Ngày 06/01/2010, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV ra Quyết định số 08 QĐ/XHNV-ĐT ban hành chuẩn đầu ra các ngành đào tạo trình độ đại học của Trường ĐHKHXH&NV. Sau đây là các nội dung của phụ lục được ban hành kèm theo quyết định.
Là một trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và truyền thống lâu đời, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Xây dựng trường thành một đại học đứng đầu đất nước về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm với các đại học danh tiếng trong khu vực, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
Tập trung xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế trên cơ sở quốc tế hoá các chương trình đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động học thuật và mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học đẳng cấp cao ở khu vực và trên thế giới. 1.3 Mục tiêu đào tạo của Trường
Có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức nghề nghiệp đúng đắn, trung thực trong khoa học; nhận thức đúng đắn về các giá trị xã hội và có thái độ ứng xử phù hợp với các giá trị đó; thể hiện rõ trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức cộng đồng.
Có kiến thức chuyên môn đủ sâu và rộng để hoạt động tốt trong lĩnh vực chuyên môn của mình, có khả năng áp dụng kiến thức vào hoạt động thực tế.
Có khả năng tự học và học tập suốt đời nhằm tự nâng cao năng lực cá nhân và đạt được thành công trong hoạt động chuyên môn; có kĩ năng tự tìm kiếm thông tin và kiến thức liên quan đến hoạt động chuyên môn; có khả năng tự đánh giá và thẩm định kiến thức hiện có của mình; hiểu và chấp nhận các điểm yếu, điểm mạnh của bản thân, nắm được phương pháp và chiến lược học tập phù hợp với bản thân; chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với những thay đổi của môi trường làm việc cũng như cuộc sống.
Có khả năng làm việc theo nhóm và làm việc độc lập; có kĩ năng giải quyết vấn đề một cách tích cực, sáng tạo và hiệu quả.
Đối với sinh viên tốt nghiệp hệ chất lượng cao, hệ đạt trình độ quốc tế, ngoài việc đảm bảo mục tiêu về kiến thức, kĩ năng và thái độ như trên, sinh viên còn phải đáp ứng các yêu cầu: có kiến thức chuyên môn giỏi; có năng lực sáng tạo; có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài về chuyên môn và những vấn đề xã hội thông thường; có khả năng sử dụng tốt công cụ tin học, tài nguyên mạng để phục vụ công tác chuyên môn; có khả năng hoà nhập với các mô hình đào tạo bậc cao của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
1. Ngành Ngôn ngữ học
1.1. Mục tiêu chung
1.1.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Ngôn ngữ học có các kiến thức đại cương về khoa học xã hội nhân văn và các kiến thức cơ bản, có hệ thống và bước đầu chuyên sâu về ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, các kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hoá, các kiến thức nghiệp vụ liên quan đến các hoạt động báo chí, truyền thông, xuất bản, giáo dục của Việt Nam và quốc tế.
1.1.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Ngôn ngữ học có các kĩ năng chuyên môn và nghiệp vụ liên quan đến ngôn ngữ học: kĩ năng nghiên cứu, giảng dạy về ngôn ngữ học, Việt ngữ học và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; kĩ năng dạy tiếng Việt như bản ngữ và như một ngoại ngữ; kĩ năng biên soạn các loại sách công cụ tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; kĩ năng sử dụng ngôn ngữ trong các hoạt động biên tập, báo chí, xuất bản, kĩ năng sử dụng tiếng Việt và sử dụng ngoại ngữ trong các môi trường làm việc khác nhau.
1.1.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Ngôn ngữ học có tinh thần yêu nước, ý thức công dân, đạo đức nghề nghiệp, thái độ nghiêm túc trong lao động…để không chỉ trở thành các nhà chuyên môn giỏi mà còn là những công dân tốt.
1.1.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Chương trình đảm bảo cho sinh viên có được các kiến thức và kĩ năng trên đây đạt trình độ của các trường tiên tiến trong khu vực để sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau ở trong nước và nước ngoài: nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; làm biên tập viên báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình; giảng dạy môn tiếng Việt và môn Ngữ văn trong nhà trường; đảm trách các công việc liên quan đến ngôn ngữ, văn hoá và truyền thông ở các cơ quan hành chính, văn hoá, giáo dục và trong các doanh nghiệp. Chương trình cũng đảm bảo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học các bậc học cao hơn ở ngành Ngôn ngữ học hoặc các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn khác ở trong nước hoặc nước ngoài.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế gồm 5 chuyên ngành với mục tiêu cụ thể theo mỗi chuyên ngành như sau:
1.2.1. Chuyên ngành Ngôn ngữ học (A)
Nhằm đào tạo các cử nhân Ngôn ngữ học có kiến thức và kĩ năng chuyên về ngôn ngữ học (ngôn ngữ học lí thuyết, ngôn ngữ học mô tả, ngôn ngữ học so sánh-đối chiếu) và có khả năng vận dụng vào thực tế nghiên cứu, giảng dạy hoặc các hoạt động có liên quan đến ngôn ngữ học nói chung, ngôn ngữ và văn hoá nói riêng ở các cơ quan trong nước và quốc tế.
1.2.2. Chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng (B)
Nhằm đào tạo các cử nhân Ngôn ngữ học có kiến thức và kĩ năng chuyên về ngôn ngữ học ứng dụng (giáo dục ngôn ngữ, ngôn ngữ báo chí, truyền thông, biên tập và xuất bản, dịch thuật, máy tính, v.v) và có khả năng vận dụng vào thực tế nghiên cứu, giảng dạy hoặc các hoạt động có liên quan đến ngôn ngữ học ứng dụng ở các cơ quan trong nước và quốc tế.
1.2.3 Chuyên ngành Việt ngữ học (C)
Nhằm đào tạo các cử nhân Ngôn ngữ học có kiến thức và kĩ năng chuyên về Việt ngữ học, về tiếng Việt và văn hoá Việt Nam, và có khả năng vận dụng vào thực tế nghiên cứu và giảng dạy hoặc các hoạt động có liên quan đến ngôn ngữ học nói chung, Việt ngữ học, tiếng Việt và văn hoá Việt Nam nói riêng ở các cơ quan trong nước và quốc tế.
1.2.4. Chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số (D)
Nhằm đào tạo các cử nhân Ngôn ngữ học có kiến thức và kĩ năng chuyên về ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có khả năng sử dụng ít nhất một ngôn ngữ dân tộc thiểu số để có thể nghiên cứu, giảng dạy hoặc đảm nhận các công việc liên quan đến ngôn ngữ học, đặc biệt là về ngôn ngữ và văn hoá dân tộc thiểu số,… ở vùng các dân tộc thiểu số hoặc ở các cơ quan trong nước và quốc tế.
1.2.5. Chuyên ngành Việt ngữ học cho người nước ngoài (E)
Nhằm đào tạo các cử nhân Ngôn ngữ học người nước ngoài có trình độ và năng lực tiếng Việt tốt, có kiến thức cơ bản về xã hội, đất nước và con người Việt Nam, có phẩm chất và kĩ năng phù hợp với một môi trường làm việc đa văn hoá, có khả năng về chuyên môn và nghiệp vụ để đảm nhận các nhiệm vụ biên, phiên dịch, giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt, văn hoá Việt Nam và nhiều công việc khác trong các cơ quan văn hoá, giáo dục, hành chính, ngoại giao ở các nước.
2. Ngành Báo chí - Truyền thông
2.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Báo chí vừa có hiểu biết rộng về đời sống xã hội, vừa có kiến thức chuyên ngành vững vàng trên các lĩnh vực báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, quảng cáo, quan hệ công chúng. Sinh viên nắm được xu hướng phát triển của các loại hình báo chí trong nước và trên thế giới, có khả năng phân tích, thảo luận và bình luận những vấn đề báo chí chuyên sâu.
2.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Báo chí có kĩ năng thực hành trên tất cả lĩnh vực báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử v.v.. Những kĩ năng này cho phép cử nhân ngành Báo chí sau khi ra trường có thể sớm hoà nhập và phát triển trong môi trường làm việc mới. Sinh viên cũng được trang bị kĩ năng làm việc nhóm, các kĩ năng ra quyết định trong các tình huống báo chí thực tế.
2.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Báo chí có trình độ giác ngộ chính trị và lập trường giai cấp vững vàng; có ý thức dân tộc và yêu nước sâu sắc; có năng lực hoạt động nghiệp vụ báo chí để có thể hội nhập bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp trong khu vực và thế giới; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ dũng cảm trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, chống lại những âm mưu và hành động phá hoại chế độ, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; có ý thức tổ chức kỉ luật và tinh thần trách nhiệm cao, say mê nghề nghiệp, có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, cầu thị trên cơ sở nhận thức đầy đủ và tự giác về vai trò – vị thế xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.
2.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Báo chí có khả năng thực hiện các chức trách phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình, làm cán bộ nghiên cứu-giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông đại chúng, làm cán bộ chức năng trong các cơ quan lãnh đạo, quản lí thông tin báo chí hoặc thực hiện các chức trách công tác đòi hỏi sự hiểu biết có hệ thống, cơ bản về lí luận và kĩ năng nghiệp vụ báo chí. Các cử nhân Báo chí còn có khả năng thích ứng rộng để có thể thực hiện các chức trách công tác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến báo chí và truyền thông đại chúng như các cơ quan văn hoá - tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội…
3. Ngành Chính trị học
Chương trình đào tạo bậc đại học ngành Chính trị học có mục tiêu chung là đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức căn bản và hệ thống về chính trị học, có kĩ năng nghiên cứu và thực hành chính trị học, có năng lực hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi sự am hiểu về chính trị học, có thái độ tích cực thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
3.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Chính trị học có hệ thống các tri thức về lí luận, phương pháp và phương pháp luận của chính trị học; về các vấn đề cơ bản trong đời sống chính trị Việt Nam, khu vực và thế giới.
3.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Chính trị học có kĩ năng tiếp cận, nghiên cứu và thuyết trình về chính trị; có kĩ năng thực hành các tri thức chính trị học khi tham gia hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống chính trị.
3.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Chính trị học có thái độ tích cực thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
3.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp có năng lực tư duy lí luận về chính trị; có khả năng vận dụng kiến thức được đào tạo để bước đầu lí giải và giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đời sống chính trị - xã hội; có khả năng tác nghiệp khi tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Sinh viên tốt nghiệp bậc đại học ngành Chính trị học có khả năng:
- Làm công tác tham mưu trong các cơ quan hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
- Làm công tác tham mưu trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội;
- Làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan lí luận chính trị;
- Làm công tác nghiên cứu và giảng dạy chính trị học trong hệ thống trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng và các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề.
- Làm phóng viên bình luận thời sự, chính trị tại các báo, đài trung ương và địa phương.
4. Ngành Công tác xã hội
4.1. Về kiến thức
Trang bị cho người học hệ thống kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên ngành về Công tác xã hội; giúp người học có phương pháp tư duy khoa học, có năng lực vận dụng kiến thức đã học vào việc nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra.
4.2. Về kĩ năng
Rèn luyện cho người học kĩ năng thực hành nghề nghiệp công tác xã hội với cá nhân, nhóm, cộng đồng thuộc các lĩnh vực khác nhau của ngành công tác xã hội.
4.3. Về thái độ
Cử nhân Công tác xã hội có thái độ chính trị, đạo đức nghề nghiệp với tinh thần phục vụ nhân dân; yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn và kĩ năng thực hành về nghề Công tác xã hội; có khả năng phát hiện, tham gia giải quyết những vấn đề xã hội và nâng cao năng lực con người.
4.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp:
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Công tác xã hội có thể:
+ Cung ứng dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở và tổ chức xã hội (các cơ sở, cơ quan, tổ chức công và tư). Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khoẻ, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, xã hội, văn hoá, môi trường... Làm việc trực tiếp tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến công tác xã hội.
+ Tiếp tục theo học ở bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) về Công tác xã hội, Phát triển cộng đồng; cũng có thể học bổ túc thêm kiến thức để chuyển đổi sang các lĩnh vực chuyên môn khác gần với Công tác xã hội.
5. Ngành Du lịch học
5.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Du lịch học có hệ thống kiến thức chung của khoa học du lịch, bao gồm các kiến thức cơ bản về Địa lí du lịch, Văn hoá du lịch, Kinh tế du lu lịch, Quản trị kinh doanh khách sạn và lữ hành, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Cập nhật các thông tin khoa học và hiện đại về các lĩnh vực khác nhau của du lịch học, giúp cho sinh viên có thể vận dụng các kiến thức đó trong các hoạt động nghiên cứu, tổ chức, quản lí, điều hành và kinh doanh du lịch. Chương trình cũng đặt mục tiêu từng bước hoàn thiện các nội dung kiến thức để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng trình độ khu vực và quốc tế.
5.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Du lịch học có kĩ năng, nghiệp vụ cơ bản như kĩ năng, nghiệp vụ kinh doanh khách sạn, kĩ năng, nghiệp vụ lữ hành, kĩ năng, nghiệp vụ du lịch văn hoá, kĩ năng, nghiệp vụ du lịch sinh thái và các kĩ năng, nghiệp vụ du lịch khác.
5.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Du lịch học có tình yêu thiên nhiên đất nước, các di sản văn hoá dân tộc, có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên nhân văn và sinh thái trong hoạt động du lịch; có tính trung thực, sự tự tin, thái độ tận tuỵ phục vụ, đức tính ham học hỏi, chí tiến thủ....
5.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Du lịch học có năng lực làm việc độc lập trong các lĩnh vực hoạt động chủ yếu như nghiên cứu khoa học du lịch; tổ chức, quản lí, điều hành hoạt động trong các tổ chức kinh doanh du lịch cũng như công tác trong các cơ quan quản lí nhà nước về du lịch ...
6. Ngành Đông phương học
Chương trình đào tạo cử nhân Đông phương học với tư cách là khu vực học, có các chuyên ngành: Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc), Ấn Độ học và Đông Nam Á - Ôxtrâylia học. Cử nhân Đông Phương học phải đạt được những yêu cầu cụ thể dưới đây:
6.1. Về kiến thức
Sinh viên có kiến thức cơ sở tương đối rộng và có hệ thống về khoa học xã hội và nhân văn, về Đông phương học và về chuyên ngành, vừa đảm bảo tính hệ thống, tính lịch đại, vừa nắm bắt được tình hình hiện tại của nước hay khu vực của ngành đó và mối quan hệ với Việt Nam.
6.2. Về kĩ năng
Sinh viên sử dụng tương đối tốt một ngoại ngữ chuyên ngành với 4 kĩ năng nói, nghe, đọc, viết; đồng thời, nắm được phương pháp nghiên cứu khu vực học và phương pháp giao tiếp quốc tế
6.3. Về thái độ
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
6.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Cử nhân Đông phương học có thể công tác trên các lĩnh vực quan hệ giữa Việt Nam với các nước phương Đông; nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học và cao đẳng, các viện và trung tâm khoa học; làm việc trong các cơ quan ngoại giao, quan hệ quốc tế, các văn phòng đại diện; làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong nước và nước ngoài.
7. Ngành Hán Nôm
7.1. Về kiến thức
Trên cơ sở cung cấp cho sinh viên những kiến thức nền (triết học, lịch sử, ngữ văn…), chương trình trang bị những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về Hán Nôm như: Hán văn cơ sở; chữ Nôm và văn bản Nôm; tinh tuyển Hán văn Trung Quốc theo trường phái và lịch đại; Hán văn Việt Nam; văn tự học Hán Nôm; ngữ pháp văn ngôn; văn bản học Hán Nôm; từ chương học Hán Nôm; các tri thức về Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo… cũng như các tri thức về văn hoá truyền thống trên cả phương diện lí thuyết và thực hành văn bản.
7.2. Về kĩ năng
Sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình này có những kĩ năng cần thiết trong việc tiếp cận và xử lí văn bản Hán Nôm cả ở phương diện văn bản học (xử lí, giám định văn bản) cũng như minh giải và khai thác văn bản (đọc văn bản, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, giới thiệu văn bản), biết sử dụng các công cụ tra cứu (tự điển, từ điển…), biết mô tả, bảo quản, và in rập các loại thác bản.
7.3. Về thái độ
Thông qua hệ thống các môn học, chương trình đào tạo những người làm công tác Hán Nôm có lòng yêu nước, yêu nghề nghiệp, biết bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống, có năng lực khai thác các giá trị của di sản Hán Nôm phục vụ công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện hội nhập và giao lưu quốc tế.
7.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Chương trình giáo dục đại học ngành Hán Nôm nhằm đào tạo cử nhân Hán Nôm có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn vững vàng, đảm nhận các công tác: sưu tầm, bảo quản, phiên dịch, nghiên cứu, khai thác, giảng dạy Hán Nôm.
8. Ngành Khoa học Quản lí
Chương trình đào tạo đại học ngành Khoa học quản lí nhằm đào tạo nguồn nhân lực quản lí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
8.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Khoa học quản lí được cung cấp một cách có hệ thống các kiến thức về lí luận và các phương pháp quản lí, lãnh đạo; kiến thức về khoa học quản lí và những khoa học liên ngành khác
8.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Khoa học quản lí có kĩ năng về quản lí; có trình độ tốt về chuyên môn, nghiệp vụ quản lí; có kĩ năng tốt về trình bày, giao tiếp và cộng tác trong công việc.
8.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Khoa học quản lí có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; có tính trung thực, lòng trung thành với Tổ quốc và chế độ; có tinh thần dũng cảm trước những khó khăn, nguy hiểm; say mê và tận tuỵ với công việc.
8.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Khoa học quản lí có năng lực phân tích và đánh giá; có khả năng tổ chức, huy động và thuyết phục quần chúng thực hiện mục tiêu của tổ chức. Sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của các vị trí công tác quản lí ở cấp phòng, ban, phân xưởng xí nghiệp và các vị trí tác nghiệp quản lí trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước hoặc tư nhân; làm nguồn để tuyển chọn tiếp tục tham gia các chương trình đào tạo sau đại học.
9. Ngành Lịch sử
9.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Lịch sử có kiến thức hệ thống, cơ bản về tiến trình lịch sử Việt Nam và tiến trình lịch sử thế giới.
9.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Lịch sử được trang bị một số phương pháp cần thiết để tiến hành công việc chuyên môn về sử học nói chung và về một chuyên ngành sử học cụ thể một cách hiệu quả; áp dụng được tư duy lôgic, tích cực và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề cụ thể của sử học thuộc chuyên ngành của mình.
9.3. Về thái độ
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức phục vụ nhân dân; có thái độ trung thực trong khoa học.
9.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Lịch sử có kiến thức chuyên sâu về một chuyên ngành lịch sử; có khả năng tự học và học tập suốt đời để nâng cao năng lực cá nhân và đạt được thành công trong hoạt động chuyên môn; có khả năng làm việc theo nhóm và làm việc độc lập. Người có bằng cử nhân ngành Lịch sử có thể:
- Làm công tác nghiên cứu ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội có sử dụng, có liên quan đến kiến thức lịch sử,
- Làm công tác giảng dạy lịch sử tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học.
- Có thể học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ sử học, làm công tác lãnh đạo, quản lí và các công tác khác…
10. Ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng
10.1. Về kiến thức
Cử nhân Lưu trữ học và Quản trị văn phòng có kiến thức cơ bản và hệ thống về văn bản quản lí nhà nước, về công tác văn thư, về hành chính học, về lưu trữ học và lí thuyết quản trị văn phòng.
10.2. Về kĩ năng
Cử nhân Lưu trữ học và Quản trị văn phòng có các kĩ năng cơ bản trong các lĩnh vực công tác văn thư, công tác Lưu trữ và Quản trị văn phòng như kĩ năng soạn thảo văn bản, kĩ năng lập và quản lí hồ sơ, kĩ năng tổ chức các hoạt động văn phòng, kĩ năng tổ chức chỉnh lí khoa học kĩ thuật tài liệu lưu trữ…
10.3. Về thái độ
Cử nhân Lưu trữ học và Quản trị văn phòng có tư chất và phẩm chất đặc biệt của người cán bộ văn thư – lưu trữ, của cán bộ văn phòng; có nhận thức và thái độ đúng đắn về công việc sẽ đảm nhận sau khi ra trường.
10.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Cử nhân Lưu trữ học và Quản trị văn phòng có thể đảm nhiệm các chức danh thư kí tổng hợp, chuyên viên văn thư, chuyên viên lưu trữ và các chức danh khác tại văn phòng các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân các cấp hoặc tại văn phòng các cơ quan, tổ chức, các đoàn thể, các doanh nghiệp và các trung tâm lưu trữ nhà nước.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học, cử nhân Lưu trữ học và Quản trị văn phòng có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc học cao học và nghiên cứu sinh để trở thành chuyên gia về Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.
11. Ngành Nhân học
11.1. Về kiến thức
Chương trình đào tạo đại học ngành Nhân học cung cấp cho sinh viên những tri thức cơ bản về Nhân học, kiến thức chuyên sâu về Nhân học văn hoá - xã hội dưới tất cả các khía cạnh: khái niệm, lí thuyết, kiến thức cơ sở khác liên quan đến những chủ đề cơ bản của ngành học và khả năng thực hành các phương pháp nghiên cứu Nhân học.
11.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Nhân học nắm rõ hệ thống các lí thuyết, thực hành tốt các phương pháp nghiên cứu Nhân học; bước đầu có khả năng áp dụng tư duy lôgic, tích cực và sáng tạo vào giải quyết các vấn đề học thuật liên quan đến Nhân học thuộc chuyên ngành của mình.
11.3. Về thái độ
Có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân; có thái độ trung thực trong khoa học.
11.4. Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
Cử nhân ngành Nhân học có tri thức cơ bản và chuyên sâu về một chuyên ngành Nhân học; có khả năng nâng cao năng lực nghề nghiệp nhằm đạt được thành công trong hoạt động chuyên môn. Người có bằng cử nhân Nhân học có thể làm việc trong các cơ quan nghiên cứu, tổ chức đoàn thể, tổ chức quốc tế và phi chính phủ, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác có nhu cầu sử dụng tri thức Nhân học; giảng dạy Nhân học tại các trường đại học, cao đẳng; theo học các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài.
12. Ngành Quốc tế học
12.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Quốc tế học có kiến thức cơ bản về quốc tế học (quan hệ quốc tế, kinh tế và luật pháp quốc tế, lịch sử và văn hoá thế giới ...), về khu vực châu Âu và châu Mĩ, về chính sách và quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
12.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Quốc tế học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp); có kĩ năng nghiên cứu các vấn đề quốc tế và kĩ năng giao tiếp quốc tế.
12.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Quốc tế học có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
12.4. Về vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Học xong chương trình, sinh viên có thể đảm nhiệm các loại công việc sau đây:
- Nghiên cứu, giảng dạy về các vấn đề quốc tế tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.
- Làm công tác đối ngoại tại các cơ quan ngoại giao ở trung ương và địa phương, các vụ hợp tác quốc tế thuộc các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan an ninh - quốc phòng, các cơ quan báo chí - truyền thông.
- Làm việc trong các cơ quan đại diện của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, các liên doanh và doanh nghiệp tư nhân.
13. Ngành Tâm lí học
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Tâm lí học với các hướng chuyên ngành Tâm lí học quản lí - kinh doanh; Tâm lí học xã hội; Tâm lí học lâm sàng và Tâm lí học tham vấn nhằm các mục tiêu sau đây:
13.1. Về kiến thức
Cử nhân ngành Tâm lí học có kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và thiết thực về các lĩnh vực Tâm lí học xã hội, Tâm lí học quản lí, Tâm lí học quản trị kinh doanh, Tâm lí học tham vấn, Tâm lí học pháp lí, Tâm lí học lâm sàng, Tâm lí học lao động, Tâm lí học phát triển...
13.2. Về kĩ năng
Cử nhân ngành Tâm lí học có kĩ lựa chọn, phân tích, thực thi các vấn đề tâm lí học; có kĩ năng cơ bản thực hiện nghiên cứu, viết bài luận, kĩ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề có liên quan đến tâm lí học.
13.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Tâm lí học có sự say mê đối với chuyên môn, tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, những phẩm chất đạo đức, lập trường chính trị vững vàng, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất nhân cách của một người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến đời sống tâm lí con người
13.4. Về các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Sinh viên có khả năng làm việc ở các lĩnh vực có liên quan đến đời sống tâm lí con người như giảng dạy; nghiên cứu; quản lí; tư vấn; tư pháp; giáo dục; y tế; hoạt động kinh doanh; xã hội…
14. Ngành Thông tin - Thư viện
14.1. Về kiến thức
Cử nhân Thông tin – Thư viện có trình độ lí luận chuyên môn vững vàng về khoa học Thông tin - Thư viện:
- Nắm vững kiến thức nghiệp vụ cơ bản của khoa học Thông tin – Thư viện: lựa chọn, thu thập, bổ sung nguồn tin, tổ chức xử lí và lưu giữ, phân tích, tổng hợp tin và phân phối thông tin theo phương pháp truyền thống và hiện đại
- Có kiến thức vững vàng về công nghệ thông tin, am hiểu các loại hình cơ quan Thông tin – Thư viện hiện đại.
- Nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học của ngành.
14.2. Về kĩ năng
Cử nhân Thông tin – Thư viện có kĩ năng thực hành nghiệp vụ thành thạo trong các loại hình cơ quan thông tin - thư viện khác nhau:
- Thiết kế và xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin truyền thống và hiện đại
- Triển khai nghiên cứu khoa học ngành Thông tin -Thư viện
- Kĩ năng hợp tác làm việc nhóm và thuyết trình.
14.3. Về thái độ
Cử nhân ngành Thông tin – Thư viện có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao và có ý thức phục vụ nhân dân; có sức khoẻ tốt, có đủ kiến thức, kĩ năng và năng lực sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
14.4. Về các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Cử nhân Thông tin – Thư viện biết đánh giá thực trạng tình hình hoạt động Thông tin - Thư viện của đơn vị và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác:
- Có thể đảm nhiệm tốt các công việc tại các cơ quan Thông tin – Thư viện.
- Có khả năng triển khai và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ người dùng tin của cơ quan Thông tin – Thư viện.
- Có khả năng định hướng hoạt động đối với tất cả các loại hình cơ quan Thông tin - Thư viện: từ việc phân tích, thiết kế hệ thống Thông tin - Thư viện, đến việc xác định được chức năng, nhiệm vụ và xây dựng cơ cấu tổ chức, quản lí cho từng cơ quan Thông tin - Thư viện cụ thể theo hướng truyền thống và hiện đại.
- Có khả năng giảng dạy ngành Thông tin – Thư viện trong các trường đại học, cao đẳng.
15. Ngành Triết học
Cử nhân ngành Triết học có kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên sâu của ngành triết học, vững lập trường, quan điểm, phương pháp tư duy khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để vào việc nhận thức và giải quyết những vấn đề hiện thực xã hội; đồng thời, có khả năng hội nhập với khoa học triết học thế giới.
15.1. Về kiến thức
Cử nhân Triết học được cung cấp một cách hệ thống, khoa học các kiến thức về lí luận chung, chuyên ngành, nghiệp vụ của ngành Triết học cũng như của một số khoa học liên ngành.
15.2. Về kĩ năng
Cử nhân Triết học có kĩ năng nghiên cứu, giảng dạy các môn khoa học triết học; có kĩ năng xử lí các công việc có tính chất quản lí công trong các tổ chức chính trị- xã hội
15.3. Về thái độ
Cử nhân triết học là những người có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với lợi ích của nhân dân, dân tộc, sẵn sàng, nhiệt tình công tác, sáng tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc.
15.4. Về các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Cử nhân Triết học có thể làm việc trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu các khoa học triết học và các môn lí luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, có thể tham gia vào các lĩnh vực hoạt động khác của thực tiễn xã hội. Cử nhân Triết học có thể tiếp tục học lên bậc sau đại học (bậc thạc sĩ, tiến sĩ) để trở thành những chuyên gia có trình độ cao trong các lĩnh vực: Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Lịch sử triết học, Logic học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Mĩ học, Đạo đức học, Tôn giáo học; có thể tiếp tục nghiên c