Đại sứ Sean Doyle - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - là diễn giả chính trong buổi sinh hoạt định kì vào ngày 20/5/2010 của Câu lạc bộ Giao lưu văn hoá - kinh tế quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hoá quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV.
Chủ đề mà ông trình bày trước cử toạ là “Quan hệ Việt Nam - EU”. Cùng với ông Sean Doyle, buổi nói chuyện còn có sự hiện diện của trên 10 đại sứ quốc gia châu Âu và châu Á tại Việt Nam và nhiều nguyên đại sứ Việt Nam tại nước ngoài.
Bài thuyết trình tập trung vào các thông tin về cơ chế tổ chức trong Liên minh châu Âu và tầm quan trọng của nó; lịch sử mối quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên EU; quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU thông qua nhiều chương trình, dự án mà 2 bên cùng phối hợp; những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong mối quan hệ này; các ưu tiên hợp tác trước mắt của EU; triển vọng hợp tác giữa hai bên trong tương lai...
Uỷ ban châu Âu và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Trước đó, nhiều nước châu Âu đã có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam từng năm 1969 như các nước Trung Âu, Phần Lan, Thuỵ Điển. Hiện có 20 trong số 27 nước thành viên có đại sứ quán tại Hà Nội. Hiện EU đang là một trong 3 nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1 tỉ euro mỗi năm cho nhiều lĩnh vực: hỗ trợ phát triển ngành, hỗ trợ đổi mới quản lí giáo dục; hỗ trợ năng lực ngành y tế; hỗ trợ ngân sách ngành giáo dục; hỗ trợ phát triển nhân lực du lịch; hỗ trợ chính sách thương mại đa biên... Nhiều dự án, chương trình lớn mà EU đang thực hiện mà Việt Nam đang được hưởng lợi như: NGO Program, EIDHR Program, Asia Invest, Asia Link, SWITCH Asia, DIPECHO... Trong tương lai, EU muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án về: giáo dục đại học, chương trình đối tác tư pháp, hỗ trợ chính sách ngành y tế, cải thiện đời sống của dân tộc thiểu số, xây dựng năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Bài thuyết trình đã thu hút sự quan tâm của người nghe. Nhiều bình luận và trao đổi thông tin đã được gửi tới ngài Đại sứ, xoay quanh triển vọng quan hệ Việt Nam - EU và liên quan đến các vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay như: khủng hoảng nợ tài chính của Hi Lạp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền tài chính châu Âu và đến Việt Nam; giá trị của đồng EU trong tương lai và tác động của nó đến quan hệ thương mại 2 chiều Việt Nam - EU; thái độ của Uỷ ban Châu Âu trong vụ đánh thuế chống bán phá giá đối với giày da Việt Nam; triển vọng của việc kí kết hiệp định khung mới Việt Nam – EU; đánh giá của EU về vai trò của Việt Nam ở châu Á; các chính sách và cơ chế của EU nhằm thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo và đẩy mạnh sự phát triển đồng đều giữa các quốc gia thành viên...