Tin tức

“Một số vấn đề về nghiên cứu và đào tạo ngành Tôn giáo học tại Trường ĐHKHXH&NV, ở Việt Nam và trên thế giới”

Thứ năm - 23/12/2021 05:37
Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức sáng nay, 23/12 nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Bộ môn Tôn giáo học. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá và ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong công tác nghiên cứu, đào tạo ngành Tôn giáo học, đồng thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại và những triển vọng phát triển trong thời gian tới của hoạt động này.

IMG 9338

PGS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng) phát biểu khai mạc

Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, Phó Hiệu trưởng Lại Quốc Khánh đã có bài phát biểu chào mừng hội thảo. Bài phát biểu nhấn mạnh đến vị trí và vai trò của tôn giáo như một thành tố của văn hoá Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: cần “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Nhưng để có thể vun bồi, khai thác và phát huy nguồn lực tôn giáo một cách hiệu quả nhất vì mục tiêu phát triển đất nước, cần dựa trên những thành quả của nghiên cứu khoa học về tôn giáo, cần có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu về Tôn giáo học.

IMG 9365

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) trên cơ sở kế thừa các thành quả nghiên cứu và đào tạo về tôn giáo học từ các tổ chức tiền thân, đã sớm có định hướng xây dựng và phát triển ngành Tôn giáo học trong cơ cấu các ngành đào tạo của Nhà trường. Ngày 26/7/2016, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ký quyết định số 3252/QĐ/XHNV-TC thành lập Bộ môn Tôn giáo học trực thuộc Trường. Sự ra đời của Bộ môn Tôn giáo học với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo Tôn giáo học ở cả ba bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ đã góp thêm một địa chỉ tin cậy, uy tín trong nghiên cứu và đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam. Hội thảo nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Bộ môn là dịp để những người làm công tác nghiên cứu và đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam ngồi lại với nhau, xác định rõ khó khăn - thuận lợi, thời cơ - thách thức đang đặt ra cho đào tạo Tôn giáo học và tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo Tôn giáo học ở Việt Nam.

IMG 9345

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN) phát biểu khai mạc 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN chia sẻ: từ một lĩnh vực thuộc Khoa Triết học, Bộ môn Tôn giáo học đã trở thành một đơn vị độc lập - quyết định này chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc của Trường ĐHKHXH&NV và tầm nhìn xa của lãnh đạo Nhà trường. Bộ môn có nhiều ưu thế so với các cơ sở đào tạo khác: là đơn vị đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân của cả nước thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo ngành Tôn giáo học ở cả ba bậc Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ; nằm trong cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN với nhiều chuyên gia đầu ngành; triển vọng hợp tác trong nước và quốc tế lớn... Trong 5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất nhưng Bộ môn đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ trong cả lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, lý luận về tôn giáo học. Ngành Tôn giáo học và Bộ môn Tôn giáo học đã góp phần cung cấp một lực lượng lao động không ngừng lớn mạnh, trưởng thành trong nhiều lĩnh vực hoạt động liên quan đến tôn giáo.

IMG 9353

GS.TS Đỗ Quang Hưng trình bày báo cáo "Các phương pháp nghiên cứu tôn giáo học và thực tiễn đào tạo ngành Tôn giáo học ở nước ta hiện nay"

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng chia sẻ kỳ vọng của lãnh đạo ĐHQGHN về mục tiêu xây dựng Bộ môn Tôn giáo học thành cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước về Tôn giáo học; gắn đào tạo, nghiên cứu với thực tiễn xã hội, với việc tư vấn chính sách, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo.

pano

Sau phiên khai mạc, hội thảo tập trung thảo luận về hai nhóm vấn đề chính: Nghiên cứu và đào tạo ngành Tôn giáo học tại Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐHKHXH&NV hiện nay; Thực trạng, những vấn đề đặt ra, giải pháp và nhận định về xu hướng phát triển đối với việc nghiên cứu, đào tạo ngành Tôn giáo học ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay. 

Tác giả: Thanh Hà, Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây