay, NATO đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng dù mang trong mình một sứ mệnh mới, khác với thời kỳ chiến tranh Lạnh. Vấn đề hiện tại chính là sự gắn kết trong NATO khi “thuyền trưởng” của NATO – Mỹ đang chỉ trích các thành viên khi cho rằng các nước này không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình và nâng mức chi phí quốc phòng lên 2%. Chỉ có khoảng ¼ thành viên NATO làm tròn trách nhiệm này, do đó, tạo ra rạn nứt trong NATO. Các nước thành viên NATO, trong EU đang có xu hướng cùng nhau lập ra một lực lượng an ninh riêng, ít phụ thuộc hơn vào Mỹ và các quốc gia khác.
Như vậy, rõ ràng NATO cũng đang đem đến thách thức cho chính các quốc gia khu vực Baltic? Với ASEAN, khu vực cũng có phải đối mặt với thách thức tương tự từ những cơ chế an ninh mà chính ASEAN tạo ra hay không, thưa thầy?
Thách thức thứ nhất mà cả hai khu vực Baltic và Đông Nam Á cùng phải đối mặt là sự gia tăng các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống, tranh chấp chủ quyền, biên giới hải đảo, môi trường, kinh tế, di cư… những nội hàm mới của vấn đề an ninh. Thứ hai đó là câu hỏi lấy cơ chế nào để giải quyết các vấn đề an ninh này. Thực ra, khu vực Baltic có sự nổi trội hơn là có cơ chế hợp tác an ninh đa phương NATO. Hiện nay, trong ASEAN chưa có cơ chế hợp tác kiểu như vậy mà chỉ thể hiện ở trên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hay Diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM+). Khu vực biển Baltic có một cơ chế an ninh rất bền vững như NATO, tồn tại từ những năm 40 của thế kỷ trước và ASEAN thì chưa có một cơ chế an ninh chặt chẽ nào nhưng hai khu vực đều có điểm chung rằng các cơ chế đang tồn tại vẫn chưa giải quyết được vấn đề về mặt an ninh mà hai khu vực phải đối mặt. Tại khu vực biển Baltic, số lượng các cuộc xung đột, có tính chất căng thẳng còn nhiều hơn giai đoạn trước Chiến tranh Lạnh. Do vậy, bài học là các quốc gia vẫn phải tăng cường hợp tác đa phương cho dù chủ nghĩa đa phương hiện đang bị thách thức trên phạm vi toàn cầu. Chính các nước lớn, có tiềm năng kinh tế, quân sự lớn lại thách thức chủ nghĩa đa phương, mang lại những đe dọa cho an ninh khu vực thay vì đi đầu, có những sáng kiến và cơ chế hợp tác về mặt an ninh.
Theo thầy, các quốc gia vừa và nhỏ như Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong việc kiến tạo các thể chế an ninh?
Đúng là nước lớn luôn đóng vai trò quan trọng, thời chiến tranh Lạnh là Mỹ và Liên Xô. Ngay nay vẫn như vậy thêm Trung Quốc, các quốc gia BRICS, chắc chắn họ sẽ đóng một vai trò quan trọng, dẫn dắt, tạo ra một môi trường hòa bình. Tuy nhiên, chúng ta không quên chính những nước vừa và nhỏ hiện nay lại đang đóng vai trò quan trọng không kém. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là vai trò của ASEAN. Với tư cách là một tổ chức khu vực với 10 quốc gia vừa và nhỏ nhưng ASEAN từ năm 1967 tới nay đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, chuẩn mực, giá trị các nước lớn đã chấp nhận như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Diễn đàn an ninh khu vực, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS),… cho thấy ASEAN luôn thể hiện tính năng động, khả năng thay đổi, điều chỉnh chính sách của mình so với tình hình thế giới. Như vậy, các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam đã luôn thể hiện một tư thế, vị thế mới là quốc gia có tính trách nhiệm cao, tích cực và chủ động trong các hợp tác quốc tế, đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực. Chúng ta cần phát huy hơn nữa trong tương lai.
Như vậy, ASEAN có thực sự cần một mô hình như NATO?
Vấn đề này phụ thuộc vào lịch sử, kinh nghiệm quốc tế và sự đồng thuận của các quốc gia trong khu vực. Cho đến nay, nguyên tắc bất di bất dịch của ASEAN là nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Hai nguyên tắc này được đưa ra năm 1976 và đã phát huy tác dụng của nó. Giữa các nước ASEAN, cho đến nay thì không có chiến tranh xảy ra, xung đột rất nhỏ. Thành công lớn nhất của ASEAN cho đến nay là đã giải quyết hòa bình vấn đề Campuchia giai đoạn 1979-1991. Bây giờ, ASEAN vẫn cần tiếp tục cân nhắc về một cơ chế an ninh đa phương như NATO bởi vì lịch sử các nước ASEAN đều cho thấy vấn đề chủ quyền rất quan trọng khi đã phải trải qua muôn vàn gian khổ mới có được hòa bình, độc lập, quá trình xây dựng quốc gia dân tộc vẫn còn đang tiếp diễn. Vì vậy, cho đến nay, ASEAN chỉ đưa ra một mô hình đó là xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột trong đó trụ cột quan trọng nhất là an ninh – chính trị, trụ cột này hoàn toàn phù hợp với điều kiện và bối cảnh của ASEAN. Một tổ chức quân sự như kiểu NATO có lẽ chưa phù hợp, chưa cần thiết. Nếu như thực hiện tốt trụ cột Cộng đồng an ninh – chính trị, đảm bảo một môi trường hòa bình, không có chiến tranh, người dân được sống trong thịnh vượng là đã đáp ứng được nhu cầu hiện tại của các nước ASEAN.
Thầy đánh giá như thế nào về cách ứng xử với nước lớn của ASEAN?
Tôi nghĩ rằng câu chuyện tự cường luôn luôn quan trọng trong chính sách đối ngoại. Phần lớn thành viên NATO đều là những nền kinh tế có tiềm lực, khác với ASEAN đều là những nước có trình độ phát triển thấp hơn, do vậy, sự tự cường, độc lập khỏi ảnh hưởng cường quốc rất khó, chưa kể đến sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn như Mỹ - Trung Quốc. Các nước ASEAN đã đưa ra những chính sách rất khéo léo, tạo ra những chuẩn mực của chính mình để đưa các nước lớn vào, tạo ra một sân chơi để các nước lớn khó có thể thực hiện đường lối của mình một cách riêng rẽ mà buộc phải tính đến lợi ích của họ cũng như lợi ích của các nước lớn dẫn đến khó có xung đột ở khu vực.
Việt Nam cần phải làm gì khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 để có thể cùng các nước thành viên khác xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định cho ASEAN phát triển?
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của ASEAN mà Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN 2020 là vấn đề đồng thuận trong khu vực. Điểm yếu nhất của ASEAN là chưa đạt được những quan điểm, nhận thức chung về những vấn đề của khu vực. Ví dụ trường hợp Biển Đông, vấn đề chỉ có 4 quốc gia ASEAN liên quan (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei), 6 quốc gia còn lại vẫn có xu hướng coi đây là vấn đề song phương. Vì vậy, nhiều quốc gia ASEAN ít quan tâm tới Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tạo ra được sự đồng thuận trên vấn đề này, coi đây là vấn đề của khu vực bởi nếu có xung đột ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia ASEAN, phải định hướng để các quốc gia hiểu rằng cần đặt lợi ích của khu vực lên trên lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường sự kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối. Các doanh nghiệp ASEAN phải tăng cường đầu tư vào nhau, thực hiện các hiệp định đa phương có ASEAN tham gia như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Tác giả: Hằng Phạm (TG&VN)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn