Tin tức

Nghề nghiệp: Ngành Ngôn ngữ học

Thứ bảy - 27/08/2011 12:18
* 10 năm khoá 46 Ngôn ngữ học

NGHIÊN CỨU VIÊN

(Làm việc trong các cơ quan nghiên cứu). Nhiệm vụ:
  • Nghiên cứu ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam
  • Nghiên cứu xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, giáo dục ngôn ngữ, biên soạn từ điển, sách giáo khoa…
Yêu cầu:
  • Kiến thức chuyên môn rộng và sâu;
  • Chăm chỉ, say mê tìm tòi nghiên cứu;
  • Có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề;
  • Có kĩ năng phân tích và tổng hợp tốt.
Các đơn vị tuyển dụng: Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển và Bách khoa thư, Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, Phân viện KHXH ở Tp. Hồ Chí Minh, Viện Đông Nam Á, Viện Cơ yếu… Triển vọng: Các viện nghiên cứu hàng năm đều tuyển dụng nghiên cứu viên ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Một số viện như Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển và Bách khoa thư... đang tuyển dụng nghiên cứu viên với số lượng lớn.

GIẢNG VIÊN

(dạy Ngôn ngữ học, Việt ngữ học cho sinh viên Việt Nam hoặc tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài) Nhiệm vụ:
  • Giảng dạy ngôn ngữ học và Việt ngữ học cho sinh viên Việt Nam.
  • Giảng dạy Việt ngữ học, tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài ở Việt Nam và ở các nước khác.
Yêu cầu: Kiến thức chuyên môn rộng và sâu; Hiểu biết cuộc sống và xã hội đa văn hoá; Yêu thích nghề sư phạm; Tận tâm và có trách nhiệm với người học; Kĩ năng giao tiếp, truyền đạt tốt. Các đơn vị tuyển dụng:
  • Khoa Ngôn ngữ học, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trung tâm Ứng dụng Ngôn ngữ học - Khoa Ngôn ngữ học, Viện Việt Nam học và phát triển của trường ĐH KHXH&NV.
  • Khoa Ngữ Văn, Khoa Việt Nam học, Khoa tiếng Việt và văn hoá Việt Nam, các trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài… của các trường đại học, cao đẳng và các Viện nghiên cứu trong cả nước.
Triển vọng: Hiện nay, ngày càng có nhiều trường đại học mở ngành Ngôn ngữ học như một ngành đào tạo chính, đồng thời đưa các môn ngôn ngữ học và Việt ngữ học vào chương trình đào tạo của các ngành khác. Mặt khác, Việt Nam đang trên con đường hội nhập với thế giới, nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài ngày càng tăng lên, trong khi số lượng giáo viên dạy tiếng Việt hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của người học. Thực tế đó mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên Ngôn ngữ học yêu nghề sư phạm.

BIÊN TẬP VIÊN

(Biên tập xuất bản, Biên tập báo điện tử, Biên tập truyền hình) Là người làm công việc biên tập trong các nhà xuất bản, các toà soạn báo, các đài phát thanh truyền hình. Là người có nhiệm vụ mang đến cho bạn đọc một xuất bản phẩm có nội dung và hình thức hoàn hảo. Nhiệm vụ:
  • Đề xuất các yêu cầu về nội dung đối với xuất bản phẩm;
  • Thiết kế, biên tập các xuất bản phẩm;
  • Sửa chữa các lỗi về nội dung, hình thức của xuất bản phẩm.
Yêu cầu:
  • Cẩn thận, quyết đoán, kiên nhẫn;
  • Có kiến thức vững và kĩ năng diễn đạt tốt;
  • Có khả năng phát hiện và xử lí vấn đề;
  • Tận tình và biết quý trọng sáng tạo.
Các đơn vị tuyển dụng:
  • Các nhà xuất bản (Nxb Giáo dục, Nxb Khoa học Xã hội...);
  • Các cơ quan báo chí - truyền thông (báo viết, báo điện tử, đài phát thanh truyền hình...).
Triển vọng: Hiện nay bên cạnh các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí - truyền thông (báo viết, báo nói, báo hình), đã xuất hiện ngày càng nhiều các cơ quan báo chí, truyền thông trực tuyến và các tập đoàn truyền thông đa lĩnh vực, đòi hỏi một số lượng lớn các biên tập viên chuyên nghiệp, thành thạo bản ngữ và ngoại ngữ, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên ngôn ngữ học.

CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM KHÁC

  • PR (Public Relation), tổ chức và thiết kế nội dung các sự kiện (trong các công ti);
  • Phóng viên (báo viết, báo điện tử, đài truyền hình, đài phát thanh);
  • Biên dịch viên, Phiên dịch viên;
  • Giáo viên (giảng dạy môn ngữ văn tại các trường phổ thông);
  • Văn thư, hành chính văn phòng (trong các công ty và cơ quan);
  • Marketing truyền thông (trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh);
  • Chuyên gia về bệnh lí ngôn ngữ (làm việc tại các bệnh viện ngành Tai Mũi Họng - giúp các trẻ em khuyết tật bẩm sinh phục hồi khả năng nghe nói);
  • Chuyên viên tại các Sở Giáo dục, Sở Văn hoá - phụ trách các vấn đề giáo dục ngôn ngữ;
  • Trong các công ty về công nghệ thông tin (đối với các sinh viên theo chuyên ngành Ngôn ngữ học máy tính).

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây