Tối 11/09/2011, Lễ khai giảng lớp học Ngôn ngữ và văn hoá Ba Tư trên đã diễn ra trọng thể tại Phòng Iran (Khoa Đông Phương học). Tham dự buổi lễ có Đại sứ Iran tại Việt Nam Ngài Seyed Javad Ghavam Shahidi, Phó Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Văn Kim, đại diện lãnh đạo Phòng Đối ngoại, Khoa Đông phương học, cùng 22 em sinh viên đầu tiên của trường.
Lớp học là kết quả của một quá trình hợp tác lâu dài giữa Trường ĐHKHXH&NV và Đại sứ quán CH Hồi giáo Iran tại Việt Nam.
Trước đó, từ ngày 25/08 đến ngày 31/08/ 2011, đoàn đại biểu Trường ĐHKHXH&NV do GS.TS Nguyễn Văn Khánh dẫn đầu đã đi thăm và nghiên cứu thực địa tại nước Cộng hoà Hồi giáo Iran để tìm cơ hội hợp tác và mở rộng giao lưu văn hoá giáo dục giữa hai nước.
Trong chuyến đi này, đoàn đã đến và kí MOU với nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu và học thuật tại Iran như Đại học Tehran, Đại học Mở Tehran (tại Thủ đô Tehran), Đại học Esfahan (tại cố đô Esfahan - miền Trung Iran) và Tổ chức Nghiên cứu và và Biên soạn Giáo trình đại học về các khoa học Nhân văn (SAMT) với sự chứng kiến của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Iran Trần Trọng Khánh.
Theo thoả thuận, hàng năm sinh viên Trường ĐHKHXH&NV sẽ nhận được 10 học bổng toàn phần từ Bộ Ngoại giao và Bộ giáo dục Iran cho các cấp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ cũng như tổ chức các hội nghị khoa học mà hai bên cùng quan tâm.
Chuyến đi này có ý nghĩa đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, một trường Đại học tại Việt Nam đã kí kết chương trình giao lưu và hợp tác cụ thể với các trường đại học tại Iran.
Iran là nước Hồi giáo chính thống có nền văn minh Ba Tư rực rỡ nổi tiếng thế giới; có nền kinh tế hùng mạnh (diện tích gấp 5 lần Việt Nam và số dân 75 triệu người) vào hạng nhất trong số 21 nước vùng Trung Đông. Cộng đồng Hồi giáo trên thế giới với số dân là 1,6 tỉ chiếm phần lớn số dầu khí được khai thác và trao đổi hàng năm trên thế giới. Đất nước và nhân dân Việt Nam đã gây được hình ảnh và thiện cảm hết sức tốt đẹp đối với nhân dân Trung Đông qua cuộc đấu tranh kiên cường chống ngoại xâm và xây dựng cuộc sống mới thời kì sau chiến tranh. Hiện nay, Việt Nam cũng gửi hơn 10 ngàn lao động đến lao động tại vùng này. Tuy nhiên, sự giao lưu văn hoá xã hội giữa nước ta và các nước Trung Đông hầu như vẫn chưa được chú ý xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của các bên. Vì vậy, đoàn đại biểu của Trường ĐHKHXH&NV đã nhận được sự tiếp đón trọng thị và rất nhiệt tình của phía bạn.
Nhiều năm qua, Trường ĐHKHXH&NV đã có chiến lược chuẩn bị cho việc hợp tác và phát triển quan hệ lâu dài với khu vực quan trọng này. Từ năm 1983 đến nay, Nhà trường đã cử 7 sinh viên theo học các chương trình Ngôn ngữ và văn minh Ba Tư tại Đại học Ngoại ngữ Khomeini-Ghazvin, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ về các chuyên ngành nghiên cứu Ba Tư và Trung Đông trên các lĩnh vực Ngôn ngữ, Lịch sử, Quan hệ Quốc tế, Khoa học Chính trị, Xã hội và Văn hoá theo các chương trình 5 năm và 8 năm tại rất nhiều trường đại học khác tại Iran. Tính đến thời điểm này, đã có 5 sinh viên lấy được bằng thạc sĩ tại Iran trở về. Ngoài bằng thạc sĩ chuyên ngành, họ còn thông thạo tiếng Anh, tiếng Ba Tư và Ả Rập. Hiện nay còn nhiều sinh viên khác đã, đang và sẽ theo học tại Iran với các học bổng toàn phần từ Bộ Giáo dục và Bộ Ngoại giao Iran. Đây chính là những nhân sự quý báu để chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo sâu hơn và có hiệu quả hơn giữa Trường ĐHKHXH&NV và các đối tác phía Iran nói riêng và Trung Đông nói chung.