"Hướng đến trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế" là tiêu đề bài viết của GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Nhà trường) đăng trên
Báo Hà Nội mới Online, ngày 25/5/2010.
Bài viết khẳng định những thành tựu mà Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đạt được trong mấy chục năm qua, sứ mệnh và nhiệm vụ chiến lược mà Nhà trường cần thực hiện trong những năm sắp tới.
Kế thừa truyền thống 65 năm của Đại học Văn khoa và hơn 50 năm của ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam.
Trong số gần 20 ngành cử nhân và gần 50 chuyên ngành sau đại học mà Nhà trường hiện đang đào tạo, có những ngành học cơ bản, truyền thống như Văn học, Lịch sử, Triết học và Ngôn ngữ học; những ngành học gắn liền với tên tuổi các giáo sư sáng lập như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo... Những ngành học này đã tạo dựng uy tín của trường hơn nửa thế kỉ qua và đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình với tên tuổi các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức,v.v.
Bên cạnh những ngành học truyền thống, Nhà trường đã triển khai nhiều ngành học mới, mới tuyển sinh nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh như Công tác xã hội, Chính trị học, Nhân học và Việt Nam học.
Hiện nay, Trường ĐHKHXH&NV là một trong những cơ sở đào tạo đại học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ, tạo sự liên thông liên kết giữa các khoa trong trường, giữa trường với các trường thành viên trong ĐHQG Hà Nội, và giữa trường với các trường nước ngoài. Bắt đầu từ 57 lớp môn học đầu tiên được hình thành trong quá trình triển khai đào tạo theo tín chỉ trong năm học 2007-2008, đến nay, 100% các môn học hình thành dưới dạng các lớp môn học (học kì II năm học 2009-2010 là trên 800 lớp môn học), xoá bỏ hoàn toàn các lớp theo kiểu niên chế. Với hình thức tín chỉ, một số sinh viên của trường sẽ tốt nghiệp sớm hơn so với tiến trình đào tạo bình thường (4 năm).
Với chiến lược phát triển của trường là nhanh chóng trở thành trường đại học nghiên cứu đa ngành và liên ngành, công tác cán bộ được coi là một trong những nhiệm vụ then chốt.
Kế thừa và phát huy những thành tựu của Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia, tiếp bước các thế hệ giáo sư đã gây dựng nền khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV tiếp tục là một trong những trường đại học đứng đầu cả nước về tỉ lệ giáo sư, tiến sĩ và giảng viên cao cấp trên tổng số giảng viên trong trường. Cứ 6 cán bộ giảng dạy trong trường thì có một Giáo sư hoặc Phó Giáo sư, và cứ 3 giảng viên trong trường thì có một tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học. Trong tổng số gần 400 giảng viên của trường hiện nay, có gần 80% có trình độ sau đại học, và trong số 20% còn lại thì phần lớn đang học thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết của nhà trường hiện là đội ngũ chuyên gia tin cậy, được giao chủ trì nhiều công trình khoa học cấp quốc gia và các dự án quốc tế. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến 2009, Trường ĐHKHXH&NV đã được giao chủ trì 5 đề tài cấp Nhà nước như: ‘Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước thế kỉ XXI’, ‘Vấn đề gia đình trong phát triển xã hội và quản lí phát triển xã hội nước ta trong thời kì đổi mới’, ‘Những đặc trưng cơ bản về con người và văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay’…
Những thành công trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác quốc tế của Nhà trường trong thời gian qua đã và đang góp phần làm nên một ĐHKHXH&NV giàu bản sắc truyền thống mà hiện đại, năng động và trí tuệ. Đó là điểm tựa vững chắc để Nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tạo điều kiện tạo dựng một đại học nghiên cứu, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.