Ngôn ngữ
Đây là sự kiện thuộc khuôn khổ chương trình “Tham quan học tập ASEAN và ngoại giao bóng đá tại Việt Nam năm 2019” do Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia) tổ chức từ ngày 10-14/11/2019. Các nội dung của chương trình bao gồm thuyết giảng, tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu bóng đá giao hữu và tham quan các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam. Cùng với Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường ĐHKHXH&NV được chọn làm địa chỉ tổ chức giao lưu và trao đổi với chủ đề “Thanh niên và sự hiểu biết sâu sắc hơn về quan hệ Campuchia-Việt Nam trong bối cảnh ASEAN”.
Tham dự buổi giao lưu có ngài Chay Navuth (Đại sứ Vương quốc Campuchia tại Việt Nam), TS.Neak Chandarith (Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Hoàng gia Phnom Penh) và GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV).
GS.TS Phạm Quang Minh tặng quà lưu niệm cho TS. Neak Chandarith
Phát biểu khai mạc sự kiện, GS.TS Phạm Quang Minh gửi lời chào nồng nhiệt tới đoàn cán bộ, sinh viên của phía bạn. Thầy chia sẻ, Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng, có chung nhiều sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính trị. Do đó, những sự kiện nhằm tăng cường sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai nước là rất có ý nghĩa. Qua những sự kiện này, những con người thuộc thế hệ đi trước như thầy gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ trong việc tiếp nối, hoàn thành sứ mệnh thúc đẩy quan hệ song phương hai nước.
GS.TS Phạm Quang Minh chụp ảnh cùng Đại sứ Chay Navuth (đứng giữa) và TS.Neak Chandarith
Thay mặt đoàn sinh viên Đại học Hoàng gia Phnom Penh, TS. Neak Chandarith bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới sự đón tiếp nhiệt tình của Trường ĐHKHXH&NV. Thầy nhấn mạnh tới sứ mệnh tiên phong của cả hai trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của hai nước, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế. Đồng thời bày tỏ hy vọng trong tương lai, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực và trở thành hai đối tác mật thiết, đóng góp vào sự phát triển chung của quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia.
GS.TS Phạm Quang Minh, Đại sứ Chay Navuth và TS.Neak Chandarith chụp ảnh cùng các bạn sinh viên
Tiếp đó, các cử tọa đã lắng nghe phần trình bày tham luận của đại diện cán bộ, giảng viên và sinh viên hai bên. Các tham luận điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Campuchia và Việt Nam kể từ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc vương Norodom Sihanouk thiết lập quan hệ ngoại giao song phương tháng 6/1967. Hai nước đã trải qua những giai đoạn thăng trầm đầy biến động, nhất là trong cuộc đấu tranh chống các thế lực đế quốc và cuộc chiến lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me Đỏ. Sau khi lập lại hòa bình và gia nhập ASEAN (Việt Nam năm 1995 và Campuchia năm 1999), hai nước đã nỗ lực phát triển quan hệ nhiều mặt và hiện nay đã trở thành đối tác, láng giềng thân thuộc. Các diễn giả bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào quá trình xây dựng tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai nước cũng như nhấn mạnh nhu cầu củng cố khối đoàn kết trong toàn thể ASEAN. Nhất là khi Việt Nam chuẩn bị bước vào vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020.
TS. Hoàng Hồng Nga (Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV) trình bày báo cáo "Quan hệ Campuchia và Việt Nam trong bối cảnh ASEAN"
TS. Ngoun Kimly (Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Hoàng gia Phnom Penh) trình bày báo cáo "Campuchia và sự theo đuổi hòa bình"
Các sinh viên Việt Nam thuyết trình về "Giá trị của tình bạn, hòa bình và sự ổn định trong ASEAN và vai trò của thanh niên"
Kết thúc buổi giao lưu là các tiết mục văn nghệ đặc sắc được thể hiện bởi sinh viên hai trường, vừa phản ánh bản sắc văn hóa đậm đà của mỗi dân tộc vừa nêu bật những nét chung hài hòa của văn hóa Đông Nam Á.
Tiết mục múa, hát "Bèo dạt mây trôi" của các sinh viên Việt Nam
Tiết mục múa và biểu diễn nhạc cụ truyền thống của các sinh viên Campuchia
Được thành lập năm 1960 với tên gốc là Đại học Hoàng Gia Khmer, Đại học Hoàng gia Phnom Penh (RUPP) là trường đại học xưa nhất và lớn nhất của Campuchia. Trường hiện có hơn 5000 sinh viên và 3 cơ sở. Các cơ sở trực thuộc trường là: Trường Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Kỹ thuật, Trường Nghiên cứu Phát triển, Trường Khoa học, Trường Giáo dục, Viện Ngoại ngữ. Trường có khoảng 335 giảng viên, trong đó có 15 tiến sĩ, 280 thạc sĩ và trên 125 cán bộ công nhân viên hành chính.
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn