Ngôn ngữ
Ngày 3/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”. Việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 có ý nghĩa nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng.
Phát biểu Khai mạc, ông Phạm Quang Hiệu (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) nhấn mạnh: Đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, giúp bà con khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc. Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN được hy vọng sẽ trở thành dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới, đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế; lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt... Lễ phát động hôm nay được tổ chức góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần, thông điệp của Ngày Tôn vinh tiếng Việt đến đông đảo người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài.
PGS.TS Phạm Bảo Sơn (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Với vai trò, sứ mệnh đầu tài dẫn dắt hệ thống giáo dục tại Việt Nam, ĐHQGHN đã xác định 3 giá trị cốt lõi: Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững với “Khẩu hiệu hành động “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức (Excellence through Knowledge)”. Với tinh thần trí thức tham gia, dấn thân vào công cuộc phụng sự cộng đồng, không ngừng tạo ra các giá trị học thuật tầm cao và có độ phủ rộng rãi, ĐHQGHN tiên phong trong việc xây dựng và thực hiện một số đề án tầm vóc lớn của quốc gia và dân tộc như: “Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học”, "Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”. ĐHQGHN đã giao Khoa Việt Nam học và Tiếng việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. ĐHQGHN rất vinh dự khi góp phần vào hành trình lan tỏa, giữ gìn, phát huy vẻ đẹp tiếng Việt, của văn hóa Việt Nam.
Đại diện cho trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - đơn vị được giao làm đầu mối và trực tiếp triển khai Đề án dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài - TS Lê Thị Thanh Tâm (Trưởng khoa Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) đã giới thiệu về Kênh giảng dạy tiếng Việt trực tuyến cho người nước ngoài: quá trình triển khai, nội dung các học phần, phương pháp giảng dạy. Theo TS Lê Thị Thanh Tâm: có thể nói đề án "Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài" là một đề án giàu tính nhân văn, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt; thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi. Với hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là hồn cốt của người Việt, niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị trường tồn, nuôi dưỡng tinh thần, khí phách dân tộc, trở thành điểm tựa vững chắc giữ gìn văn hóa truyền thống. Hiện nay, Kênh giảng dạy tiếng Việt trực tuyến cho người nước ngoài đã định hình và chờ đón hàng triệu người học từ tháng 10/2022. Với phương pháp giảng dạy hiện đại, tương tác trực tuyến với các thầy cô giáo, chuyên gia về Việt ngữ âm, phương pháp dạy tiếng của trường ĐHKHXH&NV, người học có thể học tiếng Việt một cách nhanh chóng và hiệu quả. Kênh học này là một dấu ấn có tính bước ngoặt trong hành trình thực hiện sứ mệnh giáo dục phục vụ cộng đồng, xây dựng chiến lược học thuật gắn với ứng dụng thực tế của ĐHQGHN, minh chứng sinh động cụ thể hóa quan điểm Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
TS Lê Thị Thanh Tâm cho biết thêm: Cho đến nay, ngoài việc biên soạn xong khối lượng ngữ liệu đồ sộ, hệ sinh thái khép kín phục vụ cho việc học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã phối hợp với Kênh VTV4 Kênh Đối ngoại và VTV Live của Đài Truyền hình Việt Nam số hóa nguồn ngữ liệu này (với VTV4 đã sản xuất 15 số, kế hoạch trọn gói 30 số trong năm 2022; với VTV Live số hóa 40 bài giảng điện tử của bậc sơ cấp cho kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ).
Theo chia sẻ của GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) trong thời gian qua Nhà trường đã hợp tác với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài triển khai một số hoạt động như tham gia giảng dạy cho lớp tập huấn Kiều bào về phương pháp dạy tiếng; tham gia vào đội ngũ tổ chức Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt; Xây dựng Bộ giáo trình gồm 11 hợp phần (giai đoạn 1 và 2) và tiếp tục thực hiện các hợp phần còn lại hoàn tất vào tháng 12 năm 2022 (giai đoạn 3). Các sản phẩm đang được chuyển giao, số hoá đưa vào sử dụng trong năm 2022 khi ĐHQGHN và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoàn thiện xong nền tảng trực tuyến, với sự phối hợp của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Nhà trường đã hoàn thành hợp phần bộ 30 đề thi hoàn toàn mới dành riêng cho kiều bào cùng bộ hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh dành riêng cho kiều bào.
Cũng trong buổi Lễ phát động, trường ĐHKHXH&NV đã kí kết Thỏa thuận hợp tác (MOU) với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về việc phối hợp triển khai các hoạt động “hỗ trợ nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam” giai đoạn 2023 – 2030. Theo đó, hai bên sẽ: Phối hợp tổ chức / đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình sự kiện liên quan có nội dung tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Phối hợp nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án về tình hình giảng dạy và học tập tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Trao đổi thông tin, tài liệu, ấn phẩm nhằm phục vụ công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy và học tập tiếng Việt; Thiết kế, xây dựng và tổ chức thực hiện các khoá tập huấn về phương pháp dạy tiếng Việt cho các giáo viên, tình nguyện viên, kiều bào theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; Phối hợp tổ chức truyền thông giới thiệu thông tin về “Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Trên cơ sở thỏa thuận này, trong thời gian tới hai bên sẽ tích cực đề xuất các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam.
Các tin liên quan:
https://baoquocte.vn/vi-the-tieng-viet-tren-the-gioi-dang-khoi-sac-197296.html
Tác giả: Hạnh Quỳnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn