Ngôn ngữ
Không chỉ phát biểu giao nhiệm vụ cho các đơn vị mà PGS.TS Hoàng Anh Tuấn còn trả lời câu hỏi của các phóng viên báo đài xung quanh 03 CTĐT này về: lý do Nhà trường chọn 03 CTĐT trên để triển khai đào tạo CLC thu phí theo chi phí đào tạo, những ưu điểm của CTĐT và lợi thế dành cho người học, tính phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu xã hội của CTĐT, khả năng tìm việc và hội nhập quốc tế của sinh viên sau khi ra trường...
Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn và đại diện lãnh đạo Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Khoa Khoa học Quản lý, Khoa Thông tin - Thư viện tại lễ công bố các quyết định và giao nhiệm vụ đào tạo
“Trong thời đại 4.0, việc sản xuất ra một siêu máy tính, robot tự động hóa, ứng dụng trí thông minh nhân tạo Al... đã thành câu chuyện hết sức bình thường, nhưng để công nghệ phục vụ hữu ích nhất cho cuộc sống của chúng ta thì vẫn cần nền tảng về năng lực trí tuệ, đạo đức, cảm xúc của con người... Do đó, KHXH&NV luôn có vai trò quan trọng, không thể thay thế trong thời đại công nghệ số hiện nay” - PGS.TS Hoàng Anh Tuấn đề dẫn bằng việc chia sẻ một thông điệp của Hội nghị thượng đỉnh giáo dục đại học toàn cầu tại thành phố Chicago năm 2019.
Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ các thông tin về việc triển khai tuyển sinh và đào tạo CTĐT CLC các ngành Báo chí, Khoa học Quản lý, Quản lý thông tin trong mùa tuyển sinh năm 2019
Năm 2018, có khoảng 40.000 lượt hồ sơ đăng ký vào các ngành KHXH&NV của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, phản ánh nhu cầu cao của thí sinh muốn theo học các ngành KHXH&NV tại trường. Trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo các CTĐT chuẩn được giao hàng năm của Nhà trường không nhiều, chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận nhỏ người học. Triển khai nội dung của Thông tư 23/2014-TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường quyết định mở một số CTĐT CLC thu phí theo chi phí đào tạo để đáp ứng nhu cầu trên.
Về năng lực đào tạo, Trường ĐHKHXH&NV là cơ sở đào tạo hàng đầu về KHXH&NV tại Việt Nam, có truyền thống đào tạo 74 năm kể từ Đại học Văn khoa (1945). 25 ngành đào tạo cử nhân của Trường trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ các ngành khoa học cơ bản như Triết học, Ngôn ngữ học, Văn học, Lịch sử, Hán Nôm, Nhân học... cho đến các ngành khoa học hiện đại, mang tính ứng dụng cao như Báo chí, Đông phương học, Khoa học Quản lý, Quản trị văn phòng, Xã hội học, Công tác xã hội, Quốc tế học... Đội ngũ giảng viên có chất lượng cao với 108 GS/PGS, chiếm 27% đội ngũ. 65% giảng viên đạt chuẩn học vị Tiến sĩ. Sinh viên Nhà trường luôn có tỷ lệ có việc làm cao sau tốt nghiệp, lên tới 90-93% sau 6-12 tháng. Nhà trường có quan hệ rộng mở với rất nhiều doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong và ngoài nước.
PGS.TS Đào Thanh Trường (Trưởng khoa Khoa học Quản lý) thông tin về CTĐT CLC ngành Khoa học Quản lý
Các ngành Báo chí, Khoa học Quản lý, Quản lý thông tin đều là những ngành học hiện đại, có nhu cầu xã hội lớn, có triển vọng công việc tốt trên thị trường lao động, phù hợp với xu thế phát triển chung của các ngành nghề ở Việt Nam và trên thế giới. Các CTĐT CLC này sẽ được tuyển sinh và tổ chức đào tạo song song với chương trình đào tạo chuẩn. Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Khoa học Quản lý và Khoa Thông tin – Thư viện đều là những đơn vị có truyền thống đào tạo và năng lực đào tạo được xã hội ghi nhận.
Theo học các CTĐT này, người học sẽ được hưởng những điều kiện học tập và các lợi thế như:
Về điều kiện học tập: Sinh viên hệ CLC được ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất tiên tiến như: lớp học tổ chức quy mô nhỏ (25-30 sinh viên/lớp); môi trường học tập thân thiện, hiện đại; phòng học đáp ứng các yêu cầu dạy học đa phương tiện, lắp đặt sẵn các trang thiết bị dạy học hiện đại…
Về tổ chức đào tạo: Được đầu tư nhiều hơn về ngoại ngữ để tăng cường khả năng hội nhập quốc tế và tham gia thị trường lao động trong khu vực; được giảng dạy/hướng dẫn bởi đội ngũ giảng viên có uy tín trong và ngoài nước; 20-30% các môn học trong chương trình được giảng dạy bằng ngoại ngữ và do giảng viên nước ngoài giảng dạy; được tư vấn học tập, hỗ trợ thường xuyên bởi đội ngũ cố vấn học tập chuyên nghiệp; được đi thực tập, thực tế trong và ngoài nước…
Một số quyền lợi đáng lưu ý khác: Được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học và được hỗ trợ kinh phí theo quy định của nhà trường; được tạo điều kiện tham gia các chương trình trao đổi sinh viên và giao lưu quốc tế; được cấp học bổng từ 10% quỹ học phí, dành cho các sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động phong trào xuất sắc theo quy định của nhà trường; được ưu tiên giới thiệu việc làm tại các đơn vị đối tác của Nhà trường…
Chia sẻ về CTĐT Khoa học Quản lý CLC, PGS.TS Đào Thanh Trường (Trưởng khoa Khoa học Quản lý) cho biết: CTĐT được xây dựng với 50% học phần lý thuyết và 50% thực hành. 50% giảng viên là chuyên gia giảng dạy về lý thuyết và 50% giảng viên là các nhà hoạt động thực tiễn. 50% các môn học gắn với định hướng ứng dụng, trong đó có những học phần rất mới ở Việt Nam như quản lý khởi nghiệp, quản trị khởi nghiệp, lý thuyết trò chơi ứng dụng trong quản lý, quản lý đổi mới sáng tạo... Sinh viên bảo vệ khóa luận bằng tiếng Anh và đi thực tập tại nước ngoài. Đặc biệt, người học sẽ được tham gia vào chuỗi talkshow chia sẻ các câu chuyện thực tiễn về nghiệp vụ và kỹ năng quản lý với các chuyên gia đến từ quốc hội và các nhà quản lý, tư vấn chính sách hàng đầu tại Việt Nam.
TS. Đỗ Văn Hùng (Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện) cho biết, Khoa sẽ nỗ lực hết sức để tạo thương hiệu, dấu ấn riêng cho CTĐT Quản lý thông tin CLC
TS. Đỗ Văn Hùng (Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện) cho biết: CTĐT Quản lý thông tin CLC sẽ tập trung vào hai mảng là quản lý thông tin khu vực công và quản lý thông tin doanh nghiệp. CTĐT sẽ triển khai học kỳ doanh nghiệp với 20 tín chỉ thực tập thực tế. Sinh viên được đi thực tập ngay từ cuối năm thứ nhất. 30% môn học dạy bằng tiếng Anh và sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh 6.5 IELTS. Nhà trường ký kết với tập đoàn lớn như Tân Hiệp Phát, Viettel, Bảo Ninh, Vingroup... để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho các em. Chương trình áp dụng phương pháp học tập theo dự án (project based learning) và triển khai đào tạo hỗn hợp (blended learning) giữa học tập trên lớp và trực tuyến. Qua CTĐT CLC, Khoa muốn xây dựng thương hiệu riêng về chất lượng đào tạo để thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng.
TS. Nguyễn Sơn Minh (Viện phó Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông)
TS. Nguyễn Sơn Minh (Viện phó Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) chia sẻ về những điểm mạnh của CTĐT ngành Báo chí CLC: Chương trình được xây dựng trên cơ sở tiệm cận các CTĐT tiên tiến của thế giới... CT tập trung vào các điểm chính: đào tạo khả năng tác nghiệp đa loại hình báo chí, tạo tính cạnh tranh cho người học; bước đầu đào tạo kỹ năng quản trị truyền thông và ứng xử với khủng hoảng truyền thông... Sinh viên được đào tạo nền tảng tốt về khoa học xã hội nhân văn, cộng với được tiếp cận kiến thức và kỹ năng tác nghiệp chuyên biệt của nhiều loại hình báo chí khác nhau. Sau khi ra trường, trên cái nền kiến thức ấy, các em có thể lựa chọn và tập trung phát triển nghề nghiệp của mình ở một loại hình/lĩnh vực báo chí nhất định.
Ngoài ra, Viện sẽ tập trung nâng cao khả năng ngoại ngữ của sinh viên với trên 20% môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh, qua đó mở rộng khả năng thích ứng, làm việc trong môi trường báo chí, truyền thông khu vực và quốc tế. Trong tương lai, Viện sẽ tiến hành công nhận, chuyển giao tín chỉ đào tạo chuyên ngành Báo chí với các trường đại học của ASEAN.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn