Thời gian vừa qua, hiện tượng hạt thóc được cho là có niên đại 3000 tuổi nảy mầm là một trong những tâm điểm chú ý của báo chí, các nhà khoa học và dư luận xã hội.
Đơn vị phát hiện và khai quật được những hạt thóc này là Trường ĐHKHXH&NV và Bảo tàng Hà Nội. Địa điểm tìm thấy là tại Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) – một địa điểm khảo cổ học nổi tiếng, nơi được coi là trung tâm luyện kim và đúc đồng lớn nhất nước ta thời Tiền Đông Sơn.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV - cũng là người trực tiếp phụ trách việc khai quật đã cho biết: Những hạt thóc và gạo cháy đã được phát hiện tại các hố rác bếp thuộc Thành Dền, ở độ sâu 1 m so với mặt đất. Khi ngâm trong nước khoảng 2 ngày thì có 10 hạt thóc đã nảy mầm đâm lá. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cũng đã đưa ra nhiều cơ sở và chứng cứ để lập luận và khẳng định rằng những hạt thóc vừa nảy mầm có niên đại 3000 năm và thuộc về văn hoá Đồng Đậu. Ngay sau khi phát hiện ra hiện tượng hạt thóc được khai quật nảy mầm thì PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cùng cộng sự đã xem lại hiện trường, quan sát trực tiếp, kiểm tra lại các băng ghi hình và những tấm ảnh chụp khai quật để loại trừ tất cả các khả năng về việc những hạt thóc này đến từ nền văn minh hiện đại, mà do tình cờ xuất hiện tại khu khai quật.
Việc hạt thóc có niên đại 3000 năm nảy mầm đã gây kinh ngạc và cả hồ nghi cho giới khoa học. Ông Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp phát biểu với báo chí: “Về nguyên lí, rất khó có thể có hạt thóc có từ 3000 năm trước mà vẫn nảy mầm. Tuy nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng này vì rất có thể những hạt thóc đó được bảo quản trong một môi trường đặc biệt mà con người chưa biết đến”. Nhiều chuyên gia hàng đầu về khảo cổ, nông nghiệp đã đến tận nơi để quan sát hiện trường và những hạt thóc được khai quật. GS. Đào Thế Tuấn - giáo sư hàng đầu về nông nghiệp nhận định: Các hạt này có hình dạng ngắn, bề ngang rộng chứ không thon dài như lúa nhiệt đới, đây cũng là hình dạng của các loại lúa cổ xưa nhất ở Việt Nam như lúa nương, lúa nếp. Ông Nguyễn Lân Cường – Phó Tổng thư kí Hội khảo cổ học Việt Nam thì phát biểu: “... Tôi hoàn toàn bị thuyết phục về niên đại của hạt thóc nảy mầm là cách đây 3.000 năm”.
Tuy nhiên, tại sao hạt thóc nằm dưới đất sau 3000 năm lại có thể nảy mầm thì các nhà khoa học chỉ có thể giả thuyết rằng có một điều kiện đặc biệt nào đó tạo cho khu vực lưu trữ hạt thóc ở di chỉ Thành Dền có môi trường yếm khí tuyệt đối, do đó duy trì được sức sống cho chúng.
Hiện nay, 8 hạt thóc nảy mầm đã được đưa đến Viện Di truyền nông nghiệp để nuôi cấy, chăm sóc và nghiên cứu. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng: phải nuôi lúa phát triển, tách lá, giải mã gen rồi đối chiếu với bộ gen của cây lúa hiện nay thì mới có thể cho ra kết luận cuối cùng là đây có phải là giống lúa cổ hay không. Và đây là một công việc khá phức tạp, khó thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong trường hợp thực sự cần thiết và các nhà khoa học có đề nghị, dù có tốn kém mấy Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai.
Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng sự việc này được đánh giá là một phát hiện vô cùng quan trọng và độc đáo của khảo cổ học. Các nhà khoa học đứng trước khả năng tìm ra bộ gen của một giống lúa cổ 3000 tuổi, cung cấp nhiều thông tin quý giá về nền văn minh lúa nước của tổ tiên. Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Lê Duy Hàm cho biết, nếu đây đúng là một giống lúa cổ thì đây sẽ là một phát hiện chưa từng có từ trước đến nay, có ý nghĩa rất to lớn về mặt lịch sử cũng như về mặt di truyền học.