Tin tức

"Chuyện xưa chưa kể": Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15 - Cách người trẻ giữ gìn tinh hoa văn hoá dân tộc

Chủ nhật - 20/04/2025 00:44
Vào tối 19/4/2024 tại hội trường tầng 8 nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, vòng Chung khảo của Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15 đã chính thức diễn ra trong không khí náo nức, bùng nổ cảm xúc. Những tràng pháo tay vang lên không chỉ dành cho những vở diễn xuất sắc, mà còn để tôn vinh một hành trình dài 16 năm bền bỉ sáng tạo và giữ lửa.
 
Ảnh Đêm kịch Khoa Văn
PGS. TS. Nguyễn Thu Hiền, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Văn học phát biểu khai mạc Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15
Được tổ chức thường niên bởi Liên chi Đoàn Thanh niên – Liên chi Hội sinh viên Khoa Văn học, sự kiện năm nay quy tụ 10 đội thi đến từ nhiều Khoa trong Trường như Văn học, Đông phương học, Du lịch học, Quốc tế học, đồng thời cũng thu hút được sự quan tâm tham gia của cả các thí sinh đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong đó, có 5 đội thi đã được vào vòng Chung khảo. Với các kịch bản cải biên từ truyện cổ tích dân gian, mỗi phần trình diễn của các đội kịch đều là một nỗ lực sáng tạo trong việc tiếp cận kho tàng văn học truyền thống bằng lăng kính đương đại, phản ánh tư duy mới của thế hệ trẻ trong việc kể lại chuyện xưa theo cách chưa từng kể, trên tinh thần mang văn học đến gần sân khấu, và mang sân khấu đến gần trái tim người xem.
Đặc biệt, sự trở lại của Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ – người đã sáng lập ra Đêm kịch Khoa Văn lần đầu tiên vào năm 2009 – trong vai trò Trưởng Ban Giám khảo năm nay mang đến một hành trình đầy cảm xúc. Từ người đặt nền móng cho một sân chơi sinh viên với mong muốn các em có thêm thật nhiều kỷ niệm, đến người chứng kiến sự trưởng thành, chuyển mình và lan tỏa của Đêm kịch, thầy Vĩ xuất hiện để dõi theo và lắng nghe “những chuyện xưa chưa kể” từ chính thế hệ mới, như một biểu tượng gắn kết giữa các thế hệ – giữa lý tưởng mộc mạc, chân thành ban đầu đến những hình thức thể hiện mới mẻ hôm nay.
Picture1
Ban Giám khảo Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ – người đã sáng lập ra Đêm kịch Khoa Văn lần đầu tiên vào năm 2009 – trong vai trò Trưởng Ban Giám khảo. Từ người đặt nền móng cho một sân chơi sinh viên với mong muốn các em có thêm thật nhiều kỷ niệm, đến người chứng kiến sự trưởng thành, chuyển mình và lan tỏa của Đêm kịch, thầy Vĩ xuất hiện để dõi theo và lắng nghe “những chuyện xưa chưa kể” từ chính thế hệ mới, như một biểu tượng gắn kết giữa các thế hệ – giữa lý tưởng mộc mạc, chân thành ban đầu đến những hình thức thể hiện mới mẻ hôm nay.
Ban Giám khảo còn có sự tham gia của các chuyên gia uy tín là Nhà giáo - Dịch giả Trần Hinh (Nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Văn học; Chủ nhiệm bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; chuyên gia văn học Pháp, một trong những người kết nối và đưa quỹ Ford và Dự án Điện ảnh về Khoa Văn học); PGS.TS Hoàng Cẩm Giang – Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu điện ảnh.
Không thể không kể tới dấu ấn của Nhà hát Tuổi Trẻ - một trong những đối tác gắn bó mật thiết với Đêm kịch. Từ những ngày đầu với sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội là NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Sỹ Tiến, đến nay, thế hệ nghệ sĩ kế cận như ThS-NSƯT Nguyệt Hằng, đạo diễn Đào Duy Anh, nghệ sĩ Thu Quỳnh ở vị trí Ban Giám khảo đã tiếp tục truyền lửa và đưa sân khấu Đêm kịch đến gần hơn với hơi thở đương đại. Chính họ – những người nghệ sĩ chuyên nghiệp – đã đem đến cho sinh viên không chỉ sự động viên, mà còn là cảm hứng nghề nghiệp chân thực và sống động.
Một điểm nhấn đặc biệt của mùa Đêm kịch lần này là sự hội tụ của những sinh viên đến từ ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng - ngành học mới của Khoa Văn học. Trong các vở diễn, người xem dễ dàng nhận thấy tư duy dàn dựng mới mẻ, ngôn ngữ sân khấu đa dạng, cùng cách kể chuyện hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần văn học – nhân văn. Đó là thành quả của một quá trình học tập, thể nghiệm và dấn thân – nơi mà lý thuyết và thực hành tìm được điểm chạm. Đúng như lời PGS.TS Hoàng Cẩm Giang nhận xét sau khi xem vở kịch “Ngày xửa ngày xưa, ở Binnorie” là “Ấn tượng là chưa đủ để miêu tả cảm xúc”.
Picture 2
Vở kịch “Ngày xửa ngày xưa, ở Binnorie”
Không chỉ có sự tham gia của giảng viên, sinh viên và nghệ sĩ, Đêm kịch Khoa Văn còn ghi dấu sự đồng hành với đêm Chung khảo của các thế hệ cựu sinh viên trong vai trò là người tài trợ và tiếp lửa cho sinh viên. Những cái tên như anh Nguyễn Minh Đức (K32, Tổng Biên tập báo Hà Nội mới), anh Nguyễn Văn Bá (K32, Tổng Biên tập báo Vietnamnet), anh Hoàng Mạnh Hà (K34, Phó Tổng Biên tập báo Nông nghiệp và Môi trường), anh Trịnh Xuân Quang (K34, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Geleximco), anh Lại Bá Hà (K36, Phó Tổng Biên tập báo Hà Nội mới), anh Vũ Duy Hưng (K36, Phó Trưởng ban Điện tử báo Nhân dân), anh Cù Xuân Trường (K36, Trưởng ban Quốc tế - báo Hà Nội mới), anh Phạm Đình Hải (K37, Phó Tổng Biên tập báo Thời đại), chị Khúc Thị Hoa Phượng (K39, Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Phụ nữ), anh Nguyễn Anh Vũ (K41, Tổng Biên tập báo Văn hóa), anh Nguyễn Quang Hưng (K43, Phó trưởng ban Chuyên đề – Báo Nhân dân), anh Vũ Khắc Sơn (K43, Phó Tổng biên tập Tạp chí Bóng đá),… là minh chứng sống động cho sự tiếp nối bền chặt giữa các thế hệ. Tinh thần truyền lửa của các thế hệ anh chị cựu sinh viên kỳ cựu đã được chính các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường tiếp nối. Là sinh viên K65, ngay sau khi vừa nghiệp, bạn Kim Anh cũng đã có những sự ủng hộ có ý nghĩa đối với phong trào sinh viên mà mình vừa trưởng thành từ đó. Các anh, chị cựu sinh viên không chỉ gửi gắm niềm tin, mà còn ủng hộ tinh thần và nhiều nguồn lực khác, để Đêm kịch có thêm điểm tựa và sức bật, ngày một chuyên nghiệp, bài bản và truyền cảm hứng sâu rộng hơn.
Về mặt tổ chức, năm nay, sự chuyên nghiệp của các đội thi là điểm sáng nổi bật. Đêm kịch không chỉ là dịp để các đội thi trình diễn mà còn là nơi thử nghiệm và giải phóng sáng tạo. Từ những chất liệu dân gian quen thuộc, sinh viên đã "tháo tung" cấu trúc cũ để xây dựng nên các phiên bản mới, độc đáo, đôi khi gây tranh luận, nhưng luôn mở ra góc nhìn mới.
Sau những phần thi đầy kịch tính, Ban Giám khảo đã chọn ra những cái tên xứng đáng được vinh danh:
- 01 Giải Nhất thuộc về Đội “Cay Ngọt” (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), với vở kịch “Sắc trầu thắm - Trắng lòng người”.
Picture3
Đội “Cay Ngọt” (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)
- 01 Giải Nhì thuộc về Đội “K69 Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng + CLB Điện ảnh” (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), với vở kịch “Ngày xửa ngày xưa, ở Binnorie”.
Picture4
Đội “K69 Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng + CLB Điện ảnh” (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
- 01 Giải Ba thuộc về Đội “CLB Kịch Sân khấu” (Đại học Sư Phạm Hà Nội), với vở kịch “Sự tích hoa cúc trắng”.
Picture5
Đội “CLB Kịch Sân khấu” (Đại học Sư Phạm Hà Nội)
- 02 Giải Khuyến khích thuộc về Đội “Đông Du Văn Nghệ” (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), với vở kịch “Sự tích dưa hấu - Chuyện gieo mầm xanh” và Đội “Kịch HUS HDC” (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), với vở kịch “Tấm Cám”.
Picture6
Đội “Kịch HUS HDC” (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)
- Giải Nữ chính được yêu thích nhất thuộc về Vai diễn “Ngọc Nương” của vở kịch “Sự tích dưa hấu - Chuyện gieo mầm xanh”.
- Giải Nam chính được yêu thích nhất thuộc về Vai diễn “Thầy bói” của vở kịch “Sự tích hoa cúc trắng”.
- Giải Bình chọn video trailer được yêu thích nhất thuộc về Đội “Lớp học ALFA” (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), với trailer vở kịch “Người đẹp và quái vật”.Trong phiên phát biểu trao thưởng, thay mặt Ban Giám khảo, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ đã khích lệ bản lĩnh và tinh thần dấn thân táo bạo của các đội thi: “Làm điều mới sẽ luôn phải đối mặt với những khó khăn, nhưng nếu không dám mở đường, thì sẽ mãi giậm chân tại chỗ”. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt của Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15 – tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thể nghiệm và làm mới.
Picture7
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ trao giải thưởng cho đội kịch “K69 Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng + CLB Điện ảnh” (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Khép lại mùa thứ 15, Đêm kịch Khoa Văn mở rộng tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế của mình trong hành trình đào tạo, kết nối và lan toả giá trị nhân văn. Từ những hạt giống đầu tiên gieo trồng bởi thầy Nguyễn Hùng Vĩ, nay đã nở hoa rực rỡ trong lòng sinh viên nhiều thế hệ – những người vừa giữ gìn truyền thống, vừa không ngừng dịch chuyển, không ngừng tiến lên, không ngừng tiếp thu, cải thiện và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Picture8
Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15
Một đêm diễn đã khép lại, nhưng dư âm của nó chắc chắn sẽ còn vang vọng rất lâu trong tâm trí người xem – như một hiện thân sinh động và rực rỡ cho sức sống của văn chương, sân khấu và những trái tim màu lửa. Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15 đã thể hiện khát vọng kết nối quá khứ với hiện tại, di sản với cách tân, và văn chương với sân khấu. “Truyền thống – hiện đại – chuyên nghiệp” là ba trụ cột xuyên suốt, được khẳng định qua từng mùa Đêm kịch. Với tinh thần ấy, Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15 với chủ đề “Chuyện xưa chưa kể” không chỉ là một đêm sân khấu đơn thuần, mà là tuyên ngôn nghệ thuật của thế hệ sinh viên hôm nay – biết mình đến từ đâu và sẵn sàng đi xa tới đâu.

>>>>> Tin liên quan:
Lễ trao Giải thưởng GS.NGND Lê Đình Kỵ năm học 2024-2025: Tôn vinh tài năng trẻ trong lĩnh vực Lí luận văn học
Các ngành học của VNU-USSH thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh và phụ huynh
“Lịch sử điện ảnh châu Âu” – cuốn giáo trình quý cho giảng viên, sinh viên, học viên, nhà nghiên cứu
Điện ảnh – cách đưa các tác phẩm văn học trong Nhà trường đến gần hơn với học sinh, sinh viên và công chúng trẻ
Sinh viên VNU-USSH cơ hội tìm hiểu về những tác phẩm kinh điển của nền Điện ảnh Việt Nam
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức thành công buổi chiếu phim về môi trường
Chiếu phim và tọa đàm "Điện ảnh về chiến tranh: Khi lúa chín trên cánh đồng giông bão"
 
 

Tác giả: Nguyễn Hoàng Dương - Khoa Văn học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây