Cố GS.NGND Đinh Xuân Lâm và GS.NGND Lê Văn Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN

Thứ năm - 27/01/2022 22:37
Ngày 31/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 2472/QĐ-CTN về việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Quyết định số 2473/QĐ-CTN về việc tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 năm 2021. Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 (Giải thưởng) đã lựa chọn 09 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 15 Giải thưởng Nhà nước để tặng thưởng. Trong đó, công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của cố GS.TS Đinh Xuân Lâm và cụm công trình “Thơ Việt Nam hiện đại” của GS.TS Lê Văn Lân (bút danh Mã Giang Lân) được trao Giải thưởng Nhà nước lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của GS. NGND. Đinh Xuân Lâm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 năm 2021
 
Công trình “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của GS. NGND. Đinh Xuân Lâm do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2015, dài 651 trang, gồm 5 phần: (1) Từ Cần Vương đến Duy Tân, (2) Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, (3) Khía cạnh quốc tế của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, (4) Những nhân vật lịch sử tiêu biểu và (5) Mấy vấn đề tư liệu, sử liệu học và nguyên tắc đánh giá nhân vật lịch sử. Công trình là tuyển tập gồm 72 trong tổng số khoảng 560 công trình nghiên cứu trong suốt gần sáu thập kỷ cầm bút (từ năm 1957-2015) của GS. Đinh Xuân Lâm. Những đóng góp của các công trình nghiên cứu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần định hướng, điều chỉnh một số nhận thức, quan điểm đánh giá về những vấn đề, nhân vật lịch sử còn gây nhiều tranh cãi trong giới Sử học và khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam.   
Cụ thể, công trình có đóng góp lớn trong việc làm sáng tỏ bối cảnh, nội dung, đặc điểm, tính chất và vai trò vị trí của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX; Đi sâu khảo sát, phục dựng chân dung cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật của các nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam thời cận đại; Có đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; Góp phần điều chỉnh, thậm chí làm thay đổi nhận thức của giới Sử học Việt Nam về một số vấn đề nhạy cảm đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt trong nhiều chục năm kể từ sau năm 1954.
Không chỉ có ảnh hưởng ở Việt Nam, công trình nghiên cứu của GS. Đinh Xuân Lâm còn được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy ở nhiều trường đại học nước ngoài. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài ở Pháp, Mỹ, Nga, Australia.. đã tham khảo, sử dụng các kết quả trong công trình Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam của ông để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam.
GS.NGND Đinh Xuân Lâm (1925-2017)
 
GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN ĐINH XUÂN LÂM (1925-2017), quê quán: Hương Sơn, Hà Tĩnh; được công nhận chức danh Giáo sư năm 1984; được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1988. Giáo sư công tác tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1956-1990; từng giữ các chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận-Hiện đại, Khoa Lịch sử; Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Các hướng nghiên cứu chính của Giáo sư: Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam; Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
 
Cụm công trình “Thơ Việt Nam hiện đại” của GS.NGND Lê Văn Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 năm 2021

Cụm công trình “Thơ Việt Nam hiện đại” của GS.NGND Lê Văn Lân gồm các tác phẩm:  1. Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000; 2. Thơ hình thành và tiếp nhận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004; 3. Văn học hiện đại Việt Nam - Vấn đề - Tác giả, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005; 4. Những cấu trúc của thơ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011. Cụm công trình này in lại trong Tuyển tập Nghiên cứu phê bình, tập 1 và tập 2, 1640 trang, Nxb Văn học, Hà Nội, 2017.
Cụm công trình được hình thành trong thời gian 48 năm, là kết quả của quá trình nghiên cứu, giảng dạy liên tục của tác giả, thể hiện sự tìm tòi, đổi mới trong nghiên cứu thơ, thể hiện cái nhìn bao quát và có tính hệ thống về thơ dựa trên những tư liệu đáng tin cậy. Các công trình nghiên cứu sâu về thơ Việt Nam hiện đại trong cụm công trình này phân tích chi tiết, đầy đủ các vấn đề: Lí luận, quan niệm về thơ, sự vận động thể loại, các thể thơ, dạng thơ, những cấu trúc của thơ, làm rõ đặc trưng thẩm mỹ của thơ nói chung và thơ hiện đại Việt Nam nói riêng. Cụm công trình đã đưa ra cái nhìn hệ thống, đánh giá khái quát và luận bàn chuyên sâu về tiến trình, đặc điểm, các hiện tượng tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại, khẳng định ý nghĩa và tính ưu việt của phương pháp thực chứng ngữ nghĩa kết hợp với một số phương pháp hiện đại như Cấu trúc luận, Thi pháp học, Địa văn hoá, Văn hoá học, Ngôn ngữ học… trong nghiên cứu thơ nói chung và thơ Việt Nam hiện đại nói riêng.
GS.TS.NGND Lê Văn Lân
 
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN LÊ VĂN LÂN sinh năm 1941, quê quán: Thanh Hóa. Giáo sư tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965; nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Văn học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1985; được công nhận chức danh Giáo sư năm 2002; được rtao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002; được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010. Giáo sư công tác tại Khoa Văn học giai đoạn 1965-2006; từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại (1986-2010). Các hướng nghiên cứu chính của Giáo sư: Văn học Việt Nam thế kỷ XX; thể loại văn học tập trung vào thơ.
Cho đến nay, đội ngũ các nhà khoa học của Trường ĐHKHXH&NV đã được trao 11 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 14 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây