Tin tức

Điện ảnh – cách đưa các tác phẩm văn học trong Nhà trường đến gần hơn với học sinh, sinh viên và công chúng trẻ

Thứ bảy - 20/01/2024 20:30
Ngày 18/01/2024, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-USSH), Công đoàn Khoa Văn học phối hợp Công đoàn Trường THPT Chuyên KHXH&NV tổ chức buổi chiếu phim "Người trở về" và tọa đàm “Ứng dụng đa phương tiện vào giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới”.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm đem đến cho học sinh, sinh viên cách tiếp cận sinh động, chân thực hơn về những tác phẩm văn học các em đã được học trong chương trình. Sự kiện cũng như một lời tri ân gửi đến những người lính đã sống, cống hiến cả cuộc đời mình cho nền độc lập của dân tộc, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn ghi nhớ về những tháng năm đau thương nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc. Sau khi chiếu phim, đại biểu tham dự đã được lắng nghe chia sẻ về những văn học chiến tranh thời kì hậu chiến và việc chuyển thể những tác phẩm văn học lên màn ảnh. 
Tham dự buổi chiếu phim và tọa đàm có đại diện Ban chủ nhiệm khoa và giảng viên của Khoa Văn học, Ban giám hiệu trường THPT Chuyên KHXH&NV, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; đại diện đoàn làm phim “Người trở về” (Hãng phim Điện ảnh Quân đội) là đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền, nhà làm phim Vũ Thị Thu Hương; cùng đông đảo học sinh trường THPT Chuyên và sinh viên trường ĐHKHXH&NV.
MG 4605
 
MG 4612
 
MG 4632

Bộ phim “Người trở về” được chuyển thể từ truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Bộ phim là câu chuyện về cuộc sống của những người lính thời kì hậu chiến đan xen với những khung cảnh nơi chiến trường khốc liệt. Nhân vật chính của phim là Mây - một nữ quân y dũng cảm đã dành những năm tháng tuổi trẻ của mình nơi chiến trường. Khi hòa bình lập lại, Mây lặng lẽ trở về với những vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn và tiếp tục những “cuộc chiến” mới.
Thay mặt cho Trường THPT Chuyên KHXH&NV, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Liệu đã gửi lời cảm ơn Công đoàn Khoa Văn học và công đoàn Trường THPT đã lên ý tưởng và tổ chức hoạt động ý nghĩa cho học sinh, sinh viên Nhà trường; đồng thời chia sẻ thêm: đây là một trong những hoạt động mà Ban giám hiệu Nhà trường rất quan tâm chú trọng nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, đem đến cho học sinh những cách tiếp cận đa dạng, sinh động hơn về nội dung kiến thức trong sách giáo khoa bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Những tác phẩm văn học, bài học về lịch sử dân tộc trong thời kì chiến tranh đã được các thầy cô giảng dạy, nhưng thông qua điện ảnh các em sẽ có những cảm nhận trực quan hơn, chân thực hơn và đem đến những cảm xúc sâu đậm hơn. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Liệu cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đạo diễn Đặng Thái Huyền,… đã đến giao lưu và chia sẻ những thông tin rất thú vị xung quanh chuyện “bếp núc” thực hiện bộ phim “Người trở về” cũng như về quy trình sản xuất một tác phẩm điện ảnh.
MG 4682
Hiệu trưởng trường THPT Chuyên KHXH&NV đánh giá rất cao giá trị nhân văn của bộ phim truyền tải đến cho các em học sinh thông qua câu chuyện, tình huống phim xúc động
 
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết: “Chuyển thể từ một tác phẩm văn học thành một kịch bản điện ảnh là cách làm khá quen thuộc và thuận lợi khi đã có sẵn một ý tưởng, bối cảnh, đề tài. Nhưng khi mọi người quá ấn tượng về một tác phẩm văn học nổi tiếng thì sẽ khó tiếp nhận một cách thể hiện khác. Đây chính là áp lực rất lớn cho những đạo diễn trẻ, nhất là trong bối cảnh đã có nhiều bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam về đề tài hậu chiến tranh. Chính vì vậy làm thế nào để vừa lột tả được giá trị của tác phẩm văn học nhưng vẫn mang đến cảm nhận mới, chạm được đến trái tim của khán giả là câu hỏi e-kip làm phim vô cùng trăn trở”.
MG 4680
Đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ:Thông qua tựa đề "Người trở về" đoàn làm phim muốn kể câu chuyện về số phận của những con người ở làng quê Việt Nam nói chung thời kì hậu chiến chứ không chỉ khuôn hẹp trong một địa danh cụ thể  
Chị Vũ Thị Thu Hương (sinh viên K51 Khoa Văn học) bày tỏ: Khi ngồi dưới cùng xem với các em học sinh, sinh viên, bản thân tôi vô cùng xúc động. Bộ phim đã ra đời cách đây đúng 10 năm, hôm nay vẫn được chứng kiến những tiếng vỗ tay, tiếng “ồ” trước những tình huống phim bất ngờ, hay những giọt nước mắt xúc động của các khán giả trẻ thực sự là một niềm hạnh phúc vô bờ. Điều đó là một sự ghi nhận, động viên rất lớn cho cống hiến của ekip làm phim từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên. Chúng tôi mong muốn rằng thông qua những tác phẩm điện ảnh sẽ đem đến cho các em học sinh, sinh viên – những khán giả trẻ, cách tiếp cận chân thực nhất về thời kì lịch sử bi thương nhưng hào hùng của dân tộc; sự trân trọng, biết ơn những mất mát, hi sinh của những chiến sĩ trên chiến trường cũng như trong cuộc sống thời hậu chiến.
MG 4602
Nhà quay phim Vũ Thị Thu Hương kể câu chuyện xúc động về những khó khăn, vất vả của ê-kip làm phim khi thực hiện bấm máy trong điều kiện thời tiết mùa đông miền Bắc Việt Nam nhiệt độ 5-8độ C, khi diễn viên dầm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ hoặc dưới cơn mưa xối xả
 
Sau khi bộ phim kết thúc, các em học sinh, sinh viên đã chia sẻ cảm xúc rất xúc động khi chứng kiến những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần của nhân vật chính trong phim. Cảnh quay chân thực, xen lẫn quá khứ và hiện tại, những trận bom nổ, cảnh chiến sĩ bị thương,… xuất hiện không quá dày đặc nhưng cũng đủ làm cho khán giả cảm nhận khốc liệt trên chiến trường. Và hậu quả của chiến tranh vẫn hiệu hữu trên thân thể, tâm hồn của những người lính hậu chiến, khiến họ cảm thấy mặc cảm không dám đón nhận hạnh phúc mới. Nhưng những tình tiết về tình yêu nam nữ, tình đồng đội, tình làng nghĩa xóm,… và một cái kết đẹp đã đem đến cho khán giả cảm nhận về giá trị nhân văn sâu sắc. Dù mang trong mình những vết thương nặng nề về thể xác và tâm hồn nhưng con người ta vẫn vượt lên nỗi đau đó để nghĩ về hạnh phúc của người khác. Đó chính là giá trị cao nhất mà mỗi tác phẩm văn học, điện ảnh mang đến cho độc giả.
Bên cạnh đó, các em thấy vô cùng tự hào khi trong những nhà văn, đạo diễn, biên kịch, nhà làm phim,… có rất nhiều người vốn là cựu sinh viên của Nhà trường. Với những kinh nghiệm được chia sẻ từ những người thành đạt giúp các em có thể tìm hiểu về nghề nghiệp thú vị liên quan lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh trong tương lai, xác định được lĩnh vực mình sẽ theo đuổi.
MG 4642
 
MG 4637
 
MG 4640
 
MG 4634
Các em học sinh, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV đã đặt nhiều câu hỏi cho đoàn làm phim về bối cảnh và những khó khăn, thách thức khi sản xuất tác phẩm điện ảnh về đề tài hậu chiến
TS Nguyễn Năm Hoàng chia sẻ: Tôi đã nhiều lần đọc đi đọc lại truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh nhưng khi xem bộ phim này của đạo diễn Đặng Thái Huyền vẫn dâng trào cảm xúc. Chính vì vậy, chúng tôi rất cảm ơn Ban giám hiệu trường ĐHKHXH&NV, trường THPT Chuyên đã luôn ủng hộ, tạo điều kiện để các em học sinh, sinh viên có thể được thưởng thức rất nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngay trong chính khuôn viên Nhà trường, vừa cung cấp chất liệu sống động cho những bài học môn Lịch sử, Ngữ văn, đồng thời đem đến cho các em những xúc cảm rất sâu đậm. Việc gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn, đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên nổi tiếng; trong đó có nhiều người là cựu sinh viên của Trường,… không chỉ là cơ hội để các em hiểu thêm về vẻ đẹp, giá trị của những tác phẩm nghệ thuật, thông điệp nhân văn mà các tác giả muốn gửi gắm, đồng thời đem đến cơ hội kết nối về việc thực hành, thực tế trong quá trình học tập, cũng như việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.
MG 4669
TS Nguyễn Thị Năm Hoàng (Phó Trưởng khoa Văn học) đánh giá rất cao ý nghĩa của buổi chiếu phim và cảm ơn đoàn làm phim đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích 
MG 4625
TS Nguyễn Phương Liên (Khoa Văn học) chia sẻ thêm thông tin về kế hoạch phối hợp công đoàn khoa Văn học và trường THPT Chuyên trong việc lựa chọn bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học để trình chiếu tại Nhà trường trong thời gian tới
 
Kết thúc buổi Toạ đàm, thay mặt toàn thể học sinh, sinh viên, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu một lần nữa cảm ơn đoàn làm phim cũng như ban lãnh đạo Nhà trường, Khoa Văn học đã tổ chức một hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực, đem đến cách tiếp cận mới mẻ và sinh động cho những bài học trên giảng đường. “Trường ĐHKHXH&NV và trường THPT Chuyên trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động này, tiếp tục lựa chọn những tác phẩm điện ảnh phù hợp để trình chiếu và tổ chức nhiều toạ đàm, giao lưu chia sẻ với sự tham gia của những nhà văn, nhà phê bình văn học, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng,…” – Hiệu trưởng Nguyễn Quang Liệu chia sẻ.
MG 4686

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây