Những ảnh hưởng của nhà văn F.M. Dostoevsky đến nghệ thuật nói chung và đời sống của chúng ta nói riêng vẫn hiện diện rõ nét cho đến ngày hôm nay. Những tác phẩm của ông không chỉ gợi mở những vấn đề triết học, đạo đức và tinh thần mang tính phổ quát, mà còn khai mở những mạch nguồn liên văn bản mới. Vì vậy, kết hợp những vấn đề mà Dostoevsky đã đặt ra với những liên văn bản ra đời từ các tác phẩm của ông có thể mở ra một khía cạnh mới trong tiếp nhận di sản Dostoevsky. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc soi chiếu vào cách mỗi đạo diễn, mỗi nhà văn thuộc những quốc gia, những nền văn hoá và tôn giáo khác nhau tiếp nhận Dostoevsky có thể cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới vào những vấn đề của thời đại mình.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Dostoevsky, buổi chiếu phim My Love và sinh hoạt khoa học Khi Dostoevsky “đến” châu Á: du hành liên văn bản trong văn học và điện ảnh hướng tới giới thiệu một khía cạnh trong tiếp nhận di sản Dostoevsky ở châu Á - đó là sự nối dài sức sống các tư tưởng của Dostoevsky trong những hình hài văn bản mới, những cuộc đời mới, ở những vùng đất mới bên ngoài quê hương ông.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV Hà Nội cho rằng: “Chúng tôi rất vinh hạnh được tổ chức sự kiện đặc biệt này để góp phần hiểu sâu thêm những giá trị của Dostoevsky và những dấu ấn của ông trong đời sống văn chương nói riêng cũng như trong đời sống nghệ thuật nói chung. Trong đời sống đương đại, chúng ta thấy rằng Dostoevsky vẫn sống trong tâm khảm của người dân Việt Nam, vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng cũng như có những tiếp nhận rất độc đáo”.
Tham dự sự kiện, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội V.V.Stepanov đặc biệt đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động này: “Những hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng góp phần phát triển mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt - Nga”.
Bộ phim My Love chiếu tại sự kiện được chuyển thể từ truyện Những đêm trắng của F.Dostoevsky. Trong khuôn khổ của tọa đàm, các diễn giả và khách mời đã cùng thảo thuận về tiềm năng cải biên của truyện, những thay đổi trong quá trình cải biên từ truyện thành phim, ngôn ngữ điện ảnh của phim…
Theo ThS. Lê Thị Tuân (Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV Hà Nội) – diễn giả của sự kiện, “Những đêm trắng là tác phẩm được cải biên nhiều nhất của Dostoevsky ở thể loại truyện vừa và truyện ngắn”. Theo ThS. Lê Tuân, tiềm năng cải biên truyện đến từ nhiều phương diện: tính phổ quát của đề tài, kiểu nhân vật có vấn đề, sự mạch lạc trong các sự kiện của một cốt truyện đơn giản và chủ đề có độ mở, không đóng khuôn. Bởi vậy, “câu chuyện của Dostoevsky có thể phù hợp với bất kì thời đại nào, bất kì nền văn hóa nào”. Khách mời của sự kiện, PGS. TS. Phạm Gia Lâm bổ sung thêm rằng tiềm năng chuyển thể các sáng tác của Dostoevsky nằm ở đặc tính của tâm hồn đầy tính nữ của người Nga trong các tác phẩm của ông. “Con người cần phải được yêu thương, cần phải được cảm thông, cần phải được chia sẻ. Và chính bản nguyên thiên tính nữ là điều nâng con người lên”.
Bàn về phim My Love, diễn giả của sự kiện, PGS. TS Trần Thị Phương Phương (Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV Tp.HCM) cho rằng bên cạnh thành công trong việc xây dựng câu chuyện tình yêu với đầy những cung bậc cảm xúc, bộ phim Ấn Độ còn tái hiện nhân vật kẻ mộng mơ vốn rất nổi tiếng trong các sáng tác của Dostoevsky: “Nhân vật kẻ mộng mở xuất hiện trong những tác phẩm của Dostoevsky vào những năm 40. Đây là kiểu nhân vật nổi bật trong thời đại của Dostoevsky: những nhân vật khao khát hành động, khao khát sống nhưng lại yếu đuối, nhu mì. Đây là nhân vật của thành thị vào thời đại Dostoevsky, đồng thời cũng phản ánh những vấn đề thành thị ngày nay”.
Khách mời của sự kiện PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh cũng chia sẻ về vấn đề đạo đức tình yêu mà bộ phim My Love và truyện ngắn Những đêm trắng đã đặt ra: “Cả đạo diễn Sanjay Leela Bhansali lẫn Dostoevsky đều rất chú trọng đến vấn đề đạo đức tình yêu. Và khía cạnh này đóng vai trò rất quan trọng trong thời kì của Dostoevsky”.
Nhận xét về bộ phim My love từ góc độ liên văn bản, các diễn giả và khách mời đặc biệt nhấn mạnh tính bản địa hóa toàn cầu của bộ phim. Đây là một xu hướng rất phổ biến của nghệ thuật ngày nay, sự kết hợp giữa yếu tố bản địa với yếu tố quốc tế mà “trong đó có những sự giao hòa đầy tính bản địa với nhau”.
Về đặc trưng của sự tiếp nhận Dostoyevski ở Châu Á, PGS.TS. Đỗ Hải Phong (Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng chất cảm thương trong tác phẩm của nhà văn người Nga là một trong những yếu tố thu hút các đạo diễn chuyển thể. Cùng với đó, những tinh thần của Phật giáo và tư tưởng “cái đẹp giải cứu thế giới” đầy tính nhân văn cũng góp phần làm nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Dostoevsky. PGS.TS. Đỗ Hải Phong cũng bàn đến sự ảnh hưởng của những sáng tác của Dostoevsky đối với các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Với sự dẫn dắt khéo léo của host TS. Nguyễn Thị Như Trang (Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV Hà Nội) cùng những bàn luận sâu sắc của các diễn giả và khách mời, gần 300 khán giả đã thích thú theo dõi sự kiện trong suốt 5 giờ liên tục. Kết thúc sự kiện, nhiều khán giả đã gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức vì đã tổ chức một sự kiện “rất thú vị và ý nghĩa”.
Sức ảnh hưởng của Dostoyevski không chỉ tồn tại trong thời đại của nhà văn mà trải dài cùng với thời gian, góp phần làm nên “cuộc sống trong trường cửu” của ông; như TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, trưởng Ban tổ chức sự kiện đã phát biểu: “Thế giới tư tưởng của Dostoevsky rất rộng lớn, và nó luôn luôn mở rộng và gợi mở những khám phá tiếp theo”.