Ngôn ngữ
Theo GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Diễn đàn là không gian tụ hội các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội cùng chia sẻ, đánh giá những thành tựu, chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế cũng như xác định đường hướng phát triển của ngành Việt Nam học trong thời gian sắp tới.
Thông qua diễn đàn sẽ tăng cường kết nối, mở rộng giao lưu, hợp tác, phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các học giả cùng đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua những sáng kiến, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao vị thế và vai trò, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với thế giới...
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đưa ra những phân tích, đánh giá, nhận định và các giải pháp cho nghiên cứu, đào tạo ngành Việt Nam học. GS, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng nghiên cứu Việt Nam dưới tiếp cận của từng khoa học chuyên ngành đã được thực hiện ở cả trong và ngoài nước từ nhiều thế kỷ trước nhưng nghiên cứu với tư cách là một khoa học liên ngành dựa trên những lý thuyết và phương pháp mới chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ trong khoảng hơn nửa thế kỷ gần đây.
Vì vậy, những vấn đề cần thảo luận là: Thực trạng Việt Nam học trong nước và thế giới 5 năm qua; Việt Nam học có đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa; đóng góp gì cho sự chủ động hội nhập và phát triển giữa nước ta và thế giới; giải pháp nào tăng cường hơn nữa mạng lưới phối hợp chia sẻ, cộng tác giữa các cơ sở nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới; hợp tác đào tạo Việt Nam học theo chuẩn quốc tế...
Tham dự trực tuyến từ Nga, GS, TSKH Vladimir Kolotov chia sẻ về hoạt động của Viện Hồ Chí Minh của Trường đại học Tổng hợp Quốc gia St.Petersburg. Theo đó, Viện Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên và duy nhất ngoài lãnh thổ Việt Nam được thành lập tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia St.Petersburg. Trong suốt 11 năm qua, Viện Hồ Chí Minh hoạt động theo khái niệm trục trong 7 lĩnh vực chính: Ngoại giao nhân dân, nghiên cứu khoa học, phân tích, thẩm định, tư vấn, văn hóa, giáo dục, kinh tế. Trong khi GS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra những thách thức hiện tại và triển vọng hướng tới tương lai, nhất là phát triển ngành Việt Nam học theo định hướng khu vực học để làm sáng tỏ vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và định nghĩa lại bản sắc Việt Nam.
Cũng tại diễn đàn, các nhà khoa học đã chia sẻ một số kinh nghiệm giảng dạy ngành Việt Nam học tại Trường đại học Charles, Cộng hòa Séc; nghiên cứu về Việt Nam gắn phát triển kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và nhiều trao đổi, thảo luận khoa học về Việt Nam...
Tác giả: Xuân Kỳ
Nguồn tin: nhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn