Xu hướng nhân lực lao động cần kiến thức tổng hợp, liên ngành

Thứ hai - 29/04/2019 02:47
Với chủ đề xoay quanh việc tuyển sinh và tuyển dụng các ngành ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), talkshow tư vấn tuyển sinh trên VOV2 đã cung cấp những thông tin có chiều sâu và từ nhiều góc nhìn cho các thí sinh đang quan tâm tìm hiểu các ngành nghề trong lĩnh vực này.
Xu hướng nhân lực lao động cần kiến thức tổng hợp, liên ngành
Xu hướng nhân lực lao động cần kiến thức tổng hợp, liên ngành

Đâu là những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm học năm 2019 của Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) và cơ hội nào cho các thí sinh muốn theo học tại trường - đó là nội dung chính của buổi trò chuyện của VOV2 với hai vị khách mời là PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXN&NV) và ông Nguyễn Phan Huy Khôi (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo Ninh Investment) - một trong những doanh nghiệp đã và đang có những hoạt động hợp tác đào tạo và tuyển dụng nhân lực của Trường ĐHKHXH&NV.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, nhà báo Nguyễn Thu Lương và ông Nguyễn Phan Huy Khôi trong buổi tư vấn tuyển sinh ngày 24/4/2019 tại VOV 2


Khối ngành KHXH&NV được quan tâm

Nhà báo Nguyễn Thu Lương của đài VOV2 bắt đầu chương trình với câu hỏi đầu tiên dành cho Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn: Nếu những năm trước, các thí sinh đổ xô đăng ký vào các ngành thuộc khối kinh tế, công nghệ mà ít mặn mà với các khối ngành KHXH&NV, thì  trong mùa tuyển sinh năm ngoái, lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các ngành KHXH&NV lại tăng đột biến, vậy đâu là nguyên nhân ? 
Chia sẻ quan điểm về xu hướng này, PGS. Hoàng Anh Tuấn thông tin: năm 2018 Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) nhận được gần 40.000 hồ sơ đăng ký. Lý giải một phần nguyên nhân, thì đó là niềm đam mê thực sự của một bộ phận các em học sinh đối với các ngành KHXH&NV. Những ngành/môn học như Lịch sử, Văn học, Triết học, ngôn ngữ, văn hoá, quan hệ quốc tế... có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều bạn trẻ. Các em sớm nhận ra niềm yêu thích của mình và thấy được khả năng của bản thân phù hợp để theo đuổi những ngành học đó.
Ở góc độ khác, dù có nhiều biến động trên thị trường nhân lực và nghề nghiệp nhưng nhìn chung, công việc sau khi ra trường của sinh viên các ngành KHXH&NV tương đối ổn định. Các em cũng ngày càng thực tế hơn khi chọn ngành học nào để sau khi ra trường phù hợp với các dạng công việc hiện có. Số liệu khảo sát của Nhà trường cho thấy sinh viên Trường ĐHKHXH&NV sau khi tốt nghiệp từ 6-12 tháng, tỷ lệ có việc làm là 90-93%. 
Nhìn ở một chiều cạnh khác, thí sinh, các nhà tuyển dụng và xã hội đã nhận ra một xu hướng: càng trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 hay kỷ nguyên số, nhân lực lao động càng bị đòi hỏi có tri thức tổng hợp và liên ngành trên nhiều lĩnh vực. Và tri thức về KHXH&NVđóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên thế giới quan, nhân sinh quan cũng như ý thức về bản thân, về công việc và cuộc sống của chúng ta.

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi thì cho rằng hiện tượng trên là một dự báo về sự thay đổi quan điểm về nghề nghiệp cũng như nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực KHXH&NV. Từ góc độ của doanh nghiệp, hoạt động giáo dục và đào tạo là một thành tố quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế. Cơ sở đào tạo - sinh viên/người học - đơn vị sử dụng lao động là các thành tố có quan hệ không tách rời. 
Một thời gian trước, rất đông các thí sinh đổ dồn vào các ngành gọi là “hot” như kinh tế, khoa học công nghệ... thì đến thời điểm này, nguồn cung đã vượt quá cầu. Ngưỡng sản xuất sản phẩm giáo dục được gọi là ngành "hot" ấy đã vượt quá nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và xã hội. 
Nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của các lĩnh vực KHXH&NV trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế, ông Khôi cho rằng: KHXH&NV luôn cần thiết và không thể thiếu được trong đời sống, và ở thời điểm này, các ngành KHXH&NV đang thu hút sự quan tâm của thí sinh.
"Chúng ta có thể nhận ra rằng trong tuyển dụng nhân lực hiện nay, kiến thức riêng biệt của từng ngành ngày càng bị xóa mờ. Các ngành khoa học liên ngành hiện luôn được mọi người nhắc đến vì phù hợp xu hướng. Rồi sự phát triển của internet, của công nghệ 4.0, của nền kinh tế tri thức dẫn đến việc mỗi cá nhân phải tự trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau. Các kĩ năng, kiến thức của một chuyên ngành hẹp đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đó là lý do vì sao ngành KHXH&NV - ngành học đem lại kiến thức nền, kiến thức liên ngành về con người, xã hội lại ngày càng trở nên quan trọng" - ông Khôi nêu quan điểm. 
Doanh nghiệp cần phông tri thức và kỹ năng hơn bằng cấp

Câu hỏi của một thính giả đặt ra cho Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn: Năm 2019, Trường ĐHKHXH&NV lần đầu tiên tuyển sinh ngành Nhật Bản học, ngành học này xét tuyển và đào tạo như thế nào? Cơ hội du học và việc làm ra sao ? 
Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết: Nhật Bản học là một chuyên ngành được đào tạo trong Khoa Đông phương học từ nhiều năm trước nhưng từ năm nay, Nhật Bản học chính thức trở thành một ngành tuyển sinh độc lập. Ngành Nhật Bản học tuyển sinh các khối D01, D04, D06, D78, D81, D83. Có thể nhận thấy vì đây là ngành học liên quan chặt chẽ đến ngôn ngữ, ngoại ngữ nên trọng tâm là tuyển khối D.
Về cơ hội thực tập và việc làm của sinh viên ngành Nhật Bản, trong nhiều năm qua, sinh viên năm thứ hai, thứ ba khi đi thực tập tại các doanh nghiệp Nhật Bản đã được nhận lương do doanh nghiệp trả. Nhiều em có việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp. Nhu cầu nhân lực ngành này ngày càng cao theo đà phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như mối quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng rộng mở. Sinh viên ngành Nhật Bản học, ngoài việc được học kiến thức về Nhật Bản theo định hướng khu vực học thì các em còn có năng lực tốt về tiếng Nhật và tiếng Anh.     
Trước câu hỏi của nhà báo Nguyễn Thu Lương về tiêu chí của các doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân lực, ông Nguyễn Phan Huy Khôi cho biết: hiện nay các đơn vị tuyển dụng không còn quá quan tâm đến việc sinh viên tốt nghiệp ở trường nào, ngành nào và có bằng cấp gì. Họ quan tâm đến phông tri thức mà các bạn có được sau khi tốt nghiệp, các kỹ năng bạn có thể dùng để làm việc và khả năng đáp ứng vị trí công việc đến đâu. 

Theo ông Khôi, điều đó dẫn đến các trường đại học phải thay đổi về tư duy, triết lý đào tạo cho đến cách thức đào tạo và các chuẩn đầu ra mà trường hướng tới. Mỗi trường có triết lý giáo dục riêng song nó cần hòa vào dòng chảy chung của xu thế thế giới. Và sản phẩm đào tạo phải tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Nhà trường đào tạo ra các sản phẩm phù hợp với xu thế giáo dục, với nhu cầu thị trường và nguồn cầu thì sinh viên sẽ có chỗ đứng trong doanh nghiệp, có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội.


Trả lời câu hỏi của nhà báo Nguyễn Thu Lương về những đổi mới của Trường ĐHKHXH&NV trong việc mở thêm các ngành/CTĐT đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: Nhà trường nhận thức rõ những xu hướng, yêu cầu mới của thị trường nhân lực nên bên cạnh những ngành mang tính truyền thống, là căn cốt của trường thì nhiều ngành đào tạo mới đã được tiên phong xây dựng theo hướng liên ngành và xuyên khối ngành. Đặc biệt, năm nay có 03 chương trình đào tạo mới được triển khai, gắn với định hướng xã hội hoá và mang tính ứng dụng cao là Báo chí, Khoa học quản lý và Quản lý thông tin. Nhà trường cũng đã và đang xây dựng một số ngành học mới trên cơ sở liên kết với các đơn vị thành viên của ĐHQGHN, với kiến thức tích hợp giữa các ngành KHXH&NV và các ngành khác như kinh tế, ngoại ngữ, luật, công nghệ...
Một trong những ngành mới được quan tâm năm nay là Quản lý thông tin lần đầu tiên tuyển sinh năm 2019. Thầy Hoàng Anh Tuấn cho biết, đây là ngành học rất hấp dẫn trong bối cảnh công nghệ và thông tin số phát triển mạnh mẽ hiện nay. Theo đó, quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin trở thành động lực quan trọng cho phát triển. Trong bể thông tin khổng lồ hiện nay, cách chúng ta nắm bắt, khai thác và xử lý thông tin hiệu quả, tích cực sẽ tạo nên thành công, dù bạn làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào. Ngành Quản lý thông tin cung cấp các kiến thức liên ngành, giúp cho người học có kiến thức, kỹ năng tổ chức, phân phối và sử dụng thông tin. Người học cũng được cung cấp các tri thức của nhiều ngành khoa học khác như: quản trị kinh doanh, xã hội học, truyền thông đa phương tiện… nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý dữ liệu trong thời đại mới.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây