Ngôn ngữ
So với các quốc gia khác ở châu Á, Hàn Quốc được đánh giá là nước có mối quan hệ tiến triển rất nhanh chóng với Việt Nam sau 3 thập kỷ. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ năm 1992, nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện năm 2002, phát triển thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược năm 2009. Năm 2017, với chính sách “Phương Nam mới” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc chọn Việt Nam làm trung tâm, trở thành cánh cửa đưa Hàn Quốc đến với các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao với hơn 200 quốc gia nhưng chỉ thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với 17 quốc gia, trong đó Hàn Quốc là một trong 3 nước đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009. Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Hai nước còn đặt mục tiêu đưa kinh ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ đô la năm 2020, chiếm 50% kim ngạch ASEAN-Hàn Quốc. Trong các cuộc gặp gỡ gần đây, lãnh đạo hai nước đều nhắc đến việc nâng cấp quan hệ ngoại giao thành Hợp tác đối tác chiến lược toàn diện, coi nhau như những đối tác ưu tiên hàng đầu. Những thành quả hợp tác giữa hai nước có được đến nay là nhờ những cam kết và chính sách thúc đẩy tích cực từ phía hai chính phủ; đồng thời cho thấy đây là môi trường hợp tác thuận lợi với nhiều tiềm năng còn chưa khai thác hết.
Bàn về tầm quan trọng và những đóng góp tích cực của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, TS. Lưu Tuấn Anh (Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) chia sẻ thông tin: Ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam ra đời gần như song song với thời điểm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cho đến nay, Việt Nam có 35 cơ sở đào tạo tiếng Hàn và kiến thức liên quan đến Hàn Quốc học. Trong gần 30 năm qua, các cơ sở này đã đào tạo ra hàng nghìn cử nhân vừa thành thạo tiếng Hàn, vừa có kiến thức vững vàng về Hàn Quốc, làm việc trong nhiều loại hình cơ quan, doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, khi mối quan hệ hai nước phát triển lên một bước cao hơn, xuất hiện các vấn đề liên quan đến chuyên môn sâu như pháp luật, khoa học công nghệ, y tế, môi trường, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế, văn hoá, xã hội. Rất nhiều lĩnh vực cần đến kiến thức tổng hợp về Hàn Quốc học để giải quyết các phát sinh trong quá trình giao lưu, hợp tác. Do đó, các cơ sở đào tạo tiếng Hàn ở Việt Nam đang có xu hướng mở rộng sang đào tạo chuyên ngành về đất nước học với kiến thức tổng hợp, liên ngành, định hướng tiếp cận khu vực học. Hàn Quốc học ở Việt Nam càng đứng trước trọng trách phải bám sát thực tiễn phát triển, liên kết được với đa dạng các ngành, các lĩnh vực mũi nhọn để hỗ trợ quan hệ hai nước theo hướng giảm thiểu mâu thuẫn, bất đồng, phát huy được hết những thế mạnh của mỗi bên trong quan hệ hợp tác.
PGS.TS Trần Thị Thu Lương (Đại học Quốc tế Hồng Bàng) đề xuất tăng cường chất lượng hợp tác Hàn - Việt qua việc thúc đẩy Hàn Quốc học tại Việt Nam phát triển theo định hướng của khu vực học hiện đại. Nhà khoa học nhận định rằng thành tựu của Hàn Quốc học tại Việt Nam chủ yếu thể hiện ở 3 khía cạnh: phổ cập tiếng Hàn và tăng hiểu biết của người Việt Nam về Hàn Quốc; từng bước phát triển nghiên cứu Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, văn hoá, lịch sử… nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đào tạo đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy Hàn Quốc tại Việt Nam. Từ đó, PGS.TS Trần Thị Thu Lương phác thảo một số hoạt động của Hàn Quốc học theo hướng khu vực học hiện đại và gắn với quan hệ Việt - Hàn theo hướng: tăng tính liên ngành hình thành cơ sở dữ liệu tin cậy cho các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam; thực hiện các đề tài so sánh không gian văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc ở các cấp độ gia đình, địa phương, vùng miền, quốc gia cho các gia đình đa văn hoá; đặt nghiên cứu Hàn Quốc trong bối cảnh khu vực và quốc tế.
Bàn về sự thay đổi trong hợp tác phát triển quốc tế của Hàn Quốc đối với Việt Nam thông qua viện trợ ODA, TS. Lee Kye-sun (Trường Đại học Thăng Long) đã nhắc lại “kỳ tích sông Hàn” của Hàn Quốc trong việc tận dụng nguồn vốn hỗ trợ ODA từ cộng đồng quốc tế để từ một quốc gia đói nghèo sau chiến tranh vươn lên trở thành một quốc gia phát triển, có địa vị kinh tế và chính trị trên thế giới. Hiện nay, Hàn Quốc duy trì quyền ưu tiên hàng đầu trong hỗ trợ ODA đối với Việt Nam, tập trung tăng tỷ lệ đầu tư cho các lĩnh vực mà Việt Nam đang tập trung cải cách: hành chính công, giáo dục, môi trường, y tế, nhân lực, công nghệ thông tin… Điểm nhấn trong sự thay đổi hợp tác phát triển quốc tế thông qua ODA của Hàn Quốc đối với Việt Nam là việc dần chuyển từ trạng thái hỗ trợ sang hợp tác phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thận trọng để sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả và giải quyết vấn đề chậm giải ngân.
Quan tâm đến vấn đề về “Hợp tác xã hội giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc”, TS. Nguyễn Thị Thắm (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á) cho rằng cùng với sự phát triển nhanh chóng của các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế thì hợp tác trong quan hệ xã hội giữa hai nước đang ngày càng được đẩy mạnh. Số lượng các tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc tại Việt Nam (KNGO) không ngừng tăng lên với nhiều hoạt động đa dạng, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam. Giá trị các dự án, chương trình của các KNGO tại Việt Nam cũng tăng mạnh trong 10 năm gần đây, tập trung cho các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn, hỗ trợ sinh kế, những nhóm người yếu thế… Chính phủ Việt Nam cũng dành cho các KNGO những sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thị Thắm cũng chỉ ra đặc trưng nổi bật của các KNGO tại Việt Nam là hầu hết đều đi theo hướng hợp tác trực tiếp với chính quyền cấp cơ sở. Các hoạt động của KNGO chủ yếu là các hoạt động nhân đạo và từ thiện hơn là các hoạt động hỗ trợ phát triển. Và so với hợp tác trong các lĩnh vực khác thì hợp tác trong lĩnh vực xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn chưa tương xứng với tầm quan hệ chiến lược giữa hai nước. Bên cạnh đó, các vấn đề về môi trường, phát triển bền vững, hỗ trợ tư pháp, nâng cao năng lực… cũng cần được các tổ chức KNGO quan tâm mở rộng hợp tác phát triển.
Tham luận “Nghiên cứu các vấn đề hợp tác trên phương diện kinh tế thương mại của Việt Nam và Hàn Quốc” của ông Chu Văn Tú (Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc) lại đi sâu nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển nền kinh tế sáng tạo, từ đó đưa ra những gợi ý chính sách để thúc đẩy kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, tạo nền tảng cho hợp tác giữa hai nước.
Để Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo (ĐMST), tác giả đề xuất những giải pháp: hoàn thiện cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; đặt doanh nghiệp là trung tâm trong các hoạt động ĐMST; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và mạng lưới kết nối ĐMST; tăng cường đầu tư tài chính cho đổi mới công nghệ và ĐMST; phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và ĐMST; hình thành và nuôi dưỡng văn hoá ĐMST trong từng cá nhân và tổ chức…
Ở góc nhìn văn hoá, PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV) đặt câu hỏi: Dù hoạt động hợp tác về văn hoá giữa Việt Nam - Hàn Quốc thời gian qua diễn ra khá sôi động nhưng liệu hợp tác này có tương xứng và đã cân bằng? Với lợi thế mạnh hơn về tiềm lực thì Hàn Quốc có xu hướng xuất khẩu một chiều các sản phẩm văn hoá vào Việt Nam, không có nhiều các sản phẩm hợp tác chính thức giữa hai nước về âm nhạc, điện ảnh… Trong khi chất lượng quan hệ hợp tác nằm ở sự cân bằng, bình đẳng về mặt lợi ích mà hai phía cùng đạt được. Sự bất tương xứng trong quan hệ sẽ dẫn đến tình trạng lép vế, lấn át của bên này với bên kia, gây ra những hệ luỵ, xung đột…
PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền cũng cho rằng trọng tâm của công nghiệp văn hoá là sản xuất nội dung sáng tạo và đây có thể là cơ hội và triển vọng hợp tác của hai nước trong tương lai. Trong khi ngành công nghiệp nội dung sáng tạo của Hàn Quốc có nhiều thành tựu đáng nể dựa trên sự tích luỹ về cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự nhanh nhạy trong nắm bắt thời cơ đầu tư; sự bài bản, chuyên nghiệp, chuyên sâu của đội ngũ nhân lực… thì hoạt động này ở Việt Nam còn khá non trẻ. Nhưng những tiền đề cho hợp tác đã bắt đầu xuất hiện. Hàn Quốc là nước có ngành công nghiệp nội dung sáng tạo lớn trên thế giới và Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Sự xuất hiện của KOCCA - Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc tại Việt Nam - là điểm tựa quan trọng trong kết nối doanh nghiệp hai bên, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này. Vậy Việt Nam có sẵn sàng nắm lấy cơ hội bứt phá trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này không? Trong khi phía Hàn Quốc đang rất tích cực chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam thì các cơ quan quản lý văn hóa Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thực lực, kinh nghiệm của các đối tác Hàn Quốc để xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước mình. Rất cần tạo một đòn bẩy để ngành công nghiệp nội dung sáng tạo của Việt Nam có được sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Hàn Quốc.
Tác giả: Hà Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn