Quan điểm, chính sách và thực trạng đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài ở Việt Nam hiện nay

Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn
Đã xem: 353
Thích: 0
Không thích: 0
Đây là nội dung được các nhà khoa học uy tín trao đổi tại Hội thảo khoa học do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hôm nay 30/5/2024.
Hội thảo có sự tham dự của gần 80 nhà khoa học, cán bộ quản lý, những người quan tâm thuộc một số Bộ/ngành Trung ương: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một số Uỷ ban của Quốc hội; Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường đại học, học viện, v.v.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN; Chủ nhiệm Đề tài KX.04.28/21-25, đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia do Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chủ trì thực hiện nghiên cứu và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, là diễn đàn thảo luận, làm rõ hệ quan điểm, chính sách cũng như đánh giá thực trạng đào tạo, sử dụng, thu hút nhân tài ở Việt Nam giai đoạn hiện nay với các luận điểm mới.
Quan điểm mới về nhân tài và đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài
Theo các nhà khoa học, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Trong đó, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước.
Thời gian qua, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài đạt được những kết quả nhất định. Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn... Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển đất nước. Nhờ đó, trong giai đoạn vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt khoảng 6%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII còn nhiều tồn tại, hạn chế. Báo cáo của Chính phủ cho biết, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam nhấn mạnh, nhân tài là người có phẩm chất, có trình độ và năng lực trong một lĩnh vực cụ thể; đặc biệt là có nhiều cống hiến đã được ứng dụng trong thực tiễn và được công nhận.
Từ cách tiếp cận lịch sử, GS.TS Phạm Hồng Tung - Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN chia sẻ, trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới, “nhân tài” (talented persons) và “trí thức” (intellectual) là hai thuật ngữ chỉ hai loại người khác nhau, nhưng có độ chồng lấp với nhau về cả nội hàm và ngoại diên. Thực tế là: không phải nhân tài nào cũng là trí thức và không phải trí thức nào cũng là nhân tài, nhưng khoảng chồng lấp giữa trí thức và nhân tài là rất lớn. Đó là những nhân tài được đào tạo, tức là đội ngũ những người vốn có những phẩm chất cả về thể chất và tinh thần phù hợp, được tiếp tục vun bồi, phát triển cả về phẩm chất (qualities) và năng lực (competencies) nhờ quá trình đào tạo, tạm gọi đó là những nhân tài - trí thức.
Quá trình đào tạo nên nhân tài - trí thức được diễn ra dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Có thể đó là những quá trình đào tạo chính thức với hệ thống trường lớp, học liệu, phương pháp và với những nhà giáo dục chuyên nghiệp; và giáo dục phi chính thức thường không diễn ra trong trường lớp với những nhà giáo dục chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có những hình thức tổ chức giáo dục khác cũng góp phần đạo luyện nên nhân tài – trí thức.
GS.TS Phạm Hồng Tung đề xuất, cần xác định rõ mối quan hệ hài hòa giữa giáo dục tinh hoa và giáo dục đại chúng; đầu tư đào tạo nhân tài cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong xu thế mới.
Xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù và tôn trọng cá tính riêng biệt của nhân tài
Phân tích những thách thức cụ thể tại Trường ĐH Y-Dược, ĐHQGHN trong bối cảnh cạnh tranh về chính sách và chế độ đãi ngộ từ trường, viện nghiên cứu trong và ngoài công lập về việc thu hút, trọng dụng giảng viên, cán bộ khoa học trình độ cao, tự chủ đại học đang là yêu cầu với khu vực giáo dục đại học, GS.TS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Y-Dược đã đề xuất các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và giữ chân nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực Khoa học sức khỏe.
Giáo sư nhấn mạnh việc cần xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể với nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế thí điểm; thuê/bổ nhiệm/giao nhiệm vụ lãnh đạo quản lý cấp trường với chuyên gia trình độ cao, uy tín, giàu kinh nghiệm. Bên cạnh việc tăng cường mời cán bộ có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm và uy tín từ các cơ sở thực hành kiêm nhiệm giảng dạy, làm lãnh đạo quản lý theo NĐ 111/2017, các trường đại học đào tạo trong lĩnh vực khoa học sức khỏe cần có chính sách ưu tiên về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng với giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học trẻ để tạo nguồn.
Trao đổi về việc đào tạo, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, PGS.TS Phạm Quang Long - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, Nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, TT&DL Hà Nội đặt ra vấn đề: Đào tạo nhân tài thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật có khác với đào tạo đại trà không? “Theo quan niệm của tôi, có một phần giống và một phần rất khác. Cái phần rất khác này cần chú ý nhiều hơn nhưng từ lâu nay chúng ta chỉ vận dụng một số tiêu chí đặc thù trên cơ sở phụ thuộc vào những tiêu chí chung. Thành ra sự khác biệt ấy chưa đạt tới độ chuẩn cần thiết. Đó là thi tuyển vào các trường nghệ thuật Hà Nội (ở Trung ương cũng thế) chỉ áp dụng cho môn thi năng khiếu vào nghề còn các môn khác vẫn áp dụng như nhau. Các môn học khác chiếm đa số và chúng giữ vai trò quyết định đối với việc đánh giá chất lượng đào tạo” - PGS.TS Phạm Quang Long chia sẻ. Do đó, đào tạo nghệ sĩ là lĩnh vực đòi hỏi phải tôn trọng tìm kiếm, sáng tạo, cá tính nhiều nhất nhưng từ khi còn ở môi trường gieo mầm, vườn ươm…những yếu tố đó chỉ được chú trọng vừa phải vì không có môi trường để bộc lộ.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, Việt Nam đang thiếu hụt về số lượng và chất lượng nguồn nhân tài trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học sức khỏe…Hiện nay tại Việt Nam có tình trạng “di cư” nhân tài từ khu vực công ra khu vực tư, từ trong nước ra nước ngoài, không phát huy được hết nguồn lực nhân tài do nhiều lý do. Đ xuất những giải pháp để tháo gỡ thực trạng trên, GS.TS Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các ngành khoa học mũi nhọn để họ thực sự phục vụ cho cộng đồng và cho sự phát triển của đất nước. Ngoài việc tạo môi trường làm việc để nhân tài được tự do sáng tạo, tự do phát triển năng lực, cũng cần xây dựng mạng lưới kết nối nhân tài ở khu vực công và tư, ở Việt Nam và nước ngoài để thu hút, phát huy được vai trò của họ.
Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa nghệ thuật, khoa học công nghệ… nhằm phát huy năng lực của nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài trong các lĩnh vực này.
Đánh giá tổng kết hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Ủy viên TW Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV; Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN khẳng định, các nhà khoa học đã cùng bàn thảo và đưa ra những giải pháp mới cho vấn đề không mới là đào tạo, thu hút, bồi dưỡng nhân tài. Hội thảo đã làm rõ hơn khái niệm nhân tài, hiền tài và cơ bản thống nhất: nhân tài là những người có khát vọng cống hiến, khát vọng phụng sự, có năng lực cá nhân, có những sản phẩm giá trị phục vụ cho đất nước, nhân dân. GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; có cơ chế chính sách đặc thù, tạo môi trường để nhân tài tự do sáng tạo, tự thân cống hiến; không chỉ xây dựng các chính sách lớn về trọng dụng nhân tài mà còn quan tâm đến những điều nhỏ nhất liên quan đến đời sống của họ.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của giáo dục ở các cấp (THPT, đại học, sau đại học), trong đó nhấn mạnh giáo dục tinh hoa phải hài hòa với giáo dục phổ thông, đề cao giáo dục khai phóng, tạo môi trường bồi dưỡng nhân tài.
 
Hội thảo khoa học với chủ đề "Quan điểm, chính sách và thực trạng đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài ở Việt Nam hiện nay" nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của Nhiệm vụ Khoa học công nghệ "Đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài - đột phá chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh bền vững đất nước" (Mã số: KX04.28). Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các nhà khoa học để hoàn thiện nghiên cứu của đề tài, từ đó có các nội dung tư vấn chính sách hiệu quả.
Hội thảo đã nhận được 40 bài viết đến từ các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau và sẽ được xuất bản trong Kỷ yếu hội thảo, trở thành tư liệu để xuất bản thành sách chuyên khảo.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây