Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp sáng tạo: Cần có những giải pháp đột phá

Thứ sáu - 18/03/2022 11:44
Chiều ngày 18/3/2022, PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) cùng lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị trong Trường đã có buổi làm việc với TS Mạc Quốc Anh (Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội; Phó Chủ tịch Quỹ Chống Hàng giả; Viện Trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp); TS Phạm Đức Nghiệm (Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghiệp – Bộ Khoa học và Công nghệ) và bà Trần Thị Trang (Phó Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư HN).

PGS.TS Đào Thanh Trường chia sẻ: Tăng cường kết nối chặt chẽ giữa Nhà trường với các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng chính là chủ trương lớn được Ban Giám hiệu hết sức quan tâm, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học, thực tập, thực tế cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Trong đó có nội dung trọng tâm là hỗ trợ, kích thích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, ngay cả với học sinh phổ thông.

TS Mạc Quốc Anh đánh giá rất cao chủ trương cũng như các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của Trường ĐHKHXH&NV trong những năm qua và cam kết: các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ luôn đồng hành cùng với nhà trường trong các mảng hoạt động: tài trợ cho Dự án “Siêu thị 0 đồng”, mời các CEO, doanh nhân thành đạt của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tham gia các diễn đàn, hội thảo, buổi chia sẻ với sinh viên của trường về kinh nghiệm, kĩ năng start up thành công. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về tài chính cho các nghiên cứu khoa học, ý tưởng sáng tạo của sinh viên; tạo điều kiện để chuyển giao kết quả của các nghiên cứu đó vào thực tiễn.

TS Phạm Đức Nghiệm chia sẻ: trong các đề án của Bộ KH&CN chú trọng phát triển hợp tác với các viện, trường và các cơ sở đào tạo để phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế, kĩ thuật mà trong cả ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trường ĐHKHXH&NV có thế mạnh trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như cung cấp những chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Với chức năng hỗ trợ hình thành, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chúng tôi cam kết sẽ sẵn sàng ủng hộ, đồng hành cùng với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên nhà trường.

Bà Trần Thị Trang cho biết Thành phố Hà Nội cũng như Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (thuộc Sơ Kế hoạch và Đầu tư) có nhiều dự án, hoạt động: xây dựng các “vườn ươm ý tưởng” ngay trong các trường đại học để tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường để phát triển các ý tưởng sáng tạo; hỗ trợ kinh phí cho các hội thảo, tổ chức các khóa học đào tạo về start up, tham quan học hỏi tại nước ngoài cho sinh viên… Vì vậy, với thế mạnh về các ngành khoa học xã hội Nhà trường nên đề xuất những mô hình hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong sinh viên và nâng đỡ để phát triển ý tưởng đó thành hiện thực, đem lại giá trị cho xã hội.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu (Hiệu trưởng trường PTTH Chuyên) cho biết: “Không chỉ sinh viên, mà ngay học sinh phổ thông của trường ĐHKHXH&NV có nhiều ý tưởng sáng tạo rất tốt, rất có giá trị cho cộng đồng nhưng sau đó lại không thể tiếp tục phát triển được ý tưởng đó.. Chính vì vậy, có lẽ vẫn cần những giải pháp đột phá để tạo ra sự hỗ trợ toàn diện cả về mặt kiến thức, kĩ năng, tài chính để học sinh, sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn của nhà trường dám khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công”.

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS Đào Thanh Trường một lần nữa cảm ơn sự đồng hành của các cơ quan quản lí nhà nước về khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và hỗ trợ sinh viên của trường ĐHKHXH&NV, đồng thời nhấn mạnh: cần xây dựng các mô hình hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao tri thức về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Nhà trường sẽ xây dựng những kế hoạch hợp tác cụ thể giữa nhà trường và các bên tham gia buổi làm việc hôm nay để triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên: xây dựng một số không gian khởi nghiệp trong chính khuôn viên trường; tổ chức một số cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ tài chính,… Thông qua các hoạt động đó, trước hết thay đổi nhận thức trong chính sinh viên: chỉ có khối công nghệ, kĩ thuật, kinh tế mới có thể start up được; sau đó cũng góp phần kết nối nhà trường với các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng. Qua các hoạt động hỗ trợ dự án khởi nghiệp của sinh viên, các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm được những nhận sự giỏi, cũng như những ý tưởng tốt phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp mình.

1

2  

Tác giả: Hạnh Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây